Một thời hoa lửa
Năm 1954, từ miền Nam tập kết ra Bắc, cô nữ sinh Hồ Thị Bích Phượng học tại Trường miền Nam số 6 Hải Phòng và sau đó được vào học tại Khoa Phát dẫn điện Trường Ðại học Bách Khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, Hồ Thị Bích Phượng tình nguyện về làm việc tại Thành phố Hoa Phượng đỏ, lập nghiệp và xây dựng gia đình ở đó. Bà là một trong những nữ kỹ sư điện đầu tiên của Ðiện lực Hải Phòng.
Thời chống Mỹ, Trạm 110 kV An Lạc, Hải Phòng lan truyền câu chuyện nghe như huyền thoại: Bà Phượng và 8 cô gái ở Trạm này bình thường là những kĩ sư, công nhân, vận hành và quản lý các thiết bị điện trong Trạm. Mọi người cũng đi ca, cũng đấu dây, lắp điện thành thạo như nam giới. Lúc rảnh rỗi, họ lại tranh thủ nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề, do bà Bích Phượng hướng dẫn. Khi có báo động máy bay Mỹ, các cô gái này là lực lượng tự vệ, sẵn sàng chiến đấu, bắn trả máy bay Mỹ khi chúng ném bom đánh phá nguồn điện, lưới điện Hải Phòng. Có lần, một khẩu đội pháo cao xạ bị bom Mỹ đánh trúng, mọi người đã xông vào trận địa, thế chỗ những pháo thủ đã hy sinh, chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Số chị em còn lại đã tham gia vác đạn, tải thương hoặc khâm liệm những chiến sỹ đã hy sinh. Những cô gái dũng cảm, đảm đang của Trạm 110 kV An Lạc đã để lại hình ảnh đẹp về sự anh dũng kiên cường trong chống Mỹ cứu nước. Ðó cũng là những ấn tượng không thể nào phai trong tâm trí bà Hồ Thị Bích Phượng.
Bà kể: “Những năm Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, lưới điện bị hư hại nặng, nhiều công nhân ngành Điện Hải Phòng đã hy sinh khi bảo vệ nguồn điện. Ngoài những công việc chuyên môn, hàng ngày lúc đi làm, cán bộ, công nhân Đội tự vệ Điện lực Hải Phòng cũng kè kè cây súng bên vai. Khi có báo động, bất cứ lúc nào, dù đêm khuya, họ cũng xách súng chạy lên ụ súng trên nóc nhà bắn máy bay Mỹ. Nhiệm vụ của những người tự vệ này là đánh chặn loại máy bay tầm thấp, khi chúng ném bom thành phố Cảng. “Nhóm tự vệ của chúng tôi cứ ngắm thân máy bay là bóp cò. Lúc đó không biết sợ là gì, chỉ biết làm sao bắn rơi được máy bay, đồng thời bảo vệ được Thành phố”. Bà Phượng bồi hồi nhớ lại.
Anh hùng giữa đời thường
Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), bà Phượng cùng gia đình trở về miền Nam và bà được đề bạt làm Phó giám đốc Sở Truyền tải điện - tiền thân của Cty Truyền tải điện 4 sau này. Một thời gian sau, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện rồi trở lại làm Giám đốc Sở Truyền tải điện.
Theo bà Phượng, nhu cầu về điện của miền Nam sau giải phóng là rất lớn, Công ty Điện lực 2 (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Nam sau này) đã chỉ đạo cho đơn vị Truyền tải phải bằng mọi cách khắc phục khó khăn, giữ vững lưới điện và cung cấp điện cho các tỉnh ở phía Nam, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Bà nhớ lại những chuyến đi xử lý sự cố trên đường dây tải điện cao áp hết sức vất vả, nhưng cũng không kém phần thi vị, cảm động. Vừa xử lý xong sự cố tại đường dây 66 kV từ Sài Gòn xuống Cà Mau, lại xảy ra sự cố đường dây Đa Nhim. Mọi người vội vã kéo nhau lên Bảo Lộc và Đơn Dương tiếp tục xử lý cho bằng được. Suốt một đêm, anh em phải băng rừng, lội suối, tiếp cận đoạn xảy ra sự cố và tiến hành xử lý. Từ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau, mọi người không được miếng gì vào bụng. Khi ra ngoài đường, gặp bà bán xôi, còn có 3 gói, mọi người dành cho bà Phượng một gói, nhưng bà Phượng bảo mọi người chia nhau cùng ăn tạm, cầm cự.
