Đừng để công việc tàn phá sức khỏe của bạn

Đang dở việc cũng đứng dậy đi lại một chút, sếp nói làm gấp cho anh cũng giải lao 5 phút tập thể dục, có ghế ngồi cũng nhất quyết đứng làm việc.

Nhiều người cứ nghĩ làm việc văn phòng là nhàn lắm, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Nhưng chỉ khi đi làm rồi mới biết công việc văn phòng mệt mỏi và nguy hiểm đến thế nào.

Các nghiên cứu cho thấy nhân viên văn phòng là đối tượng dễ mắc một loạt các bệnh từ tim mạch, tiểu đường type 2 cho đến ung thư. Tất cả là tại vì họ ngồi quá nhiều. Một bài báo trên tạp chí Diabetologia cho thấy những người ngồi nhiều hơn 8 tiếng/ngày có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn tới 90% so với người bình thường.

Những người ngồi nhiều hơn 6 tiếng/ngày cũng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp đôi. Đó là bởi khi ngồi, máu của họ chảy chậm hơn, cơ bắp cũng đốt cháy ít chất béo hơn. Hai điều kiện này làm cho các axit béo có khả năng cao làm tắc nghẽn tim.

Trong khi đó, ngồi nhiều cũng có thể khiến bạn tăng cân, dẫn đến sự thay đổi các quá trình sinh hóa trong cơ thể, khiến các gốc tự do tích tụ và đây đều là những điều kiện khiến nguy cơ mắc ung thư của bạn tăng lên.

Các nhà khoa học cho biết chỉ riêng việc ngồi nhiều đã khiến nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của bạn tăng lên 30%. Con số là 66% đối với ung thư tử cung và 54% với ung thư phổi.

Lối sống tĩnh tại của nhiều nhân viên văn phòng vì vậy cũng được coi là một loại hình hút thuốc lá mới. Nó thực sự có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn và làm tăng 60% nguy cơ tử vong sớm vì mọi nguyên nhân.

Đó là chưa kể đến những căn bệnh mạn tính mà nhân viên văn phòng hay mắc phải, ví dụ như đau đầu, đau lưng, đau mỏi cổ vai gáy, hội chứng ống cổ tay, suy giảm thị lực, suy giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ…

Nói chung, công việc văn phòng có thể tàn phá sức khỏe thể chất một cách khủng khiếp nếu bạn không bắt đầu thay đổi ngay từ hôm nay. Hãy nhìn hình ảnh dưới đây, đó là "Emma", một mô hình được các nhà nghiên cứu hành vi tạo ra, để mô phỏng lại một nhân viên văn phòng mẫn cán sau 20 năm làm việc.

Để làm ra mô hình này, các nhà khoa học đã khảo sát điều kiện làm việc và sức khỏe của hơn 3.000 nhân viên văn phòng ở Pháp, Anh và Đức để ngoại suy ra tương lai của họ.

Kết quả là Emma, người có một cái lưng gù, chân tay thì phù nề vì suy giãn tĩnh mạch, mắt đỏ ngầu vì suốt ngày phải nhìn vào màn hình và làn da thì xám xịt vì ít được tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời.

Nếu bạn không muốn mình cũng giống như Emma trong 20 năm nữa, hãy cùng chúng tôi thực hiện thử thách "6 ngày 6 đêm" ngồi ít hơn ở văn phòng. Tin mừng là các nhà khoa học cho biết chỉ cần bạn thay đổi được lối sống tĩnh tại ấy của mình, mọi vấn đề sức khỏe kể trên sẽ được khắc phục.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để có sức khỏe tốt, một người trưởng thành phải có ít nhất 150-300 phút hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày bạn phải tập thể dục ít nhất 30 phút.

Nhưng các nghiên cứu chỉ ra con số đó dành cho dân văn phòng là không đủ. Những người ngồi 8 tiếng mỗi ngày phải tập thể dục ít nhất 1 tiếng đồng hồ mới đủ bù đắp những tác hại mà việc ngồi nhiều gây ra.

