Đối mặt với stress trong công việc

Đối mặt với áp lực công việc, những deadline sát nút, nếu bạn đủ can đảm “chiến đấu” và vượt qua, áp lực này sẽ trở thành sức mạnh thúc đẩy bạn vượt qua chính mình. Để tránh thất bại khi phải đối mặt với áp lực công việc, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của một số CBCNV EVN.

Anh Nguyễn Duy Minh Khang, trực chính Trạm 220kV Tuy Hòa, Truyền tải điện Phú Yên, Công ty Truyền tải điện 3: Hãy coi stress là động lực 

Có nhiều khi tôi gặp phải áp lực vì chưa đủ kỹ năng giải quyết công việc vượt quá khả năng của mình. Vì vậy, tôi lo lắng, suy nghĩ và loay hoay tìm cách làm thế nào để thực hiện được. Nếu không hoàn thành, tôi cảm thấy bị áp lực và căng thẳng, mất tự tin khi đối diện với sếp và đồng nghiệp. Vì vậy, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc cũng là một cách giúp tôi vượt qua áp lực, mang lại tinh thần lạc quan, tự tin vào khả năng của chính mình.

Áp lực công việc đối với tôi đôi khi cũng có ý nghĩa rất tích cực. Ví dụ như có nhiều công việc mà mình có thể đảm nhận, hay một deadline sắp tới sẽ giúp tôi có động lực làm việc năng suất hơn. Tất nhiên, đôi khi áp lực quá lớn sẽ dẫn tới stress. Nhưng tôi luôn tin rằng, mình có thể cân bằng trách nhiệm giữa công việc được giao và thời gian hoàn thành công việc đúng thời hạn nên tôi ít bị stress.

Tôi nghĩ, chúng ta không nên phản ứng với áp lực, tuyệt đối không coi stress như một nỗi ám ảnh, sợ hãi mà luôn luôn chuẩn bị cho mình tâm lý, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ. Hãy coi công việc căng thẳng như một bước đệm rèn luyện mình và tiến tới thành công bằng trải nghiệm, rèn luyện và học tập. 

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Sang, Giao dịch viên Điện lực Biên Hòa 2, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai: Hãy chia sẻ với người thân, đồng nghiệp 

Áp lực công việc đè nặng đôi khi khiến tôi có ý nghĩ chán nản và muốn buông xuôi. Lúc này, cách giảm áp lực hiệu quả nhất theo tôi là hãy dựa vào đồng nghiệp, gia đình và bạn bè. Khi áp lực quá lớn, tôi sẽ tìm tới người thân, đồng nghiệp hoặc một ai đó mà tôi tin tưởng để chia sẻ và nhận sự quan tâm, nhận những lời khuyên chân thành, sự giúp đỡ từ họ. Cho dù chỉ là những lời động viên, khuyến khích cũng giúp tôi giảm bớt căng thẳng. Và cũng đừng ngại chia sẻ những cảm xúc, khó khăn của mình trong công việc với một người bạn thân hay với người đồng nghiệp am hiểu công việc mà bạn đang làm.

Đôi khi, chỉ một gợi ý nhỏ của đồng nghiệp cũng giúp bạn giải quyết triệt để vấn đề mà mình đang gặp phải. Đừng bao giờ xem thường tình cảm, mối quan hệ của mọi người đối với mình, bởi không ai có thể sống và làm việc đơn độc cả. 

Bên cạnh đó, để giảm áp lực công việc, chúng ta nên học cách từ chối thẳng thắn khi sếp giao thêm việc. Nếu bạn đang còn quá nhiều việc chưa hoàn thành, bạn nên từ chối thẳng thắn với sếp bằng cách nói thẳng với sếp, bạn không phải là người duy nhất có thể đảm nhiệm việc này. Nếu bạn không từ chối, sếp sẽ nghĩ bạn có thể làm tốt được nhiều việc cùng một lúc. Vì thế, hãy học cách từ chối để giảm áp lực công việc cho chính mình cũng như không làm mất điểm của bạn trong mắt sếp.

Anh Thái Đức Sang, Chuyên viên phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Đắk Lắk: Tự yêu thương mình và luôn giữ tinh thần lạc quan 

Tinh thần lạc quan là "khắc tinh" của áp lực công việc. Đúng như ý nghĩa câu nói "Những gì xảy đến với bạn không quan trọng bằng thái độ bạn chọn để đối mặt với chúng." Áp lực công việc có thể làm bạn bối rối trong một khoảnh khắc, nhưng với một tinh thần lạc quan và phấn chấn, bạn sẽ nhanh chóng có thể lấy lại cân bằng cảm xúc và minh mẫn hơn, tìm ra được giải pháp thỏa mãn cho tất cả. Ngược lại, một người luôn giữ trong mình tinh thần ủ rũ, sầu não, dù mọi việc có nhẹ nhàng tới đâu, áp lực công việc vô hình cũng đè nặng lên họ đến nghẹt thở. 

Hiểu được sự tương phản giữa hai trạng thái cảm xúc này, trong giai đoạn gặp stress, điều tôi làm đầu tiên là “tạm” tránh xa những áp lực do công việc gây ra. Lúc đó, tôi sẽ dành thời gian ra khỏi phòng làm việc chừng 15 đến 30 phút. Việc này giúp tôi có thể tạm quên đi những suy nghĩ, những áp lực tức thời, từ đó có thể thư giãn. Đôi khi, khoảng thời gian này có thể cùng đồng nghiệp uống trà và nói chuyện về cuộc sống theo cách tích cực nhất.

Tập trung cho công việc là tốt, nhưng cũng cần có những khoảnh khắc quan tâm đến cảm xúc của bản thân. Nếu cảm thấy bản thân mình không đủ hứng thú và không thể làm tốt công việc lúc đó, có dừng lại chốc lát để nghỉ ngơi và thư giãn. Cân bằng được điều này sẽ giảm được những stress căng thẳng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Áp dụng cách này, bạn sẽ trải qua "cơn khủng hoảng" tiếp theo một cách dễ dàng và sống "hòa bình" hơn với cái gọi là áp lực. 


  • 20/10/2020 03:49
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1080