Đó là những năm tháng bà Phượng miệt mài cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân băng rừng lội suối kiểm tra từng trụ điện. Bà kể: “Có một đỉnh núi mà chúng tôi gọi là đỉnh núi tình yêu, ở Bảo Lộc, trèo từ dưới lên tới cột điện đó và quay lại là mất gần một ngày. Chính vì vậy, để đưa được điện về phía Nam có sự hy sinh rất lớn của CBCNV ngành Điện.
Dù lúc đó đang là lãnh đạo đơn vị, nhưng hiếm khi bà làm việc tại văn phòng mà liên tục đến với các địa điểm thi công, kiểm tra kỹ thuật, nhận bàn giao các trạm biến áp được xây dựng “ào ạt” khắp các tỉnh thành phía Nam, từ Lâm Đồng, Thuận Hải về đất mũi Cà Mau. Công việc không hề đơn giản, bởi nếu không có chuyên môn cao hay thiếu kinh nghiệm thực tế và cả bản lĩnh lãnh đạo thì sẽ nhận về những công trình điện kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi vận hành, gây hậu quả khôn lường cho Ngành, cho xã hội. Vai trò này càng khó khăn hơn với một phụ nữ, vì thế không ngạc nhiên khi bà luôn được Lãnh đạo Nhà nước, Lãnh đạo ngành Điện dành cho bà những tình cảm trân trọng, quý mến.
Từ sau năm 1995, khi đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần quan trọng cung cấp điện cho cả 3 miền Bắc – Trung - Nam, nhưng công việc người đứng đầu đơn vị truyền tải phía Nam của bà Hồ Thị Bích Phượng cũng không hề nhẹ nhàng. Đó là thời điểm mà Công ty Truyền tải điện 4 hối hả đi suốt cung đường từ Đắc Nông về tới Củ Chi, là những địa bàn có đường dây 500 kV đi qua. Việc mới, khó khăn mới, bà đã cùng các cộng sự của mình bươn chải, tìm địa điểm xây dựng các trạm, xây dựng các chốt bảo vệ từng vị trí trụ đường dây cao thế đầu tiên của ngành Điện. Để xây dựng được mạng lưới bảo vệ đường dây này, nhiều lần bà đã tổ chức những đêm lửa trại giữa rừng đại ngàn Krông Nô (Đắk Lắk), cùng uống rượu cần với các già làng, trưởng bản nơi có đường dây 500 kV đi qua để thuyết phục những người con của núi rừng cùng bảo vệ lưới truyền tải cao thế - tài sản của quốc gia.
Với những đóng góp lớn cho ngành Điện, bà Hồ Thị Bích Phượng được Đảng và nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Và như ông Phạm Lê Thanh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chia sẻ: “Ấn tượng nhất của tôi về Công ty Truyền tải điện 4 là nơi đó có một đội ngũ cán bộ rất trình độ, có năng lực, văn hóa của doanh nghiệp rất cao: Thầm lặng, cần cù, chịu khó, nhưng rất quyết liệt. Bà Hồ Thị Bích Phượng là một nữ tướng, một nữ anh hùng của ngành Điện Việt Nam”.
Ông Hoàng Trung Hải, UV Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội: Bà Hồ Thị Bích Phượng là một cán bộ rất năng động, sáng tạo, kiên quyết thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Ngành Điện miền Nam không thể quên được các công trình, những dự án mà bà Hồ Thị Bích Phượng ở Truyền tải điện 4 đã hết sức nỗ lực để thi công đưa vào vận hành và cấp điện cho miền Nam. Chúng ta phải biết rõ tình trạng thiếu điện trầm trọng ở miền Nam lúc đó, mới thấy hết giá trị khi đưa một trạm biến thế, một đường dây vào vận hành giá trị như thế nào.
Bà Hồ Thị Bích Phượng:
- Sinh năm: 1943
- Sinh viên xuất sắc Khoa Phát dẫn điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1961 - 1965.
- Làm việc trong ngành Điện từ năm 1965, là một trong những nữ kỹ sư đầu tiên của Điện lực Hải Phòng.
- Năm 1975: Được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Truyền tải điện (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 4).
- Năm 1991: Được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4.
- Năm 1999: Nghỉ hưu theo chế độ.
|