“Phần lớn những người đến xin việc đều không dám tranh luận hoặc đàm phán thẳng thắn với “ông chủ” của mình vì không ai muốn tạo ra căng thẳng với cấp trên. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Họ rất muốn người đến xin việc thẳng thắn chia sẻ chính kiến của mình và đề đạt nguyện vọng chính đáng hơn là sự im lặng. Đó cũng là lý do tôi “dám” tranh luận với “ông chủ” tương lai của mình tổng cộng 30 giờ trong lần đầu tiên gặp mặt” - ông Thuận Phạm, một người Mỹ gốc Việt -Tổng giám đốc hãng Công nghệ Uber toàn cầu tâm sự về câu chuyện tuyển dụng “để đời” của mình.
CEO Thuận Phạm.
|
Ông Thuận kể, cuộc gặp đầu tiên với sếp tương lai Travis Kalanick diễn ra trong văn phòng. Chúng tôi nói về chủ đề kỹ thuật - điều mà cả hai đều có trình độ học vấn giống nhau. Chúng tôi viết các chủ đề muốn trao đổi lên một tấm bảng, khoảng 20-30 chủ đề gì đó, rồi bắt đầu đi sâu vào từng chủ đề. Nhưng trao đổi mới được 2 chủ đề thì hết thời gian. “Thực sự đó là một cuộc tranh luận thì đúng hơn, bởi chúng tôi đã lắng nghe ý kiến và cách tiếp cận của nhau rất chăm chú”, ông Thuận cho biết.
Và cứ thế, liên tục hai tuần sau đó, hàng ngày, ông Thuận vào phòng làm việc, trước mặt có hai màn hình. Một màn hình có danh sách các chủ đề đang thảo luận, màn hình thứ hai sử dụng để trao đổi với nhau. Cả hai tiếp tục trao đổi mỗi ngày hai giờ, ngay cả thời điểm Travis đi làm việc khắp nơi trên thế giới. Giữa 2 người nẩy sinh rất nhiều bất đồng, nhưng điều thú vị nhất chính là, Travis không đi tìm kiếm những người đồng tình với các quan điểm của mình, mà tìm người có quan điểm riêng, cách tiếp cận mới mẻ. Ông Thuận kể, ông và CEO Uber đã có rất nhiều bất đồng, đặc biệt ở những vấn đề mang tính chiến lược sâu sắc. Ở những bất đồng đó, ông Travis Kalanick và ông Thuận đã cùng nhau nhìn nhận lại, tại sao đối phương e ngại, vấn đề chính nằm ở đâu? Tuy còn có những bất đồng, nhưng cả hai đều có chung một nguyên tắc, hiểu được đối phương ở mức độ nào thì có thể chấp nhận được và từ đó tìm ra giải pháp hợp lý. “Doanh nghiệp là phải như vậy, trong kinh doanh, nếu cái gì cũng gật đầu tán thành thì không có công ty”, Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu nhấn mạnh.
“Đây chính là nguyên tắc cho doanh nghiệp hoạt động. Chúng tôi không tạo ra một môi trường thoải mái mà tất cả đều đồng lòng với nhau, vì nếu như thế thì sẽ có một công ty tồi. Là một lãnh đạo, bạn sẽ cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, từ đó, phân tích, tìm ra được ý tưởng và giải pháp tốt nhất, vượt lên dẫn đầu. Đó đúng là môi trường kích thích và thử thách, sẽ giúp công ty có thể tồn tại trong nhiều năm”. Ông cũng quan niệm trong công ty cần có sự đa dạng tư duy để “Có cái tốt nhất, giữ vị trí cao nhất”, từ đó đề xuất được nhiều tình huống khác nhau.
Nói về cảm nhận của mình lúc đó, ông Thuận cho biết, hai tuần đó, ông đã “quên” mình là người đang bị phỏng vấn và đã đưa ra những nhận xét, ý kiến mạnh mẽ khi làm việc với đồng nghiệp. “Đó là cuộc trao đổi mang tính trí tuệ, hiểu được tư duy của nhau. Cuối cùng, sau 30 giờ, tuy chưa thảo luận xong các vấn đề đưa ra, nhưng ông Travis Kalanick lại bất ngờ kết thúc câu chuyện. Sếp bảo: “Tôi mệt! Bây giờ tôi mời ông về làm việc cho Uber”. Và lúc đó, tôi nghĩ cuộc trao đổi của chúng tôi cũng cần chấm dứt”, ông Thuận Phạm hài hước nói. Cũng từ đó, trong vai trò Tổng giám đốc Hãng Công nghệ Uber toàn cầu, ông Thuận Phạm đã phát triển đội ngũ kỹ sư từ 40 người lên hơn 2.000 người hiện nay.
Rất nhiều nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới cũng từng nhận xét, người có can đảm và tự tin nói lên chính kiến của mình với lãnh đạo là rất đáng trân trọng. Đó không phải là cuộc tranh cãi gay gắt mà nêu ý kiến, chia sẻ quan điểm một cách thông minh thông qua dẫn chứng thực tế thuyết phục. Tranh luận một cách thẳng thắn, nhưng vẫn lịch sự mới thể hiện sự chuyên nghiệp cao trong công việc. Nhà tâm lý học Amy Cooper Hakim cũng nhận định, cách tốt nhất để có một cuộc tranh luận tốt với sếp chính là loại bỏ mọi cảm xúc e ngại trong khi thảo luận. Thay vì e sợ, hãy lên tiếng vì sự phát triển cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.
Quan điểm về “tranh luận với sếp” của một số doanh nhân nổi tiếng:
- Triệu phú Marcus Lemonis, chủ sở hữu Tập đoàn Camping World & Good Sam Enterprises - chuyên cung cấp các dịch vụ, mua bán xe dã ngoại: “Tôi luôn bị cuốn hút bởi những người có can đảm nói ra ý kiến của mình. Tôi cho rằng, đó là một tính cách tốt, giúp họ trở nên nổi bật, khác biệt với những người khác và cũng có lợi cho sự nghiệp của họ”.
- Ursula Burns - Chủ tịch Tập đoàn In Xerox (Mỹ): “Tôi luôn tìm kiếm và mong muốn có những nhân viên đủ can đảm đứng lên nói với tôi rằng, đó là ý tưởng tồi tệ và họ có thể đưa ra dẫn chứng thuyết phục tôi”.
- Tom Gentile, Tổng giám đốc Điều hành Công ty Spirit AeroSystem – một công ty sản xuất máy bay của Mỹ: “Đôi khi, chính lãnh đạo cũng học được nhiều điều từ những suy nghĩ, giải pháp nhân viên đưa ra từ các buổi tranh luận. Cách tranh luận sẽ tiết lộ bạn suy nghĩ, nhận thức và giải quyết như thế nào một vấn đề cụ thể. Bằng cách này, lãnh đạo cũng sẽ nhận ra khả năng, tố chất của nhân viên trong quá trình tranh luận”.
|