Để tránh trở thành "kẻ buôn chuyện" đáng ghét

“Buôn chuyện” là việc thường không được khuyến khích trong cuộc sống công sở bởi nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, những cuộc nói chuyện với "liều lượng" phù hợp giữa đồng nghiệp với nhau lại là điều cần thiết và có thể chấp nhận.

"Buôn chuyện" một cách thích hợp có thể được coi là liều thuốc trị stress, đồng thời gia tăng tình cảm giữa mọi người trong công ty với nhau. Nhưng "buôn chuyện" cần có giới hạn về chủ đề, mức độ nhất định, nếu không sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

(Ảnh minh họa)

Để giúp bạn tránh trở thành "kẻ buôn chuyện" đáng ghét, hoặc "gây hậu quả nghiêm trọng" cho bản thân và đồng nghiệp, các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Duy trì tính bảo mật

Theo Cynthia Kazalia, chuyên gia tuyển dụng Trung tâm việc làm New Directions ở Ohio, Mỹ: "Công việc của bạn có thể liên quan tới những thông tin mật của công ty, phòng ban, chính sách, quyết định quan trọng. Khi nói chuyện với đồng nghiệp hay bất cứ người nào không liên quan, dù thân thiết đến đâu, bạn cũng không nên chia sẻ. Nếu vi phạm, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn. Hãy luôn ghi nhớ điều này trong đầu khi trò chuyện với mọi người".

Nguyên tắc 2: Không bàn luận về cấp trên

Không được "buôn chuyện" về sếp, người lãnh đạo công ty. Susan Fletcher, một chuyên gia tâm lý và tác giả cuốn sách Làm việc trong môi trường xuất sắc, đưa ra lời khuyên: "Bạn có thể không thích quyết định của sếp hay công ty, nhưng 'buôn chuyên' về việc đó sẽ không giúp bạn đạt được mong muốn của mình".

Nguyên tắc 3: Thể hiện sự tích cực

Khi nói chuyện với đồng nghiệp, hãy duy trì sự tích cực và thận trọng, chỉ thể hiện thái độ tiêu cực khi thực sự cần thiết. Jules Zunich, giám đốc công ty quan hệ truyền thông Z ở Idaho, Mỹ nói thêm: " Nếu bạn phải bàn bạc, thảo luận về tình huống tiêu cực, hãy cố gắng xem xét một cách khách quan". Ngược lại, chỉ chăm chăm nói những điều không hay về người khác, bạn sẽ mang đến không khí tiêu cực cho cuộc nói chuyện và mọi người.

Nguyên tắc 4: Đánh giá mức độ rủi ro

Nếu bạn chia sẻ một câu chuyện vui về những gì đã xảy ra với hàng xóm của mình vào cuối tuần qua hay bàn luận về những món ăn đơn điệu trong bữa ăn trưa ở căng tin, đó là điều bình thường, không có rủi ro hay phiền toái. Nhưng nếu thảo luận với nhân viên ở phòng khác về đồng nghiệp "kì dị" của bạn hay tự đặt ra những lý do vô căn cứ cho tình hình tài chính đi xuống của công ty thời gian qua, đây lại là chuyện khác.

Hãy nghĩ xem người đồng nghiệp và sếp sẽ nghĩ gì nếu đi ngang qua và nghe được cuộc nói chuyện của bạn. Tình cảm của đồng nghiệp với bạn có thể bị "sứt mẻ", sếp có thể mất niềm tin ở bạn và có thể là những tình huống nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên cân nhắc thật kỹ mức độ rủi ro trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì với người khác.

Nguyên tắc 5: Thiết lập ranh giới cho bản thân và tôn trọng ranh giới của những người khác

Những cuộc nói chuyện dù thân mật đến đâu cũng phải có giới hạn nhất định. Điều này phụ thuộc vào ranh giới bạn đặt ra cho bản thân. Bạn cũng không nên cố gắng đào sâu vào những vấn đề riêng tư của người khác. Đối phương cũng có những ranh giới nhất định và bạn hãy tôn trọng họ.


  • 02/11/2011 11:00
  • Theo dantri.com.vn
  • 2007


Gửi nhận xét