92 năm hình thành và phát triển
Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 về chế độ lao động trong cả nước đối với người làm công ăn lương. (Nguồn ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III
|
Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Năm 1921, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội bí mật ở Sài Gòn với mục đích đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản.
Công hội bí mật đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công vào tháng 8/1925 của hơn 1.000 công nhân Xưởng đóng tàu Ba Son ủng hộ giai cấp công nhân Trung Quốc, phản đối sự câu kết giữa thực dân Pháp với chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp công nhân ở thành phố Quảng Châu.
Thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” tại Moskva (Liên Xô) - Người là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21/7/1924. Người kêu gọi: “... tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế.
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Công hội: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, được sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các Công hội Đỏ địa phương đã liên kết thành một tổ chức công hội thống nhất là Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng và thông qua chương trình, điều lệ của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.
Hội nghị cũng quyết định xuất bản Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn) và báo Lao Động (ngày 14/8/1929) - đây là tờ báo tồn tại lâu nhất trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Việc thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương. Là cột mốc quan trọng đối với lực lượng công nhân lao động vì lần đầu tiên có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động, đồng thời góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào công nhân thế giới.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương VIII, Người đã lập ra Mặt trận Việt Minh và Hội Công nhân cứu quốc. Nhiệm vụ của Hội Công nhân cứu quốc là tham gia phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi để tiến tới giành chính quyền. Từ 6.000 đoàn viên năm 1930 đến năm 1945 số đoàn viên đã lên tới hơn 200.000 người, đóng vai trò to lớn trong việc giành chính quyền ở các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là thắng lợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, trong đó lực lượng đi đầu và nòng cốt là công nhân lao động; là biểu hiện sâu sắc tinh thần tự lực, tự cường của giai cấp công nhân lao động, đồng thời là ý thức phối hợp, đoàn kết của nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng thế giới.
Ngày 20/6/1946, Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn quốc đã quyết định đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Ngày 20/7/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức ra mắt, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
Thắng lợi chưa bao lâu, thực dân Pháp tiếp tục xâm lược nước ta, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 11/12/1947, Hội nghị Ban Thường vụ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định: “Nhanh chóng tập hợp, động viên công nhân, lao động cả nước dồn sức và xây dựng những cơ sở sản xuất mới ở các chiến khu để vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Các phong trào thi đua yêu nước, động viên công nhân lao động, khắc phục khó khăn, sản xuất nhiều vũ khí đạn dược và hàng hóa phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc được tổ chức khắp cả nước.
Đến giai đoạn 1951 - 1952, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở vùng địch tạm chiếm đã có bước phát triển mới. Lúc này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một. Thắng lợi ở chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, là cơ sở quan trọng cho việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng chung của dân tộc có những đóng góp của phong trào công nhân và tổ chức công đoàn.
Ngày 05/11/1957, Chủ tịch Nước ra Sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Bộ luật Công đoàn - đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam. Đến năm 1960, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức Công đoàn các nước trên thế giới, đặc biệt là tổ chức Công đoàn các nước Xã hội chủ nghĩa.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, khắp các thành phố, thị xã công nhân chủ động nổi dậy bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và phối hợp với lực lượng vũ trang giải phóng thành phố. Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại TPHCM, thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam - Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Tổng Công đoàn Việt Nam.
Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp trong đó khẳng định “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước”.
Năm 1984, nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam năm 1988 là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phù hợp với yêu cầu tập hợp người lao động thuộc các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu mở rộng đối tượng và phạm vi hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Đại hội cũng đã quyết định đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
"Tháng Công nhân” được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động.
|
Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Trải qua 12 lần Đại hội với những thăng trầm và khó khăn trong chiến tranh, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân và lãnh đạo tổ chức Công đoàn như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận…
Đặc biệt, Đại hội lần thứ VIII và IX Công đoàn Việt Nam đã bầu đồng chí Cù Thị Hậu làm Chủ tịch - đây là nữ Chủ tịch Công đoàn đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại, Công đoàn Việt Nam lớn mạnh lên từng ngày, là tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ lực lượng công nhân lao động hơn 220.000 người những ngày đầu thành lập, đến nay Công đoàn Việt Nam có gần 10 triệu người.
Vai trò của tổ chức Công đoàn cực kỳ quan trọng. Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và hội nhập quốc tế thì vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng trở nên quan trọng. Lực lượng lao động và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú, điều này đòi hỏi quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức Công đoàn luôn phải được coi trọng.
Công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân vững mạnh thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Đảng ta vững mạnh. Và dù chúng ta gia nhập hiệp định thương mại CPTPP thì cũng không thể có lực lượng nào tranh được vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đó là điều cần hiểu về mối quan hệ Đảng - giai cấp công nhân - tổ chức Công đoàn. Do đó, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động ngày càng nặng nề. Điều này được đặt trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, ngày càng có nhiều đơn vị kinh tế, đơn vị có sử dụng lao động ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI…
Ngày 24/02/2012, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ra Thông báo số 77-TB/TW về việc đồng ý chủ trương lấy Tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân” và cơ bản nhất trí nội dung đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hoạt động trong “Tháng Công nhân”. Tháng 5/2012 trở thành “Tháng Công nhân” đầu tiên được thực hiện với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát đó là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới" theo Nghị quyết số 02-NQ/TƯ ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị nhấn mạnh: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Link bài gốc.