Hội chứng ốm vì quá lạnh của dân văn phòng

Nhiều người làm việc trong các văn phòng máy lạnh thường ca thán về một số bệnh chứng thường gặp như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm bàng quang, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ...

Thầy lang Đông y nào ít nhiều cũng nằm lòng tác phẩm “Thương hàn luận” của Trương Trọng Cảnh. Y sư họ Trương ngày xưa sở dĩ nổi giận quyết học nghề làm thuốc rồi hoàn tất công trình độc đáo về bệnh do nhiễm lạnh là vì mối hận từ chuyện cả làng mất mạng sau cơn dịch cảm cúm trong mùa đông khắc nghiệt.

Hội chứng “văn phòng cao ốc”

Đời cũng phải thay đổi theo thời. Nếu tưởng bệnh do lạnh chỉ có ở xứ rét run thì không đúng. Bằng chứng là ở xứ ta, nơi khí hậu oi bức cứ như bị nướng lửa than, vẫn có nhiều người ngã bệnh vì lạnh do làm việc trong phòng quá lạnh vì máy điều hòa chạy hết công suất!

Theo thống kê ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, thành phố càng nhiều cao ốc với văn phòng máy lạnh thì số bệnh nhân, mặc dù đủ ăn đủ mặc, càng tăng lên. Nếu trước đây vài thập niên, nhiều nhà điều trị còn nghi ngờ về “hội chứng văn phòng cao ốc” (building sickness syndrome) thì rõ ràng là hiện nay, nhiều người làm việc trong các văn phòng máy lạnh thường ca thán về một số bệnh chứng thường gặp như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm bàng quang, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ... Không thể là chuyện ngẫu nhiên nếu nhiều người ngã bệnh đến thế!

Chuyện nay cũng đã rõ hơn ban ngày vì hệ thần kinh giao cảm, như tên gọi, rất nhạy cảm. Khi từ ngoài đang nóng như lửa đổ trên đầu, bước vào văn phòng lạnh như tủ lạnh thì cơ thể phải đối đầu tức khắc với khác biệt nhiệt độ. Tình trạng sai biệt nhiệt độ tuy có thể chỉ kéo dài trong mấy giây nhưng với trung khu điều nhiệt lại chẳng khác nào một loại stress… Khỏi nói nhiều cũng hiểu, sức đề kháng bị xói mòn thế nào nếu nạn nhân cứ phải ra vào phòng làm việc nhiều lần trong ngày!

Đã vậy, hãy xem mấy khi máy lạnh được gắn dưới thấp. Hậu quả là trên đầu dễ lạnh. Chỉ cần nhiệt độ trên đỉnh đầu giảm xuống không hơn 2 độ bách phân, nhiều loại vi khuẩn sống trong đường hô hấp và tiết niệu thừa thắng xông lên. Từ đó, không lạ gì nếu nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cứ vài ngày lại viêm bàng quang, mà không ngờ nguyên nhân treo ngay trước mắt.

Chống đỡ hai mặt giáp công

Chuyện vẫn chưa xong. Nếu máy lạnh hiếm khi được bảo quản thì người làm việc trong văn phòng đóng kín là miếng mồi béo bở của hàng trăm loại vi khuẩn ẩn núp trong lưới lọc bụi của máy lạnh. Thêm vào đó là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tự tung tự tác như độ ẩm trong văn phòng chật hẹp, hóa chất trong xà phòng lau nhà, nước lau kính, thuốc xịt phòng, bụi mực in và nhất là khói thuốc lá... Bằng chứng là nếu một thành viên trong văn phòng lên đường đến phòng khám thì nhiều đồng nghiệp khác cũng nối gót.

Nếu người làm việc trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời đang nóng hực như lò bánh mì, lại uống thêm ly nước đá cho đã khát thì “đồng hành cùng viêm xoang” là chuyện khó tránh. Khác biệt về nhiệt độ của ly nước đá khi chạy dài từ cổ họng dọc theo thực quản là nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh giao cảm và hệ miễn dịch, thậm chí trầm trọng hơn nếu nhiều giờ làm việc trong môi trường ô nhiễm. Ngày nào cũng chống đỡ hai mặt trong ngoài giáp công, người lao động không bệnh mới là chuyện lạ!

Trương Trọng Cảnh nếu sống vào thời nay chắc phải buộc lòng tái bản tác phẩm “Thương hàn luận” với phần bổ sung về chuyện nay đau mai yếu do… máy lạnh!

Cách phòng tránh đơn giản

Để đề phòng viêm họng, viêm xoang, viêm bàng quang... do làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh, có thể thực hiện:

- Ngâm chân 10 phút trong nước ấm sau giờ làm việc để đánh thức sức đề kháng qua phản xạ của mạng lưới cảm ứng thần kinh rải đều trên lòng bàn chân.

- Điều chỉnh nhiệt độ phòng làm việc để nhiệt độ bên ngoài và bên trong đừng quá sai biệt lúc bước vào cũng như khi tan sở.

- Giữ ấm da đầu và lòng bàn chân trong lúc làm việc.


  • 13/10/2016 10:32
  • Nguồn: nld.com.vn
  • 1705