Gọi tên cảm xúc
Theo Ts. Hazel Harrison, việc giúp trẻ tự hiểu cảm giác và suy nghĩ của bản thân chúng là rất quan trọng để chúng tự xử lý vấn đề của mình. Qua đó, trẻ cũng có vốn từ nhất định để diễn đạt cảm xúc của mình với người khác.
Ts.Hazel Harrison thường ví “não người giống một ngôi nhà hai tầng” để giải thích với các con. Ý tưởng này xuất phát từ cuốn sách “Não trẻ em” của Ts. Dan Siegel và Tina Payne Bryson.
Bà giải thích với trẻ rằng trong “ngôi nhà này” có hai nhóm người sống. Nhóm ở tầng trên gồm: Bác Bình tĩnh, cô Suy nghĩ, chú Sáng tạo, ông Linh hoạt. Nhóm ở tầng dưới là: Bé Rung chuông, cô Sợ hãi và ông Chủ lớn.
Thực tế, đó là cách giải thích với trẻ về chức năng của các phần vỏ não: Lý trí (tầng trên) và cảm xúc (tầng dưới). Những nhân vật sống ở tầng trên có vai trò tư duy, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, kiểm soát cảm xúc, sự linh hoạt, sự đồng cảm. Những nhân vật ở tầng dưới thực hiện chức năng cảm giác để giữ an toàn và đảm bảo các nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng.
Bản năng sinh tồn của con người cũng khởi nguồn từ đây. Những nhân vật ở tầng dưới sẽ canh chừng nguy hiểm, báo động và giúp chúng ta sẵn sàng chiến đấu, chạy hoặc trốn khi chúng ta gặp nguy hiểm.
Thông thường, các nhân vật trong ngôi nhà cùng nhau làm việc và hỗ trợ lẫn nhau để giúp con người sinh hoạt một cách bình thường. Ví dụ, khi cơ thể của bạn Cún đói, bé Rung chuông sẽ rung lên và ông Chủ lớn sẽ ra lệnh cho cô Suy nghĩ tìm thức ăn để bạn Cún ăn.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm, 2 nhóm người không làm việc cùng nhau. Hoặc các nhân vật ở tầng dưới mắc sai lầm và cần sự hỗ trợ của tầng trên.
Đây là câu chuyện mà Ts. Hazel Harrison thường sử dụng để giải thích cho các con:
"Con có nhớ, thỉnh thoảng vào buổi sáng, mẹ thường không nhớ để chìa khóa ở đâu. Trong lúc mẹ rất vội đưa các con đến trường, sợ con muộn học, lo mẹ muộn làm. Lúc đó, cô Sợ hãi và bé Rung chuông cứ kêu lên và rung chuông vội vã, còn cô Suy nghĩ và bác Bình tĩnh thì chẳng chịu làm gì cả. Vì thế, mẹ cứ bới tung ngăn kéo bàn để tìm chìa khóa mà không chịu tìm ở chỗ khác nữa.
Nếu lúc đó, mẹ để cho bác Bình tĩnh nhắc nhở: “Hãy bình tĩnh nào” và cô Suy nghĩ chỉ cho mẹ cách tìm ra chìa khóa thì mẹ đã biết là nên tìm kiếm ở những chỗ khác, ngoài ngăn kéo. Vậy nên các con cũng cần cố gắng không để cho cô Sợ hãi điều khiển hành động của mình mọi lúc."
Hiểu về não sẽ giúp bé biết cách kiểm soát cảm xúc
Khi trẻ đã hiểu về cơ chế hoạt động của não bộ, bạn có thể giải thích cho các bé hiểu cách kiểm soát cảm xúc của mình.
Ví dụ, người lớn có thể nói với trẻ khi bé đang tức giận: “Hình như bạn Tức giận ở tầng dưới đang nổi xung và xui con gào thét lên. Bác Bình tĩnh của con đang làm gì? Bác ấy có ở nhà không? Bác ấy có đang làm việc không?”
Với những nhân vật này, trẻ cũng dễ nhận lỗi của mình hơn, giống như trẻ đang nói về lỗi lầm của một người nào đó khác chứ không phải lỗi của chính mình.
Ví dụ, khi trẻ đánh bạn, trẻ có thể nói, “ông Chủ lớn đã chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn và ra lệnh cho cánh tay đánh Jenny, mẹ ạ.”
Tất nhiên, điều này có thể dẫn đến trường hợp trẻ phạm lỗi mà không cảm thấy tội lỗi. Vấn đề ở đây là chúng ta đang bàn đến cách hướng dẫn trẻ kiểm soát cảm xúc để không mắc lỗi.
Trong tình huống trên, người lớn có thể hỏi trẻ: “Theo con, cô Suy nghĩ, bác Bình tĩnh ở tầng trên nên làm gì để ông Chủ lớn không ra lệnh cho cánh tay đánh Jenny?”.
Ngoài ra, lỗi lầm đã mắc phải vẫn có hậu quả và trẻ phải chịu trách nhiệm với điều đó, nên bé sẽ luôn ý thức về việc tránh phạm lỗi.
Hiểu về “ngôi nhà não bộ”, trẻ có thể tự mình kiểm soát cơn giận dữ của mình. Người lớn cần kiên nhẫn, thấu hiểu và từng bước nhắc nhở trẻ về việc giữ mối liên hệ giữa những nhân vật ở tầng trên và nhân vật tầng dưới của “ngôi nhà não bộ”, không để cho tầng dưới chiếm quyền kiểm soát trong mọi tình huống.
Tiến sĩ Hazel Harrison khuyên bạn, đừng kỳ vọng trẻ sẽ hiểu về tất cả các nhân vật trong ngôi nhà ngay lập tức. Xây nhà mất thời gian và việc tìm hiểu về não bộ cũng vậy. Hãy bắt đầu câu chuyện và thường xuyên nhắc đến nó khi có cơ hội. Cảm xúc là việc khó kiểm soát, nhưng giá trị của nó đáng để bạn cố gắng.