Quyết định trên được công bố trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức.
Thay mặt Hội đồng thẩm định thuộc Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO, Phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ đọc báo cáo thẩm định cho biết, hồ sơ trình UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được trình bày rõ ràng và thuyết phục. Hồ sơ cho thấy loại hình dân ca này được phổ biến và thực hành trong một cộng đồng dân cư rộng lớn, phân bố tại nhiều vùng miền của Bắc Trung Bộ.
Đoàn Việt Nam vỗ tay chào mừng chiến thắng sau tiếng gõ búa của Chủ tịch hội nghị chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
|
Trong hồ sơ đề nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cung cấp cho Hội đồng thẩm định thông tin đầy đủ và thống nhất về một loại hình dân ca đề cao và tôn vinh các giá trị đạo đức, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Các thành viên của Hội đồng nhất trí đánh giá cao nội dung và giá trị tinh thần của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và đề nghị ghi danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau tiếng gõ búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ, ông José Manuel Rodriguez Cuadros chính thức thông qua nghị quyết, toàn thể hội trường UNESCO đã đứng lên chúc mừng đoàn Việt Nam.
Phát biểu nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng đây là một quyết định có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam khi một loại hình dân ca ở các làng quê hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, làm nón, chèo thuyền, kéo lưới, ru con… được UNESCO vinh danh.
Thứ trưởng cũng cho biết dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh, thể hiện bản sắc văn hóa của người dân địa phương, được các thế hệ kế thừa và phát huy trong cuộc sống. Hát Ví, Giặm là để chia sẻ, đối thoại, giao lưu, mối quan tâm chung của cộng đồng, thông qua đó, cộng đồng gắn kết bền chặt.
Thứ trưởng cũng khẳng định Việt Nam nhận thức rõ rằng từ nay dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của loại hình dân ca này và triển khai những chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân để thực hành, trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ, sao cho di sản mãi trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quan điểm trên cũng được đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chia sẻ vào thời khắc lịch sử. Ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh và bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đều bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào vì dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã góp phần làm phong phú và đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đại diện lãnh đạo hai tỉnh cũng nhận thức được trách nhiệm nặng nề cũng như sự cần thiết xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá để người dân cũng như chính quyền các cấp nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị của di sản nhằm phát huy các giá trị đó, để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mãi mãi trường tồn và góp phần tích cực vào việc phát triển bản sắc văn hóa cũng như sự phát triển bền vững của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải cho biết ông rất tự hào vì sau quan họ, hát xoan và đờn ca tài tử, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. Theo ông, dân ca Ví, Giặm có ca từ bằng thơ dân gian, là hình thức hát đối đáp đi liền với sinh hoạt hàng ngày như hát trên sông La, hát chèo thuyền… Lời hát bộc lộ được thể chất thi phú của Việt Nam, tức là thơ lục bát hoặc song thất lục bát. Nhiều tiết tấu của dân ca Ví, Giặm toát lên nhạc ngữ, có thể điệu phong phú dựa trên các thang âm ngũ cung, tứ cung đã cho thấy sự phong phú của các thể loại dân ca Việt Nam.
Cũng tại kỳ họp thứ chín, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO đã công nhận 34 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên tổng số 46 hồ sơ đề cử.
Bên cạnh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, UNESCO cũng đã công nhận nghệ thuật biểu diễn trống và múa nhào lộn Nongak (Hàn Quốc), nghệ thuật làm giấy có vân đá Ebrui (Thổ Nhĩ Kỳ), nghệ thuật pha trò Askiya (Uzbekistan), truyền thống tắm xông hơi Voru (Estonia), nghệ thuật ngâm thơ Al-Zajal (Liban)… Như vậy, cho đến nay, 314 loại hình nghệ thuật đã được vinh danh trên toàn thế giới cho hạng mục này.