Làng “4 bếp” đã khởi sắc

Nếu lâu ngày mới có dịp trở về làng Thạch Quang, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạch, tỉnh Bình Định, chắc ai cũng phải ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở nơi đây. Trên mảnh đất vùng cao, những con đường bê tông chạy dài, những ngôi nhà bê tông kiên cố mọc lên san sát với ánh đèn sáng rực ngõ xóm mỗi khi đêm về.

Từ 4 nếp nhà hoang vu

Thạch Quang là vùng đất màu mỡ, nuôi dưỡng những cánh rừng nguyên sinh có nhiều lâm sản giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến cuối những năm 70 thế kỷ trước, nơi đây dân cư vẫn còn rất thưa thớt, chỉ có 4 hộ gia đình sinh sống. Vì vậy, khu đất này được gọi là làng “Bốn bếp”. Theo lời già làng Đinh Grêch: “Lúc ấy, đất đai bát ngát, nhưng đi lại rất khó khăn vì đường nhỏ chỉ vài gang tay, nhà sàn làm bằng tranh tre, nứa lá. Trâu, bò, lợn, gà đều thả rông, tôm, cá sẵn dưới sông, muốn ăn thì thả lưới. Người đau ốm, bệnh tật thì tìm lá thuốc ở rừng… Mọi hoạt động trong làng đều khép kín như trong một hòn đảo bị cô lập”.

Đến năm 1986, làng “Bốn bếp” mới có thêm người đến, dần dần hình thành làng Thạnh Quang như bây giờ. Năm 2004, công trình Hồ thủy lợi Định Bình được Nhà nước đầu tư xây dựng, gần 40 hộ dân từ các làng vùng lòng hồ Định Bình về đây định cư. Do còn khó khăn, điện, nước không có, giao thông đi lại không thuận tiện, cuộc sống người dân nơi đây rất vất vả, lam lũ vô cùng. Già làng Đinh Grêch chia sẻ: “Người dân Thạch Quang lúc nào cũng mong nhìn thấy con em mình được học hành dưới ánh sáng điện, mở ra tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau, quên đi ký ức về một làng “Bốn bếp” hoang vu thuở nào…”.

Điện về thắp sáng bản làng

Thời gian qua đi, đời sống người dân ở làng “Bốn bếp” xưa - Thạnh Quang nay đã có nhiều đổi mới. Điện lưới quốc gia lên tới “cổng trời” Thạch Quang vào cuối năm 2010 và gần như ngay lập tức thổi luồng sinh khí mới vào đời sống của người dân nơi đây. Bản làng như “lột xác”, tươi mới hơn, trẻ trung hơn, thắp lên niềm mong ước của bà con từ bao đời.

Đêm về, người dân không còn phải chong đèn hay nhóm bếp lấy ánh sáng nữa, thay vào đó, có thể quây quần dưới ánh đèn điện cùng xem ti-vi, tiếp thu kiến thức về xã hội, công nghệ mới, tăng thêm vốn hiểu biết. Anh Đinh Nguyên Thi, người dân Thịnh Quang khoe: “Nhờ có điện, 5 năm nay buổi tối nhà mình vui hơn hẳn, đã có ti-vi coi thỏa thích, đèn sáng cho con học bài. Trong làng bây giờ hầu như nhà nào cũng có xe máy, đài, ti-vi; thậm chí là tủ lạnh, nồi cơm điện…”.

Từ khi có điện, người dân Thạch Quang đã nắm bắt được khoa học công nghệ, từ đó, sản xuất nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao hơn. Việc phát triển cây lúa nước trên đất Thạch Quang gắn liền với mốc son kéo điện về làng. Theo bà Bùi Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, lúc điện chưa có, bà con ở đây mù tịt thông tin. Thế nhưng, giờ đây nhiều người đã biết sử dụng máy tính, lên mạng internet tìm kiếm và ứng dụng khá nhuần nhuyễn các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; qua đó, năng suất cây trồng được cao hơn. Cách đây chừng 10 năm, sản lượng lúa bình quân chỉ đạt từ 10-15 tạ/ha, đến nay đã tăng lên 65 tạ/ha.

Nhờ đẩy mạnh sản xuất, ngoài cây lúa, làng còn trồng nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi trâu bò phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, đời sống bà con đã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo. Có của ăn, của để, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà khang trang sạch đẹp, mua sắm được nhiều thiết bị gia dụng đắt tiền như, ti vi, tủ lạnh, dàn âm thanh, quạt điện…

Ông Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp vui mừng cho biết, Thạnh Quang không đông dân như các làng lân cận, nhưng lại có sức bật lớn trong phát triển kinh tế. Nhờ có lưới điện quốc gia, bà con nông dân đã có điều kiện phát huy tiềm năng từ đất đai trù phú mà trước đây chưa có điều kiện khai thác. Thạnh Quang giờ đây đã có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Điện, đường, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang. Đời sống thay đổi, vươn lên từng ngày mà trước đây không ai có thể hình dung được.

Ký ức về một làng “Bốn bếp” xưa đã dần lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là một Thạnh Quang đang tràn đầy sức sống tuổi thanh xuân.

Tính đến năm 2015, làng Thạch Quang có:

  • 80% đường giao thông được bê tông hóa
  • 90% số hộ có nhà xây mái ngói
  • 100% hộ sử dụng điện thắp sáng
  • 90% hộ có phương tiện nghe nhìn
  • 95% số hộ trong làng được công nhận Gia đình văn hóa
  • 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
  • Thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm.

 


  • 24/08/2016 02:15
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1698