Năm 2000, ngôi nhà đầu tiên trong Làng Điện lực Sóc Trăng được khánh thành. Hơn 20 năm qua, với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Công đoàn Công ty Điện lực Sóc Trăng đã lập được 1 ngôi làng, 2 thôn và 5 khu đất đang chờ hoàn thiện hạ tầng, tạo ra gần 300 chỗ ở ổn định cho đoàn viên, công nhân lao động.
Anh em góp sức, công đoàn tặng tiền
“Hôm em làm nhà, gặp trúng mùa mưa, nhân công không có, Công ty, công đoàn đưa anh em xuống phụ giúp. Cập rập vậy rồi cũng xong. Đó là cái Tết đầu tiên, sau gần chục năm ở trọ, gia đình em được ăn Tết trong căn nhà của riêng mình” - anh Đinh Văn Toàn (34 tuổi, công tác tại Điện lực Cù Lao Dung được 13 năm) giọng rưng rưng kể. Rót nước mời khách trong căn nhà mới, anh cười, khuôn mặt hiền lành: “Nhiều lúc nghĩ dại, lỡ công đoàn hổng hỗ trợ, vợ chồng em không biết đến bao giờ mới có được căn nhà”.
Căn nhà mới của vợ chồng anh Toàn nằm ở vị trí số 2 trong 24 lô đất của thôn Điện lực Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), có diện tích 100 mét vuông, sân trước, sân sau, thoáng mát, rộng rãi. Gần chục năm thấm thía cảnh cả gia đình 4 người phải nhiều lần chuyển chỗ trọ nên khi công đoàn thông báo triển khai thôn Điện lực, anh là người đăng ký đầu tiên. Anh Toàn bộc bạch: Đăng ký xong thì sợ lỡ đâu mình được giao đất! Bởi nếu được giao, không biết lấy tiền đâu mà xây nhà.
Anh Khoa, anh Đẹt, anh Toàn - 3 chủ nhà trong thôn Điện lực Cù Lao Dung
|
May mắn đến với anh lần nữa khi anh được công đoàn trao tặng “Mái ấm công đoàn”. Anh gãi đầu, cười cười: "13 năm làm công nhân ở đội bảo dưỡng, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo đánh giá tốt.
Cứ nghĩ là công việc của mình thì mình phải làm cho tốt, đâu ai nghĩ một ngày chính điều đó đã giúp tôi có được “Mái ấm công đoàn” với số tiền được trao đến 60 triệu đồng. Có vốn ban đầu, vợ chồng tôi mạnh dạn đi mượn anh em, vay ngân hàng.
Cơ quan bảo lãnh cho tôi đi vay, hằng tháng trích lương trả dần. Còn số tiền hạ tầng 25 triệu đồng khi nhận đất, công đoàn giảm cho tôi 50%, số tiền còn lại, tôi đóng trong vòng 2 năm. Nhiều lúc nghĩ lại cứ tưởng mình mơ”.
Sát vách nhà anh Toàn là căn nhà mới còn phảng phất mùi sơn của gia đình anh Lê Trọng Khoa. Anh Khoa có thâm niên gần chục năm ở Điện lực Cù Lao Dung. Nói chuyện nhà, anh Khoa hào hứng góp chuyện: “Căn nhà của em cất đúng 198 triệu đồng.
Cất nhà xong là hết sạch tiền, bàn ghế, đồ dùng em chưa sắm sửa gì cả nhưng với vợ chồng em như vậy là quá vui rồi. Vợ em vừa sinh con được mấy tháng, có căn nhà mới, cao ráo, thoáng mát vào ở ngay. Em quê Trà Vinh, vợ quê Kiên Giang, cục đất chọi chim ở Cù Lao Dung cũng không có, nếu không có đất của công đoàn, không chừng giờ này vợ chồng em còn bế con đi tìm nhà trọ”.
Cũng sắp sửa chia tay đời ở trọ, anh Lưu Quốc Nhiệm - nhân viên Điện lực Kế Sách - mấy hôm nay lòng dạ cứ chộn rộn. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh chạy qua công trình ở thôn Điện lực Kế Sách xem vách nhà mình đã lên đến đâu.
Từ Trà Vinh, anh Nhiệm đến Sóc Trăng lập nghiệp, được Công ty Điện lực Sóc Trăng tiếp nhận và phân công về Điện lực Kế Sách. 15 năm gắn bó với Kế Sách, lập gia đình, sinh con, với anh, Sóc Trăng trở thành quê hương thứ hai của mình.
