Danh sách 16 di sản mới của thế giới năm 2012

Ngày 6/12 vừa qua, cùng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của Việt Nam, Tổ chức Khoa học giáo dục và văn hóa của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận 16 di sản văn hóa khác của thế giới.

1. Nghệ thuật ngâm thơ Oman

Al‘azi là một dạng nghệ thuật ngâm thơ được biểu diễn ở Oman. Hoạt động biểu diễn gồm việc ngâm thơ và biểu diễn cùng kiếm. Nghệ sĩ chính trong cuộc biểu diễn sẽ ngâm các bài thơ trong tiếng Arab và hướng dẫn những người khác tham gia cùng mình.

2. Ca khúc dân gian Arirang

Arirang là ca khúc dân gian rất được ưa thích ở Hàn Quốc. Về cơ bản, Arirang là một ca khúc khá đơn giản, gồm điệp khúc "Arirang, arirang, arariyo" và hai dòng lời cũng đơn giản không kém. Hai dòng nội dung này có thể được thay đổi khác nhau tùy theo từng vùng ở Hàn Quốc.

3. Hoạt động diễu hành ở Entre-Sambre-et-Meuse

Các cuộc diễu hành Entre-Sambre-et-Meuse là một yếu tố chính trong bản sắc văn hóa Entre-Sambre-et-Meuse ở vùng Wallonia, Bỉ. Những người tham gia sẽ mặc quân phục và tập hợp vào từng đại đội khác nhau. Đoàn diễu hành thường có sự tham gia của vài đại đội với số lượng mỗi đại đội giao động từ vài chục tới vài trăm người diễu hành. Các đoàn diễu hành này mang theo trống, sáo và vừa hát vừa hộ tống một đám rước tôn giáo trong một nghi lễ hết sức đặc sắc.

4. Lễ hội Ichapekene Piesta ở Bolivia

Lễ hội Ichapekene Piesta kết hợp các câu chuyện thần thoại liên quan tới chiến thắng của Thánh Ignatius vùng Loyola với các niềm tin của thổ dân Moxeno. Hoạt động lễ hội bao gồm các màn bắn pháo hoa, hát hò, ăn mừng tập thể, trợ giúp cho người nghèo và tiệc tùng.

Lễ hội Ichapekene Piesta ở Bolivia

5. Nghệ thuật trình diễn Frevo

Frevo là một dạng nghệ thuật biểu diễn ở Brazil kết hợp âm nhạc và các điệu nhảy. Frevo thường được trình diễn trong khuôn khổ lễ hội Carnival vùng Recife. Nhịp điệu nhanh và mạnh mẽ của nó được tạo thành dựa trên sự pha trộn của nhiều thể loại nhạc khác nhau như hành khúc, tango Brazil, polka...

6. Lễ hội Thánh Francis ở Assisi

Lễ hội diễn ra tại Colombia bắt đầu bằng một bài thuyết giảng Thiên Chúa giáo, pha lẫn với các điệu nhảy truyền thống và âm nhạc Chirimía. Tiếp đó, một cuộc diễu hành hóa trang sẽ được tổ chức, với các xe diễu hành, các vũ công, những bộ trang phục sặc sỡ, các điệu nhảy và âm nhạc Chirimía.

7. Hát Klapa ở Dalmatia

Hát Klapa là một truyền thống hát nhiều phần ở Dalmatia, Croatia. Các nghệ sĩ hát theo nhiều phần, theo kiểu hòa âm phối khí và chỉ sử dụng nhạc cụ đơn giản để hỗ trợ. Thủ lĩnh của các nhóm trình diễn Klapa thường là người có giọng nam cao. Các thành viên khác trong nhóm sẽ có giọng nam trung, giọng trầm... Trong quá trình biểu diễn, các ca sĩ đứng thành một vòng bán nguyệt, ở gần nhau và trưởng nhóm sẽ hát đầu tiên, theo sau là các ca sĩ khác. Mục tiêu của họ là hòa âm tới mức tốt nhất.

