Nghề của mẹ tôi

Công tác trong ngành Điện từ năm 1967 tại tổ Kiểm định công tơ thuộc Chi nhánh điện Hải Dương (nay là Công ty Điện lực Hải Dương), mẹ tôi chia sẻ sở dĩ mẹ chọn công việc này vì khi còn nhỏ được nhìn mấy cô chú công nhân tay cầm kìm, vít, đồng hồ bấm giây, làm việc tỉ mỉ, chính xác để cân chỉnh công tơ, mẹ rất thích và ao ước sau này mình cũng sẽ làm công việc như vậy.

Công tác kiểm định công tơ những năm 90 của thế kỷ 20

Năm 1976, cả nhà tôi chuyển về Bình Định - quê hương của bố. Mẹ vào làm việc ở Sở Điện lực Nghĩa Bình - nay là Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) cho đến ngày nghỉ hưu. Vào thời đó, phần lớn công tơ sử dụng để đo đếm điện là công tơ cơ khí. Nghề kiểm định công tơ lúc đó bao gồm cả vệ sinh, bảo dưỡng và sửa chữa công tơ, đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại, cẩn thận khéo léo, phải bảo đảm độ chính xác, đúng quy định để làm “cái cân” chính xác giữa bên mua và bên bán điện, sai số ± 2% lượng điện năng bán ra hay sử dụng đều gây thiệt hại cho người bán, người mua và đều do người kiểm định công tơ quyết định qua việc điều chỉnh những phụ kiện của công tơ.

Ngoài ra, người kiểm định viên phải có hiểu biết về an toàn điện vì tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện hạ thế, khả năng gây chạm chập, do vậy số lượng người làm nghề này không nhiều. Công nhân kiểm định luôn được kiểm tra và nâng cao tay nghề, thiết bị kiểm định lúc bấy giờ tùy theo từng loại mà có các thiết bị đi kèm như Wattmeter, đồng hồ bấm giây, máy biến dòng (TI), máy biến điện áp (TU) sau này dùng công tơ mẫu để kiểm định.

Thời điểm đó, tổ kiểm định của mẹ chịu trách nhiệm cung cấp công tơ định kỳ đảm bảo chất lượng cho cả đơn vị, một khối lượng công việc lớn, nhưng bằng tình yêu nghề, sự nỗ lực của bản thân, mẹ cùng các cô chú trong tổ luôn hết mình trong công việc để hoàn thành tốt công việc được giao. Mặc dù yêu cầu công việc ngày càng cao nhưng mẹ cùng đồng nghiệp trong tổ đã đảm bảo sự chuẩn xác, đúng số lượng công tơ cho công tác định kỳ cũng như lắp mới cho khách hàng. 

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc thay thế dần các bàn kiểm công tơ thế hệ cũ bằng các bàn kiểm công tơ kỹ thuật số với độ chính xác cao, nhiều tính năng, tiện ích, đòi hỏi mẹ và các thành viên trong tổ phải tự học hỏi để thích nghi. Với sự đam mê nhiệt huyết, cùng với đức tính cần cù, siêng năng, mẹ đã tiếp thu tốt những cải tiến công nghệ và luôn hướng dẫn tận tình, là tấm gương cho các lớp kiểm định viên sau này.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi không còn công tơ cơ khí cũng là lúc nghề sửa chữa, kiểm định công tơ cũng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Mẹ thường dạy chúng tôi, mỗi công việc đều mang lại cho chúng ta niềm đam mê và hạnh phúc trong cuộc sống nếu ta biết trân trọng và có tình yêu, trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình. Mẹ luôn cảm thấy vui và hạnh phúc khi kể về những ngày tháng công tác đã qua. Mẹ đã hoàn thành được ước mơ của mình và đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào thành công chung của ngành Điện ngày hôm nay.


  • 24/06/2019 03:45
  • Thu Hà
  • 1271