Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Nguồn ảnh: internet
|
Tới dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" được xây dựng tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang. Nơi đây, tháng 3/1961, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Sau 3 năm thi công với 160 tấn sắt thép các loại và trên 3.000 m3 đá, tượng đài và phù điêu được lắp đặt ở độ cao 25m so với sân tượng đài. Công trình đã hoàn thiện, bảo đảm an toàn, tiến độ, kiến trúc mỹ thuật và kỹ thuật, đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Tượng đài là một khối đá xanh khắc 7 nhân vật, trong đó Bác Hồ là trung tâm, 6 nhân vật vây quanh đại diện cho nông dân, công nhân, tầng lớp trí thức, lực lượng vũ trang, thanh niên, cháu thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang. Đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn kính, tình cảm sâu nặng vô bờ bến của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống, có vị trí chiến lược quan trọng. Tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc Tuyên Quang là vô cùng lớn lao, cao cả; tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đối với Bác Hồ thật sâu nặng, nghĩa tình. Chính vì vậy, công trình tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" là một biểu tượng cao đẹp hun đúc lòng yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng, thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.