Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực

18 năm trước, từ Long An, tôi đến Sở Điện lực Sóc Trăng nhận công tác. Lúc đó, đời sống còn khó khăn, đa số CBCNV từ các tỉnh khác đến nên nhà tập thể của đơn vị không đủ chỗ ở. Tôi nhớ, mỗi căn hộ tập thể có 12 người với 6 giường tầng, vách bằng tôn thiếc, chật chội, nóng nực. Lương của tôi chỉ tạm đủ sống, còn giá đất lại tính bằng “cây” vàng nên giấc mơ về một mái ấm riêng quả thực rất xa xôi.

Khung cảnh yên bình ở Làng điện lực Sóc Trăng

Năm 2000, tôi lập gia đình. 2 vợ chồng đều làm việc ở Điện lực Sóc Trăng. Thời điểm này, lãnh đạo đơn vị đã thuyết phục được Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long cho vay dài hạn với lãi suất thấp để xây dựng Làng điện lực, còn nhà thầu thì chấp thuận xây xong mới trả tiền.

Làng điện lực khởi công trong sự vui mừng, phấn khởi và cả... lo lắng, hoài nghi của tất cả mọi người. Làm sao không vui mừng, phấn khởi khi sắp có được một căn nhà tử tế trong điều kiện khó khăn như thế, làm sao thôi lo lắng cho được khi làng nằm giữa đồng, đi lại thế nào, nước sinh hoạt ra sao, đêm xuống có dám ra đường không, liệu nhà thầu có hoàn thành công trình khi chưa ứng trước cho họ một đồng nào?...

Cuối cùng, mọi việc cũng xong. Điện, nước riêng từng hộ, đèn đường thì lãnh đạo đã bàn giao qua Công ty Công trình đô thị nên không phải tốn tiền hàng tháng.

Làng điện lực hoàn thành cũng là lúc tôi đón đứa con đầu lòng chào đời. 2 sự kiện trọng đại: Có con, có nhà, cảm giác sung sướng không thể nào diễn tả được.

Ban đầu, tiền nhà phải trả hàng tháng cho ngân hàng cũng hơi cao, khoảng hơn một nửa kỳ lương của tôi, gấp đôi tiền thuê nhà trọ hằng tháng khi đó. Dần dần, mọi việc được thu xếp ổn thỏa, tiền trả góp nhà không còn là “mối lo” của gia đình tôi nữa.

Sự hoài nghi về “cái làng chưa có tiền lệ” rồi cũng tiêu tan, đơn xin vào làng bắt đầu tăng lên. Từ dãy nhà “loi choi” 12 căn giữa đồng, giờ làng đã có 120 căn hộ sạch, đẹp khang trang.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Làng điện lực mà không nhắc tới 1 người vô cùng tâm huyết với mô hình này – chú Bảy Nhiệm, Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng.

Hồi đó, chú Bảy không chỉ lo mua đất, tìm nguồn vốn, vận động ban, ngành địa phương... mà còn phải đối phó với nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối, thậm chí cả đơn nặc danh tố cáo tiêu cực. Có lần, chú Bảy nói với các thành viên trong ban chỉ đạo xây dựng hạ tầng Làng điện lực: “Phải tiếp tục thực hiện, nếu vì có kiện cáo mà ngưng là đúng ý những người muốn phá”.

Tôi nhớ khoảng năm 2002, bác Ba Nĩ (nguyên giám đốc Sở Điện lực Long An) khi đó đã nghỉ hưu, có đến thăm nhà tôi trong làng đã thốt lên: “Làm được như vầy là quá tốt, ông Bảy Nhiệm quả thực rất tháo vát”.

Giờ đây, mỗi buổi chiều, các con tôi và bạn bè của chúng lại tụm lại đá banh, đánh cầu, chạy xe đạp,...  thật là vui. Thật tình mà nói, khó mà tìm được một không gian rộng rãi để mấy đứa nhỏ vui chơi như ở Làng điện lực này. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nhà cửa bắt đầu mọc lên san sát, vài năm nữa chắc phải gọi là “khu phố” thì mới đúng. Nhưng chắc chắn chúng tôi – những người đã sống ở đây từ những ngày đầu và những người đã khai sinh ra “ngôi làng” này sẽ giữ mãi cái tên Làng điện lực.


  • 23/07/2013 04:16
  • Nguyễn Văn Hoàng
  • 1716


Gửi nhận xét