Đổi mới công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Những ý tưởng nổi bật

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khi công nghệ số đang bùng nổ là một trong những vấn đề được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đặc biệt chú trọng. Tạp chí Điện lực giới thiệu một số ý tưởng tiêu biểu trong cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo nguồn nhân lực” do Tập đoàn tổ chức trên Group Đồng nghiệp EVN.

Công ty Thủy điện Sơn La: Chuyển đổi số toàn diện phương thức đào tạo 

Thời gian qua, EVN và các đơn vị đã ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo và mang lại hiệu quả, điển hình như E-Learning. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nhiều bài giảng E-Learning vẫn là các video quay giảng viên đứng lớp, học viên xem video một chiều, dễ gây nhàm chán. Chính vì vậy, Công ty Thủy điện Sơn La xây dựng Ý tưởng chuyển đổi số toàn diện trong phương thức đào tạo trong EVN với 5 giải pháp chủ yếu: 

Thứ nhất, sử dụng E-Learning tương tác cao. Việc trực quan hóa từng nội dung bài giảng và cho phép học viên tương tác, phản hồi sẽ giúp học viên làm rõ vấn đề và tạo hứng thú học tập.

Thứ hai, ứng dụng sơ đồ tư duy trong đào tạo. Đây là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, được mệnh danh "công cụ vạn năng cho bộ não"- một phương pháp hình hóa các thông tin dưới dạng văn bản thành một sơ đồ trực quan, logic, dễ hiểu và sinh động. Ngoài ra, với sơ đồ tư duy, người dùng không chỉ ghi nhớ thông tin cụ thể, mà còn có thể phân tích, tổng hợp các vấn đề, liên hệ các dữ kiện. Khi nêu một vấn đề theo phương pháp truyền thống, người học thường mất thời gian để đọc nội dung gốc, các hạng mục triển khai, trong khi sơ đồ tư duy giúp ta nhìn ra ngay trọng tâm chủ đề và mức độ quan trọng của những phần riêng lẻ. 

Thứ 3, xây dựng phần mềm mô phỏng quá trình thiết bị. Từ hạn chế lớn trong đào tạo là không cho phép tháo (mở) thiết bị khi đang vận hành mang điện, Công ty Thủy điện Sơn La xây dựng giải pháp mô phỏng, giúp học viên dễ dàng hình dung được các thiết bị.

Thứ 4, sử dụng 3D trong đào tạo trực quan, giúp học viên hiểu rõ hơn về cấu tạo và mức độ chi tiết của thiết bị, công trình. Tương tác 3D chính là tương tác trong thế giới thực (so với 2D trên mặt phẳng giấy). Sau khi xây dựng bộ thư viện các thiết bị 3D, công nghệ hiện đại cho phép sử dụng các máy in 3D để tạo ra các mô hình này ngoài đời thực. Công ty Thủy điện Sơn La đã sử dụng cách thức này để tạo ra mô hình khối tổ máy Nhà máy Thủy điện Sơn La. 

Thứ 5, đồ họa hình ảnh trực quan infographic. Đồ họa trực quan sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin một cách khoa học, đẹp mắt, giúp người đọc dễ hiểu… Người học chỉ cần xem một hình ảnh là có khả năng nắm đủ thông tin chính yếu.

Ý tưởng Chuyển đổi số toàn diện phương thức đào tạo của Công ty Thủy điện Sơn La giành giải Nhất trong Cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, do EVN tổ chức

Tổng công ty Điện lực miền Trung: Giải pháp quản trị tri thức 

Quản trị tri thức là hoạt động kiến tạo, truyền bá và sử dụng tri thức cho các mục đích xác định của tổ chức, doanh nghiệp. Trong thời đại CMCN 4.0, quản trị tri thức mới là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và duy trì lợi thế cạnh tranh, chứ không phải là quản lý nguồn lực máy móc hay cơ sở vật chất. 

Ý tưởng quản trị tri thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có thể dễ dàng được triển khai áp dụng rộng rãi trong toàn EVN và các đơn vị thành viên, với các giải pháp cụ thể như sau:

- Xây dựng bộ sổ tay công việc, bao gồm trình tự giải quyết các công việc, các vấn đề thường phát sinh ở các bước và cách giải quyết, nguồn tài liệu liên quan. Bộ sổ tay công việc này cần được xây dựng trên môi trường điện tử để dễ tiếp cận, dễ sử dụng, góp ý.

- Quy định mỗi CBCNV phải kèm cặp, hướng dẫn từ 2 - 3 người khác.

- Tăng cường đào tạo nội bộ thông qua quy định mỗi CBCNV đi học về phải xây dựng chương trình và chia sẻ những kiến thức đã được học.

