Ông Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.
|
Phóng viên (PV): Năm 2021, các hoạt động của Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn trực thuộc được đặt trong bối cảnh đặc biệt như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Hùng: Năm 2021 là năm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại mà tâm điểm là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động bắt đầu được thực hiện như: Bộ Luật lao động, các nghị định của Chính phủ về tiền lương, việc làm, quan hệ lao động... đã đặt ra những thách thức, đổi mới trong việc triển khai các hoạt động của tổ chức Công đoàn trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, hoạt động công đoàn và điều kiện làm việc của người lao động vẫn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Nhiều hoạt động công đoàn phải trì hoãn, điều chỉnh; người lao động phải làm việc trong điều kiện hạn chế di chuyển, cách ly, trực vận hành “3 tại chỗ”; số người nhiễm bệnh phải điều trị, cách ly không thể tham gia lao động, sản xuất tăng... ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh, hoạt động công đoàn và người lao động.
Ngoài ra, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đã và đang tạo ra thách thức về tăng năng suất lao động, về nâng cao trình độ chuyên môn đối với mỗi CBCNV trong Tập đoàn để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mới đã và đang mang lại những áp lực riêng đối với từng tập thể, cá nhân người lao động trong EVN.
Công đoàn Điện lực Việt Nam (Công đoàn ĐLVN) nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình là phải phối hợp tốt với chuyên môn động viên người lao động nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các hoạt động quan tâm, chăm lo, động viên, hỗ trợ để người lao động hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 đã được đẩy mạnh thực hiện hơn bao giờ hết, và đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn các cấp trong năm qua.
PV: Trong bối cảnh đó, xin ông cho biết, các hoạt động công đoàn năm qua đã thu được những kết quả nổi bật nào?
Ông Đỗ Đức Hùng: Nhìn tổng thể, năm 2021, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trên tất cả các mặt công tác. Trong đó nổi bật là việc phối hợp, đồng hành cùng chuyên môn động viên người lao động vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh; quan tâm, chăm lo đời sống, việc làm, kịp thời động viên tinh thần người lao động, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ cho hàng nghìn lượt cán bộ CNVCLĐ ốm đau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây mới và sửa chữa 40 “Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên công đoàn. Đặc biệt, trong các đợt bùng phát dịch, Công đoàn các cấp đã hỗ trợ kịp thời cho cán bộ công đoàn, đoàn viên trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch...
Bên cạnh đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động; phối hợp với Tổng giám đốc Tập đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 với 37 điểm có lợi cho người lao động.
Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận thuốc men, thiết bị y tế cấp bách được EVN, Công đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ. Ảnh: ĐVCC.
|
PV: Để có thể hiểu được tâm tư, những khó khăn của đoàn viên, người lao động, trong năm qua Công đoàn Điện lực Việt Nam có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Hùng: Để chủ động nắm bắt các tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của đoàn viên bằng nhiều hình thức, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã thành lập đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội để da dạng hóa các kênh thông tin, nắm bắt nhanh tình hình, đồng thời cũng là kênh thông tin khách quan, độc lập tương đối so với các kênh thông tin truyền thống về tình hình, dư luận trong công nhân, lao động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong hoạt động công đoàn cũng được triển khai kịp thời, đảm bảo duy trì các hoạt động thường xuyên trong tình hình dịch bệnh, làm việc từ xa.
Trên cơ sở bám sát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, Công đoàn các cấp đã phối hợp cùng chuyên môn tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến NLĐ, như đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế tiền lương cho người lao động của ngành Điện có tính đến cơ chế đặc thù gắn với công việc và kết quả thực hiện công việc, nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động; Xây dựng quy định về thời giờ làm việc cho người lao động việc có tính chất đặc biệt…
Ngoài ra, Công đoàn ĐLVN đã chỉ đạo công đoàn các cấp tăng cường công tác chăm lo đời sống, tinh thần, động viên NLĐ thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh ổn định; hỗ trợ người lao động bị nhiễm và phải điều trị COVID-19; hỗ trợ trường hợp là F0 tử vong. Theo quy định mức hỗ trợ F0 tử vong là 20 triệu đồng/người, tuy nhiên Công đoàn đã đề xuất chuyên môn và được chấp thuận nâng mức hỗ trợ lên 50 triệu đồng/người; đề xuất tăng suất ăn cho người lao động trực đảm bảo điện phòng, chống dịch từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/ngày… Ngoài hỗ trợ bằng tiền, các cấp công đoàn cùng chuyên môn đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế, thuốc điều trị bệnh cho các đơn vị phía Nam từ nguồn Quỹ COVID-19 của EVN chuyển vào miền Nam phân phối cho các đơn vị theo nhu cầu sử dụng.
Không chỉ về phía Công đoàn ĐLVN mà các cấp công đoàn đều có những hoạt động thiết thực chăm lo, hỗ trợ CBCNV. Các hoạt động sáng tạo tại các đơn vị như: bếp ăn từ thiện, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu; đội xung kích tiếp ứng cho người lao động cách ly, các hoạt động chung tay đóng góp quỹ Vắc xin phòng, chống COVID -19 của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động... đã thể hiện rõ trách nhiệm và tinh thần đoàn kết chia sẻ của đoàn viên, người lao động ngành Điện để “không ai ở lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch.
PV: Năm 2022, Công đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến sẽ tập trung vào những hoạt động nào khi dịch bệnh COVID-19 được dự báo vẫn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của EVN?
Ông Đỗ Đức Hùng: Từ kết quả đạt được và những hạn chế năm 2021, Công đoàn ĐLVN xác định phương hướng, mục tiêu năm 2022 vẫn sẽ tập trung vào việc động viên NLĐ; đồng hành cùng chuyên môn, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của nhân dân trên tinh thần: Thích ứng an toàn trước mọi diễn biến của bệnh dịch, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch và cách thức hoạt động công đoàn để đảm bảo hiệu quả cao nhất; thực hiện linh hoạt các hoạt động chăm lo cho người lao động, đặc biệt là NLĐ vùng sâu, vùng xa, lao động nữ, NLĐ trên các công trình trọng điểm, NLĐ đang khắc phục bão lũ, thiên tai...
Bên cạnh đó, Công đoàn ĐLVN cũng sẽ tập trung nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Chủ đề năm 2022 của Công đoàn ĐLVN: “Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn”, chuẩn bị nguồn cán bộ cho Đại hội công đoàn các cấp và hoàn thành toàn bộ 14 chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2018 - 2023 trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được Tổng liên đoàn giao trong năm 2022.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 đã dành:
- 21,979 tỷ đồng để chăm lo thường xuyên toàn ngành.
- 4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19
- 74,46 tỷ đồng chăm lo cho tập thể, cá nhân CBCNV ngành Điện bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh COVID-19.
- 44,087 tỉ đồng hỗ trợ 1.269 đoàn viên, người lao động là F0, F1, F2, cách ly y tế tại nhà, lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.
- Hỗ trợ 7.145 túi thuốc phòng, chống và hỗ trợ điều trị COVID-19; 2.795 máy kẹp đo nồng độ ôxy và 11.690 bộ kít test nhanh; 360 máy khí dung và thuốc điều trị bệnh cho các đơn vị phía Nam.
|