Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, tổng biên tập các cơ quan báo chí văn nghệ, đài phát thanh và truyền hình trong cả nước đã tham dự Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc 2014 - Ảnh: Nguyễn Văn Nhật
|
Là bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí văn nghệ (ở cả 4 loại hình báo chí) ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 838 cơ quan báo in với trên 1.000 ấn phẩm, 67 đài phát thanh và truyền hình, trên 90 kênh phát thanh, 104 kênh truyền hình, đội ngũ nhà báo gần 18.000 người.
|
Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của báo chí văn nghệ. Nổi lên là một số cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành ở địa phương, mặc dù có đổi mới nhưng còn chậm và chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Vẫn có số ít tờ báo có lúc sa đà vào các thông tin tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc khi chưa kiểm chứng thông tin, gây bức xúc cho đối tượng bị phản ánh. Cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội chưa là dòng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ; tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội chưa được các ban biên tập chú ý đối với từng tác phẩm cũng như đối với từng tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình.
Một số chương trình văn hóa, văn nghệ của đài phát thanh và truyền hình có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Chuyên mục văn hóa - văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu tính định hướng trong việc hình thành nhân cách, thẩm mỹ, thói quen, lối sống của thế hệ trẻ, chủ yếu đi sâu vào đời tư của các diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng.
Mặt khác, việc phát quá nhiều các chương trình nước ngoài, kênh nước ngoài, khai thác chương trình trò chơi truyền hình nước ngoài, nhập khẩu phim nước ngoài để phát sóng đã góp phần cổ súy cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền, làm nhạt nhòa bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.
Các đại biểu cho rằng cần coi trọng việc bồi dưỡng đường lối, quan điểm, các giá trị văn hóa - văn nghệ trong cán bộ, nhân dân; khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật; đề cao trách nhiệm xã hội gắn với trách nhiệm của người nghệ sỹ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà.