Hò Khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia

Thông tin trên được công bố tại Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với Hò khoan Lệ Thủy, 11 di sản khác cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Biểu diễn "Hò khoan Lệ Thủy". Nguồn: thanhnien.vn

Hò khoan Lệ Thuỷ là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian của người dân huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình vốn có lịch sử tồn tại, phát triển từ rất xa xưa trong đời sống của người dân địa phương. Hò khoan Lệ Thuỷ gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Trải qua quá trình sáng tạo, thực hành, trao truyền và liên tục tái tạo, Hò khoan Lệ Thuỷ đã trở thành hoạt động văn hoá, nghệ thuật không thể thiếu trong những dịp sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Lệ.

Đến thời điểm này, Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Cũng tại quyết định này, 11 di sản khác cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận trên địa bàn cả nước lên con số 214 di sản.

Các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận tại Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL:

1. Lễ hội Xa Mã - rước kiệu Đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng).

2. Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).

3. Nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định).

4. Lễ hội Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).

5. Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

6. Lễ hội Lồng tồng của người Tày (huyện Định Hóa, Thái Nguyên).

7. Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

8. Nghệ thuật Khèn của người Mông (huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

9. Nghệ thuật Rô-băm của người Khme (Trà Vinh).

10. Lễ hội Trò Ngô làng Giàng (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).

11. Múa sư tử của người Tày, Nùng (Lạng Sơn).

 


  • 11/05/2017 02:00
  • Thanh Huyền
  • 2194