- Bổ sung tiêu chí giảng dạy vào điều kiện đánh giá cán bộ cấp trung. Người lãnh đạo cấp trung đóng vai trò chủ chốt trong sự sáng tạo tri thức bên trong tổ chức thông qua việc kết nối những ý tưởng, tầm nhìn của lãnh đạo cấp cao với thực tiễn hoạt động của các chuyên viên, công nhân.
- Đào tạo công nghệ, thiết bị mới bằng tài liệu điện tử.

- Xây dựng lộ trình học tập và thăng tiến đối với từng vị trí; tăng cường bổ nhiệm thông qua thi tuyển.

- Xây dựng công cụ chatbot để tạo ra kênh hỗ trợ người học trực tuyến một cách hiệu quả, giúp người học tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn. 

Đây là giải pháp dễ triển khai, không tốn thời gian; sử dụng nguồn lực nội bộ, nên tiết kiệm chi phí và có thể áp dụng liên tục, xuyên suốt trong quá trình phát triển doanh nghiệp. 

Công ty CP Thủy điện Thác Mơ: Ứng dụng công nghệ 3D, thực tế hỗn hợp và dụng cụ hỗ trợ 

Quá trình xây dựng và phát triển ý tưởng được dựa trên tiến trình, ứng dụng kết hợp các công nghệ cách mạng 4.0, đồng thời tận dụng nguồn lực và sức mạnh tài nguyên số sẵn có của EVN để giải quyết những khó khăn trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, sau đó được phát triển thêm để nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số. Ý tưởng gồm hệ sinh thái với các công nghệ: 

- Công nghệ 3D mô phỏng các chi tiết thiết bị phục vụ công tác đào tạo, thiết kế, chế tạo, tháo lắp… ;

- Diễn họa (Animation) mô phỏng quá trình hoạt động của mô hình phục vụ công tác đào tạo; 

- Mô hình thông tin (BIM) quản lý thiết bị, quản lý tài sản, quản lý công việc trên mô hình 3D; 

- Thực tế tăng cường (XR) hỗ trợ công tác đào tạo, khảo sát hiện trường, tra cứu thông tin thiết bị;

- Các công nghệ IoT, AI, QR code, OCR: Cứu hộ, cứu nạn, trợ lý ảo, tường ảo, sơ đồ logic, quản lý nhóm công tác, quản lý dụng cụ;

- Sức mạnh số sẵn có: Tận dụng nguồn mạnh số của Tập đoàn, đơn vị khác để phát triển hệ sinh thái.

Ý tưởng được xây dựng và phát triển từ năm 2013, đến nay đã thực hiện được 45% tiến trình tổng thể. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ 3D và diễn họa (Animation) để nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được đề xuất và ứng dụng từ năm 2013 tại Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ, đến năm 2016 được chính thức công nhận sáng kiến và đưa vào sử dụng với các sản phẩm, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo, quản lý và vận hành tổ máy. 

Mô hình BIM trong thực tế cũng đã được ứng dụng từ năm 2016 với các sản phẩm: Mô hình BIM Tòa nhà máy và phòng điều khiển trung tâm; mô hình sân tập thể thao. Hiện tại, Công ty đã đề xuất chương trình xây dựng mô hình BIM trạm phân phối điện ngoài trời 110kV.

Không dừng lại ở đó, hiện Công ty đang tiến hành phát triển mô hình BIM nhằm đưa các kiến thức đã được huấn luyện đào tạo vào nội dung công việc hằng ngày của người lao động, giúp cho người lao động có thể nắm rõ nội dung công việc, các biện pháp an toàn, kiến thức liên quan đến thiết bị trong quá trình thực hiện công việc. Hiện tại đã phát triển thành công các tính năng: Khảo sát thực địa, di chuyển trong mô hình; Tra cứu thông tin, lịch sử bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; Chụp ảnh, đánh dấu thiết bị trong mô hình BIM; Mô phỏng cơ cấu chấp hành, logic tương tác giữa mô hình 2D và mô hình 3D.

Đến nay, Công ty đã có rất nhiều thay đổi trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0. Các công nghệ nêu trên được ứng dụng và phát triển riêng lẻ đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các đơn vị sử dụng. Và khi các công nghệ này kết hợp với nguồn lực và tài nguyên số sẵn có của EVN sẽ giúp công cuộc chuyển đổi số của Tập đoàn phát triển một cách toàn diện. Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn chuyển đổi số, hướng đến xây dựng “Nhà máy số” và “Connected Worker”. 


  • 06/10/2022 01:49
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực
  • 1335