Điều này rất khó có thể được thực hiện vào cuối ngày làm việc. Vậy có một cách tốt hơn để làm điều đó: Hãy tích hợp các bài tập vào ngay trong ngày làm việc của bạn. Cụ thể, các nhà khoa học khuyến cáo bạn nên đứng dậy và vận động từ 1 đến 5 phút sau mỗi 1 giờ ở văn phòng để chia nhỏ thời gian ngồi liên tục của bạn.

Nghiên cứu cho thấy những khoảng thời gian ngắt quãng này còn quan trọng hơn cả việc tập thể dục cuối ngày. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn có 1 tiếng tập thể dục sau 8 tiếng ngồi liên tục, cũng không tốt bằng 5 phút đứng dậy đi lại sau mỗi một tiếng đồng hồ.

Nhưng liệu bạn có làm được điều đó không? Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tin tôi đi, điều này thực sự là thử thách lớn đó. Đôi khi, chúng ta chỉ đơn giản là đang dở một công việc và muốn làm nốt cho xong, và bạn sẽ bỏ lỡ 5 phút giữa giờ của mình.

Ngay lập tức, 1 giờ ngồi liên tục của bạn sẽ kéo dài thành 2 giờ. Vậy làm thế nào để hoàn thành được thử thách? Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể thử áp dụng:

1. Đừng để mọi thứ thuận tiện quá

Máy in, máy pha cà phê, cây nước... nếu chúng đều đang nằm trong bán kính sải tay của bạn, thì đó chính là những kẻ thù đang ngấm ngầm khiến bạn lười vận động hơn. Một cách dễ dàng để tạo thói quen đứng lên thường xuyên ở văn phòng là hãy ngồi cách xa tất cả những công cụ này.

2. Thay cốc lớn bằng cốc nhỏ

Như vậy thì bạn sẽ phải đổ đầy nó lại nhiều lần hơn trong ngày, đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ đứng dậy nhiều lần hơn để đi tới cây nước.

Ngoài ra, bạn hãy thử uống nhiều nước hơn. Uống nước rất tốt cho cơ thể của bạn, tuy nhiên, việc ngồi trong một văn phòng có điều hòa mát mẻ và ít vận động khiến nhiều người không uống đủ nước.

Vì vậy, bạn hãy thử tăng tần suất uống nước của mình xem, nó không chỉ khiến bạn phải đứng dậy nhiều hơn để đổ đầy cốc của mình, mà còn có thể khiến bạn ghé thăm nhà vệ sinh nhiều hơn nữa.

3. Sử dụng cầu thang bộ

Nhân tiện nói đến nhà vệ sinh, nếu bạn đang muốn đi lại nhiều hơn ở văn phòng, hãy chọn một nhà vệ sinh ở cách xa bạn một chút. Nhiều tòa nhà văn phòng được thiết kế nhiều tầng với nhiều nhà vệ sinh ở mỗi tầng khác nhau.

Ý tưởng là bạn có thể leo bộ một vài tầng cầu thang trước khi đến được nhà vệ sinh đó, và cộng thêm cho mình vài phút vận động. Còn nếu văn phòng của bạn không được thiết kế như vậy, bạn vẫn có thể đi thang bộ thay cho thang máy vào buổi sáng. Nếu bạn làm việc ở một tầng quá cao, hãy đi thang bộ một vài tầng rồi bắt thang máy.

4. Ăn trưa và nghỉ giải lao với đồng nghiệp

Đừng đặt giao hàng và ăn trưa tại bàn làm việc nữa, bữa trưa đó chỉ tra tấn thêm cột sống của bạn mà thôi. Thay vào đó, hãy lập nhóm và đi ăn với đồng nghiệp, bạn sẽ có cho mình một áp lực xã hội buộc cả nhóm phải đứng dậy và rời khỏi bàn.

5. Đi lại trong lúc chờ lò vi sóng

Nếu bạn không ăn trưa cùng đồng nghiệp mà tự mang thức ăn đã chuẩn bị ở nhà, chắc hẳn bạn sẽ phải dùng lò vi sóng. Thời gian chờ bữa ăn của bạn được hâm nóng có thể mất từ 3-5 phút. Trong lúc đó, đừng trở về bàn làm việc mà hãy đi bộ xung quanh văn phòng.