8.Truyền thống đan mũ sợi toquilla

Người ta sử dụng sợi để tết hoa văn, chóp và vành mũ. Họ hoàn tất quy trình bằng cách rửa, phơi khô, xử lý qua nhiệt, là phẳng và ép các phần mũ đã tạo ra. Việc khâu những phần này thành một chiếc mũ hoàn chỉnh có thể kéo dài từ 1 ngày tới 8 tháng, tùy thuộc vào chất lượng và độ cầu kỳ của chiếc mũ.

9. Lễ hội Fest-Noz ở vùng Brittany, Pháp

Fest-Noz là một cuộc hội họp mang màu sắc lễ hội dựa trên truyền thống nhảy tập thể Breton, kết hợp với âm nhạc và lời ca tiếng hát. Phong trào văn hóa Breton đã bảo tồn được hình thức biểu hiện độc đáo này và còn liên tục được làm mới bằng hàng trăm điệu nhảy và hàng ngàn giai điệu nhạc khác nhau.

10. Nghệ thuật dân gian và nghề thêu ở Matyo (Hunggary)

Dấu ấn sâu sắc của nghệ thuật dân gian này thể hiện rõ qua các mô típ hoa được tìm thấy tại các sản phẩm thêu thùa, trang trí nội thất và kiến trúc ở đây. Đồ thêu ở Matyo rất được ưa chuộng đã biến nó trở thành một dạng thu nhập phụ, giúp phụ nữ có thể mua vải tốt và các vật liệu giúp họ thêu dệt nên các bộ trang phục chi tiết, đẹp đẽ.

11. Các bài cầu kinh Phật giáo ở Ladakh

Trong các tu viện và tại những ngôi làng ở vùng Ladakh của Ấn Độ, các thầy tu Phật giáo thường ngân nga tụng kinh với nội dung chứa đựng tinh thần, triết lý và các bài học về Đức Phật.

12. Nghi lễ Qalisuyan ở Kasan, Iran

Nghi lễ Qalisuyan tưởng nhớ tới Sultan Ali, nhân vật được người Kasan và Fin ở Iran xem là chiến binh tử vì đạo. Nghi lễ Qalisuyan diễn ra tại lăng mộ Sultan Ali, nằm gần một con suối thiêng nơi người ta đã đặt xác ông vào một tấm thảm và đưa tới đây.

13. Nghệ thuật chế tác đàn violin ở Cremona

Các thợ thủ công ở Cremona, Italia, lâu nay đã nổi tiếng vì hoạt động chế tác đàn violin, viola, cello và contrabass theo các quy trình truyền thống. Mỗi thợ sản xuất violin nơi đây thường chỉ làm từ 3-6 nhạc cụ mỗi năm, từ vật liệu ban đầu là hơn 70 miếng gỗ và trong quá trình chế tác sẽ cân nhắc kỹ đặc tính âm thanh của từng miếng gỗ.

14. Nghệ thuật trình diễn tôn giáo Nachi no Dengaku

Nachi no Dengaku là hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian ở Nhật Bản, được tổ chức ở thánh đường Kumano Nachi trong khuôn khổ Lễ hội lửa Nachi. Nghệ thuật này được biểu diễn bởi 8 -10 vũ công, 1 người thổi sáo, 4 người chơi trống, 4 người chơi nhạc cụ binzasara và hai người hỗ trợ.

15. Lễ hội anh đào ở Sefrou, Morocco

Trong 3 ngày của tháng 6 mỗi năm, cộng đồng dân cư Sefrou, Morocco lại tổ chức Lễ hội anh đào và việc chọn ra Nữ hoàng anh đào. Tiêu điểm của lễ hội là một cuộc diễu hành với sự tham gia của các nhóm nghệ sĩ trình diễn, âm nhạc nông thôn và đô thị, các xe diễu hành đại diện cho những nhà sản xuất ở địa phương.

16. Đàn phiến gỗ balafon

Đàn phiến gỗ balafon của các cộng đồng dân cư Senufo sống rải rác ở Mali, Burkina Faso và Bờ biển Ngà là một nhạc cụ được tạo thành từ 11 - 21 phiến đá, những nốt nhạc với các cung bậc khác nhau. Người chơi đàn balafon phải học điều khiển nó từ khi còn nhỏ cho tới khi lớn, dưới sự hướng dẫn của một người thầy.


  • 10/12/2012 03:00
  • Theo Unesco
  • 1612


Gửi nhận xét