Giữ bí mật trong kinh doanh là yếu tố then chốt của doanh nghiệp
|
Câu chuyện nỏ thần và áp dụng trong kinh doanh
Vào năm 257 trước Công Nguyên, Thục Phán An Dương Vương lên ngôi, đổi tên nước thành Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê và cho xây Loa Thành.
Nhờ thần Kim Quy cho cái móng để chế thành nỏ thần, chỉ cần bắn một mũi tên cũng giết được cả ngàn quân địch. Bấy giờ Triệu Đà ở phương Bắc rắp tâm xâm lược nước ta. Nhưng vì vua nước Âu Lạc có nỏ thần nên đành phải lui về chờ đợi cơ hội thích hợp.
Triệu Đà tìm cách cầu thân cho con trai mình là Trọng Thủy với công chúa Mị Châu. Khi lấy được lòng tin của Mị Châu, Trọng Thủy đã hỏi nàng về bí mật của nỏ thần. Sau đó, Trọng Thủy lấy cớ về thăm cha rồi đánh cắp nỏ thần. Triệu Đà đem quân tiến đánh nước Âu Lạc một lần nữa.
Giặc đến chân thành nhưng An Dương Vương vẫn thản nhiên ngồi chơi cờ. Khi giao chiến, nỏ thần không phát huy tác dụng như trước khiến nước Âu Lạc thua trận. An Dương Vương phải đưa Mị Châu chạy trốn về phía biển Đông. Quân giặc đuổi theo, vua được thần Kim Quý báo cho kẻ thù ngay bên cạnh, liền rút kiếm chém chết Mị Châu. Trọng Thủy vì hối hận mà cũng nhảy xuống giếng tự vẫn.
Cốt lõi của kế sách: Chuyện nỏ thần là một bài học đắt giá cho sự mất cảnh giác để lộ và bị mất đi bí quyết sức mạnh riêng, dẫn đến thất bại thảm hại của một triều đại vốn một thời oai hùng.
Áp dụng trong kinh doanh: Trong kinh doanh, những bí quyết kinh doanh, công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất là những tài sản vô giá cho những ai giành được nó. Ngược lại sẽ dẫn tới những hậu quả tồi tệ, thậm chí diệt vong cho những doanh nghiệp mất cảnh giác không biết gìn giữ bí mật.
Một số bài học về kế sách "Bí mật nỏ thần" trên thế giới
* Vào năm 1760, tại Anh nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp, ngành dệt có bước tiến mạnh mẽ, dẫn đầu thế giới. Do vậy, rất nhiều quốc gia tìm cách đánh cắp kỹ thuật dệt của Anh. Nước Anh cấm không được phổ biến ra nước ngoài kỹ thuật dệt. Tuy nhiên, năm 1870, do chủ quan, một xưởng dệt ở Anh đã cho một người Mỹ tên là Sam Schnee vào tham quan, người này sau đó đã bí mật vẽ sơ đồ xưởng máy và trở về nước xây dựng xưởng dệt tiên tiến đầu tiên của Mỹ.
Vài chục năm sau, Schnee đã gây dựng được cơ nghiệp từ nghề dệt và trở thành triệu phú, góp phần vào sự lớn mạnh của ngành công nghiệp dệt nước mình. Chẳng bao lâu, Mỹ trở thành đối thủ cạnh tranh lợi hại của Anh về công nghiệp dệt may.
Bài học trên đã bị người Anh bỏ quên. Vào giữa thế kỷ 19, công ty dệt nổi tiếng của Anh là Prache phát triển rất mạnh, sản phẩm bán khắp thế giới, vì vậy thu hút sự chú ý của người Nhật. Năm đó, ở ngay sát nhà máy của Prache mọc lên một quán Nhật. Do món ăn ngon, giá rẻ, thái độ phục vụ tốt mà quán này thu hút được công nhân viên cũng như các kỹ sư cao cấp của công ty Prache. Chẳng bao lâu, quan hệ giữa công ty và quán ăn trở nên mật thiết. Đúng lúc này quán ăn đột nhiên tuyên bố bị thua lỗ phải đóng cửa. Chủ quán và nhân viên phục vụ quán nhờ quen biết với các kỹ sư, cán bộ cao cấp nên được nhận vào làm tại Prache.
Phía công ty Prache không thể ngờ được rằng nhân viên phục vụ của quán thực ra toàn là các chuyên gia dệt tầm cỡ của Nhật. Được nhận vào làm việc, họ đã ghi nhớ lại cấu tạo, chi tiết các bộ phận của máy dệt. Và không có gì ngạc nhiên khi vài năm sau người Nhật chế tạo được máy dệt tiên tiến, cải tạo kỹ thuật dệt, tạo ra sản phẩm có tiếng tăm trên thế giới.
Cách thức áp dụng kế sách: Xung quanh bạn luôn có vô vàn đối thủ thường trực muốn tranh giành vị thế mà bạn đang sở hữu. Bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, đối thủ có thể lấy cắp bí mật kinh doanh của bạn nhiều lần. Vì vậy, công tác bảo mật phải được nâng cấp liên tục, phải tiến hành thường xuyên và lâu dài. Mất bí mật sản phẩm thì việc kinh doanh sẽ mất sức sống, thậm chí mất toàn bộ thị trường. Do vậy, người làm kinh doanh phải luôn cảnh giác mọi lúc mọi nơi.
* Gillette là nhãn hiệu dao cạo râu chiếm thị phần lớn trên thế giới. Một trong những bí quyết thành công của Gillete là đảm bảo bí mật của sản phẩm mới đến cùng. Sự ra đời của nhãn hiệu Match 3 là một ví dụ.
Để Gillete Match 3 có được thành công như ngày nay, hãng đã mất gần 10 năm nghiên cứu trong bí mật. Gillete bỏ ra 1,2 tỷ USD cho dự án nghiên cứu sản phẩm, với sự tham gia của gần 500 kỹ sư đến từ đại học Stanford và Viện đại học MIT. Công việc nghiên cứu và chế tạo tuyệt mật đến nỗi Gillete đã nhờ FBI vào cuộc. Hàng ngày các nhân viên FBI ngoài việc bảo vệ khu vực nghiên cứu thì tại trụ sở FBI hàng loạt các thông tin tình báo được gửi về để tìm ra những điệp viên kinh tế có thể ăn cắp thông tin. Nhờ đó, Gillete đã phát hiện ra một điệp viên của đối thủ cạnh tranh Wright Industries định lẻn vào ăn cắp bản vẽ Gillete Match 3. Bên cạnh đó, một số hacker định tấn công hệ thống mạng nội bộ của Gillete cũng thất bại vì hệ thống bảo vệ của Gillete khá tốt và được FBI nâng cấp thường xuyên.
Sau khi nghiên cứu thành công Match 3, ngay lập tức Gillete xin đăng ký bảo hộ quyền sở hữu sáng chế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, những thị trường chủ chốt của hãng. Điều đặc biệt là Gillete không xin bảo hộ tổng thể Match 3 mà xin bảo hộ riêng cho từng bộ phận của chiếc dao cạo râu thế hệ mới này. Tất cả có đến 38 bộ phận của Match 3 được xin đăng ký bảo hộ độc quyền nên đã hạn chế khá hiệu quả nạn ăn cắp bản quyền sáng chế.
Cách thức áp dụng kế sách: Nếu đã bảo mật thì phải tiến hành bảo mật đến cùng, tới mức khách hàng phải là những người đầu tiên cầm trên tay sản phẩm mới của bạn.