6. Tổ chức một cuộc họp đi bộ

Tương tự với việc chờ lò vi sóng, bạn có thể làm nhiều việc trong lúc đi bộ, từ gọi một cuộc điện thoại, gửi mail, cho đến một cuộc họp. Tại sao không? Nếu quy mô cuộc họp của bạn không quá lớn, hãy thử hỏi ý kiến cấp trên hoặc đồng nghiệp của bạn: Liệu họ có thể vừa đi lại vừa trao đổi công việc được không?

Lý tưởng nhất là bạn có thể tổ chức cuộc họp đó trong một khuôn viên xanh ngay ngoài công ty hoặc trên đường tới quán cà phê. Làm vậy, bạn vừa có thể rời xa thứ ánh sáng nhân tạo trong phòng làm việc, vừa có thể hít thở một chút không khí trong lành.

7. Đỗ xe xa một chút

Tương tự với việc chọn một nhà vệ sinh xa, bạn cũng có thể chọn một bãi gửi xe cách xa khu văn phòng của bạn. Làm điều này, bạn sẽ lại thêm vào cho mình 5 phút đi bộ mỗi buổi sáng tới công ty và 5 phút đi bộ mỗi buổi chiều rời khỏi đó.

8. Hẹn giờ đứng dậy khỏi ghế

Như đã nói, bạn phải đặt mục tiêu cho mình đứng dậy vận động sau mỗi 1 tiếng đồng hồ ngồi liên tục. Bạn có thể làm điều này ngay trên điện thoại di động của mình, có rất nhiều ứng dụng cho phép bạn hẹn giờ như vậy.

Hoặc nếu bạn có đồng hồ thông minh, vòng tay sức khỏe, đa số các thiết bị này đều được tích hợp sẵn tính năng nhắc nhở. Hẳn là các nhà sản xuất cũng biết dân văn phòng thường hay ngồi quên trước máy tính và bị cuốn vào công việc, cho đến khi họ muốn tự nhiên đứng dậy thì đã quá muộn.

9. Hãy thử bàn đứng

Làm thế nào bạn có thể ngồi ít hơn khi bạn buộc phải làm việc với máy tính, giấy tờ và một chiếc bàn? Một chiếc bàn đứng sẽ giải quyết vấn đề đó cho bạn.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại bàn đứng công thái học, cho phép bạn thiết lập chiều cao phù hợp với bản thân mình. Trong trường hợp bạn mỏi và muốn ngồi xuống, những chiếc bàn này vẫn đáp ứng được nhu cầu cho bạn.

Nhưng đừng quên ngay cả đứng làm việc, bạn vẫn phải nghỉ sau mỗi 1 tiếng để vận động và đi lại.

10. Một thiết bị tập thể dục ngay dưới gầm bàn

Chúng đã xuất hiện trên thị trường, một chiếc máy đạp xe ngay dưới gầm bàn có thể cho phép bạn vận động chân của mình trong khi vẫn làm việc. Điều này có thể giúp vận động một số nhóm cơ chính ở chân và về mặt logic, nó cũng được tính là một hoạt động vận động nhẹ nhàng.

Trên đây chỉ là một số mẹo nhỏ dành cho bạn, nếu bạn đang có một công việc văn phòng và muốn thay đổi lối sống tĩnh tại để cải thiện sức khỏe cho bản thân mình. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo ra các cách mới để hoàn thành thử thách ấy.

Và đừng quên, sức khỏe chỉ có thể được xây dựng bằng những thói quen lành mạnh. 6 ngày có thể là chưa đủ để bạn duy trì thói quen vận động tích cực ở văn phòng, nhưng đó sẽ là một bước đệm cho phép bạn thấy rằng mình hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Link gốc


  • 06/07/2022 11:31
  • Nguồn: ttvn.toquoc.vn
  • 810