Những biến động trong đại dịch Covid19
Thị trường việc làm Việt Nam khá biến động, đặc biệt là sau dịch Covid19. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đặt ra mối quan ngại sâu sắc đối với người lao động trước việc lựa chọn ngành nghề. Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, quý II năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Đại dịch Covid-19 khiến 5 triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm trong 5 tháng đầu năm; nhiều ngành phải cắt giảm nhân sự, trong khi một số doanh nghiệp khác lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão kéo theo việc xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Cùng với đó, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, chỉ trong vòng vài năm qua chúng ta đã liên tục tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP, EVFTA… làm thay đổi diện mạo nền kinh tế.
Việc dự báo xu hướng nghề nghiệp trong tương lai ở Việt Nam có thể không hoàn toàn chuẩn xác nhưng dựa trên tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy một số ngành nghề sẽ lên ngôi trong vòng vài năm tới. Dưới đây là những nhóm ngành nghề được các chuyên gia nhận định sẽ trở thành xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Ngành Công nghệ thông tin
Cuộc cách mạng 4.0, công nghệ thông tin (CNTT) xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hầu hết các công ty, tổ chức đều có nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này. Thị trường việc làm cho các công việc liên quan đến CNTT được dự đoán sẽ mở rộng không ngừng trong 5 năm tới.
Những công việc cụ thể là lập trình viên, quản trị mạng, thiết kế đồ họa… Đặc biệt, trong lĩnh vực này có một tiểu ngành đang trở thành xu hướng mới là Khoa học dữ liệu. Ngành này không còn mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam, nó chưa phải cái tên quen thuộc.
Khoa học dữ liệu là sự kết hợp của toán học công nghệ thông tin và kiến thức ứng dụng. Nhờ lượng kiến thức được trang bị rất lớn, ngành này mở ra cơ hội việc làm rất đa dạng, người học có thể làm nhà nghiên cứu, nhân viên phát triển sản phẩm, ứng dụng vào các lĩnh vực kinh doanh, marketing…
Nhóm ngành Kinh doanh kỹ thuật số - Thương mại điện tử
Giao dịch qua thương mại điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm qua, sau đại dịch có thể nhanh chóng cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống và thành tương lai của bán lẻ hiện đại. Thế nhưng, thực tế cho thấy nguồn cung nhân lực cho mảng thương mại điện tử còn khan hiếm vì đây là ngành mới nổi tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quỹ đầu tư lớn trong nước đang không ngừng rót vốn đầu tư và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài trong mảng này.
Báo cáo mới đây của Savills và chỉ ra rằng thương mại điện tử đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.
Trong khi thương mại điện tử dùng công nghệ như một nền tảng hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn, kinh doanh kỹ thuật số lại dùng công nghệ làm cốt lõi để tạo ra giá trị và trải nghiệm.
Thông thạo ngoại ngữ và hiểu biết công nghệ là tiêu chuẩn kép thể hiện khả năng thích nghi của người trẻ với những thay đổi thường nhật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Chính điều này sẽ đưa mảng kinh doanh kỹ thuật số trở thành một trong những ngành siêu nổi trong tương lai gần.
Nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số
Báo cáo về kỹ thuật số Digital 2019 của We Are Social và Hootsuite (những doanh nghiệp hàng đầu về sáng tạo và quản lý mạng xã hội) cho thấy 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng. Chính thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến của người dùng đã khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng cao.
Đặc biệt, việc chuyển phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến suốt thời dịch Covid-19 đã chứng tỏ đây là nhóm ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề khi người trong ngành vẫn có thể làm việc từ xa hoặc làm việc độc lập mà duy trì được hiệu quả công việc. Điều này càng khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành này tăng mạnh mẽ hơn. Nhóm ngành này dường như không chỉ an toàn trước đại dịch mà còn được nhận định là rất an toàn trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0.
Nghề phiên dịch
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng nên ngành phiên dịch trở thành cái tên được nhắc tới khi tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai ở Việt Nam. Các cá nhân và tổ chức đều cần tới ngoại ngữ nếu muốn phát triển. Những ngôn ngữ phổ thông như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật… mở ra cơ hội việc làm khá rộng mở, tuy nhiên, nếu bạn theo học ngôn ngữ hiếm, ít người theo học thì mặc dù cơ hội việc làm không quá nhiều nhưng mức lương thưởng rất hấp dẫn.
Ngành Y – dược
Nhóm Việc làm ngành Y – dược vẫn luôn giữ được độ “hot”. Đây là ngành thiết yếu và gần như không bao giờ lỗi thời.
Dù mức độ cạnh tranh khá cao, tuy nhiên trong ngành này vẫn có những nghề thiếu nhân lực điển hình là điều dưỡng viên. Hiện nay, cuộc sống khá bận rộn và nhu cầu thuê điều dưỡng chăm sóc người thân bị bệnh để dành thời gian cho công việc đang tăng cao. Dự đoán, ngành y-dược vẫn tiếp tục là miền đất hứa cho các bạn trẻ khi lựa chọn bước đường tương lai.
Ngành Truyền thông - Báo chí
Trong kỷ nguyên thông tin thì nhóm ngành marketing - truyền hình - báo chí rất được ưa chuộng. Hầu hết các tổ chức đều cần bộ phận marketing - truyền thông để gây dựng thương hiệu, danh tiếng.
Dự đoán trong 5 năm tới, nhóm ngành truyền thông sẽ thu hút lượng lớn bạn trẻ nhờ vào mức lương hấp dẫn, công việc thú vị.
Các công việc cụ thể của ngành này khá đa dạng bao gồm nhân viên PR, sáng tạo nội dung, tổ chức sự kiện, báo chí, truyền hình…
Link gốc