"Cú sốc" đầu tiên là buổi thực hành, đấu theo sơ đồ đã có sẵn. Nắm chắc lý thuyết, mình năng nổ xung phong đấu tủ bảng điện, ai ngờ bị chập, cầu chì nổ tóe.
Lúc đó cũng hoảng, sợ... rồi run tay. Mới rõ thêm đặc thù công việc sau này mình sẽ làm, lý thuyết chưa đủ mà còn phải thực hành vì yêu cầu công việc rất nghiêm ngặt. Sau khi lấy lại được bình tĩnh, câu hỏi đặt ra trong đầu: Tại sao lại nổ? Mình đã sai chỗ nào? Và quyết tâm tìm câu trả lời. Tình yêu với nghề đôi khi mang cả sắc thái của sự chinh phục như thế.
Trái hẳn với vẻ nữ tính lúc mới vào, các bạn nữ lớp mình dần dần ai cũng mạnh mẽ, cứng rắn lên trông thấy. Khi đến giờ thực hành trèo cột, chị em không ngại trèo cao, sự sợ hãi khi dựng cột bằng tó và pa-lăng đã không còn nữa, thay vào đó là hồi hộp, tò mò tiếp sau mình sẽ học thêm những gì, tiếp xúc thêm những điều mới mẻ nào.
Tình yêu với nghề điện ngày càng vun đầy, khi hôm ấy nhà hàng xóm bị mất điện, thấy ông bà đã già không nhờ được ai, nhận thấy tkhả năng mình làm được, quyết tâm mang vác đồ nghề của bố đi "hành nghề" một mình. Cái cảm giác sau một hồi loay hoay đấu nối, bóng điện sáng trưng trong nhà, nhận lời cảm ơn của cả ông bà nữa, mình vui lắm! Tự hào về nghề mình đang học lắm.
Lòng yêu nghề càng mãnh liệt hơn, khi đi đường bắt gặp những cái nghển cổ nhìn các chú thợ điện sửa điện trên cột cao chót vót, là niềm mong chờ, hạnh phúc vỡ òa khi có điện, là những lời trầm trồ, thán phục...
Giờ đây, khi đã khoác lên mình sắc màu áo cam của ngành Điện, không chỉ là tình yêu nghề mà còn là trách nhiệm của bản thân với công việc, nhiệm vụ được giao. Tình yêu nghề, yêu ngành hòa quyện vào nhau và ngày càng tăng lên khi thấy ý nghĩa công việc mình đang làm và những hy sinh của đồng nghiệp ngày đêm canh giữ cho dòng điện sáng luôn an toàn, ổn định.