Kinh nghiệm dạy con của tôi: Dạy con theo từng thời kỳ

Tôi không chia theo tuổi dạy dỗ con cái mà chia theo 3 thời kỳ: Áp đặt vô điều kiện, áp đặt có điều kiện và tư duy tự do.

Thời kỳ đầu là "áp đặt vô điều kiện"

Thời kỳ này, trẻ con không đủ nhận thức, ý thức, kiến thức, kinh nghiệm, tư duy,... để hiểu được thế nào là đúng thế nào là sai. Nếu ta "bắt quả tang" chúng làm sai việc gì thì phải "chỉnh" ngay lúc đó chứ không thể đợi "tới bữa cơm" hoặc "lúc nào rảnh" mà dạy.

Chúng rất khó "nhớ lại" những việc mà chúng làm sai sau 1 quãng thời gian. Chúng cũng không đủ mức độ tập trung để nghe "rao giảng" đạo đức. Việc dạy dỗ con đơn thuần chỉ là những nhận xét ngắn gọn, dễ hiểu và kết luận mang tính mệnh lệnh. Với những kỹ năng sống đơn giản, chỉ cần làm mẫu cho chúng bắt chước. Đối với chúng lúc này, kết quả là quan trọng chứ không phải cách làm.

Thời kỳ tiếp theo là "áp đặt có điều kiện"

Ở thời kỳ này, con trẻ đã bắt đầu có nhận thức và tư duy cá nhân. Chúng không còn "cam chịu" như trước nữa. Chúng sẽ hỏi những câu hỏi "tại sao" phải thế này mà không phải thế kia và người lớn phải tìm những ngôn từ dễ hiểu nhất để giải thích cho chúng hiểu sau đó mới áp đặt mệnh lệnh. Thời kỳ này rất quan trọng. Bố mẹ sẽ là người bạn lớn tuổi của chúng hay là "ông kẹ" của chúng phụ thuộc rất nhiều vào lúc này. Đối với các kỹ năng sống, cần hướng dẫn bằng lời nói và để chúng tự suy nghĩ xem phải làm thế nào. Có những kỹ năng tương đối phức tạp thì đưa chúng đến 1 trung tâm văn hóa nào đấy để đăng ký học. Học để biết là quan trọng nhất. Còn việc say mê, có đào sâu hay không hoàn toàn do ý thích của chúng, không bắt buộc.

Thời kỳ cuối cùng là "tư duy tự do"

Thời kỳ này, con trẻ gần như đã trưởng thành, được trang bị đầy đủ tư duy hệ thống, tư duy logic, phương pháp luận, ... cái chúng thiếu là kinh nghiệm sống. Cần "hướng dẫn" mang tính chất khuyên bảo, gợi ý chứ không thể áp đặt. Vấn đề cốt lõi là làm sao để chúng chia sẻ suy nghĩ của chúng, tranh luận thẳng thắn để từ đấy có hướng giải quyết những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Vấn đề cốt lõi này hoàn toàn dựa trên nền tảng của thời kỳ trước.

Nếu không có cái cốt lõi đó, khi gặp khó khăn , chúng không tin tưởng, không chia sẻ, không hỏi ý kiến ai mà tự làm theo cách mà chúng cho là đúng, nhiều khi sẽ cho những kết quả không mong muốn có thể ảnh hưởng không tốt đến nhân cách sống sau này.

Đây là cách dạy con theo kinh nghiệm cá nhân của tôi. Có thể có bạn khác có cách hay hơn. Mời các bạn góp ý để ta cùng học hỏi lẫn nhau.

Phan Bảo Lâm


  • 18/08/2011 09:15
  • Theo vnexpress.net
  • 1816


Gửi nhận xét