Đưa tay lau mồ hôi đang túa ra trên mặt, anh kể: “Hồi còn độc thân, mình ở sao cũng được nhưng khi có vợ, có con rồi, nay đây mai đó chuyển chỗ trọ, ảnh hưởng đến chuyện học hành của con, lòng dạ mình không yên.
Có an cư mới lạc nghiệp thế nhưng làm bao nhiêu cũng chỉ đủ dành cho hai đứa con, mãi mà không mua được miếng đất. Năm rồi tôi được công đoàn xét cấp cho miếng đất 100 mét vuông và 60 triệu đồng “Mái ấm công đoàn”. Vợ chồng tôi vay mượn thêm, cất cái nhà. Xem như giấc mơ an cư đã thành”.
Dùng nhà để giữ chân công nhân
Để có được làng Điện lực Sóc Trăng, thôn Điện lực Cù Lao Dung, thôn Điện lực Kế Sách với gần 200 hộ gia đình sinh sống và sắp tới là 5 thôn ở Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, đó là cả một quá trình cố gắng không ngừng của Công đoàn, Ban giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng và sự hỗ trợ của Tổng công ty Điện lực miền Nam.
“Nếu cái nền này mà em tự bỏ tiền ra mua, giá thấp nhất là 100 triệu đồng, có công đoàn hỗ trợ, chi phí em bỏ ra chỉ hơn chục triệu mà lại được trả dần trong 2 năm. Không những thế, em cũng không tốn chi phí thiết kế nhà cửa vì công đoàn đã thuê thiết kế chung, tụi em cứ thế làm theo” - anh Toàn phấn khởi khi nói về căn nhà của mình.
Lý giải về giá đất rẻ đến vô cùng này, ông Phạm Nguyễn Minh Châu - Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Sóc Trăng - chia sẻ: Kinh phí ban đầu bỏ ra mua đất, làm hạ tầng được công đoàn vay từ Quỹ phúc lợi doanh nghiệp, Tổng công ty Điện lực miền Nam hỗ trợ thêm.
Sau đó, số tiền được chia đều, các hộ gia đình nhận đất, xây nhà, một năm sau trả lại cho công đoàn, công đoàn hoàn trả cho quỹ phúc lợi. Tất cả các khu đất mà Công đoàn Công ty Điện lực Sóc Trăng mua đều là đất nông nghiệp nên giá rất rẻ. Công đoàn xét quy hoạch rồi làm việc với tỉnh, xin lên thổ cư, tách thửa. Sau đó công đoàn bỏ kinh phí ra làm hạ tầng như đường, điện, nước, hệ thống cống… Hoàn thiện rồi thì giao lại cho anh chị em đoàn viên, công nhân lao động có nhu cầu.
Nghe qua thì đơn giản nhưng chỉ khi bắt tay vào làm mới thấy “chằn ăn trăn quấn”. Thế nên khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rộng ra là cả nước, chỉ có mỗi Điện lực Sóc Trăng chịu khó tìm đất cho công nhân hơn 20 năm qua.
Nhiều đơn vị cũng sang học hỏi cách làm nhưng được thời gian thấy rắc rối quá nên dẹp. Bởi đất nông nghiệp đều là đất trũng, muốn cất được nhà phải bơm cát, san lấp mặt bằng. Đường sá không có, đơn vị phải bỏ kinh phí ra làm đường bêtông. Ví như làng Điện Sóc Trăng, cách đây hơn 20 năm, khi xin lên thổ cư, tỉnh hứa sẽ làm cho con đường, chờ hoài không thấy, thế là đơn vị phải bỏ tiền ra… tự xử!
Nói về quãng thời gian hơn 20 năm đi tìm đất xây nhà cho công nhân, ông Phạm Nguyễn Minh Châu với một giọng chậm rãi, từ tốn bày tỏ: “Tuy vất vả một chút nhưng suy đi tính lại thì Công ty được lợi rất nhiều thứ, mà cái lợi nhất là giữ được chân người lao động ở lại với Công ty”.
Cách đây 20 năm, Sóc Trăng là một trong những địa phương không thu hút được nhân lực. Người ở tỉnh thì thi nhau ra đi, người ở nơi khác thì e ngại không đến. Giáo dục đào tạo nghề ở địa phương chưa đào tạo được đội ngũ lao động để phục vụ phát triển kinh tế cho tỉnh, ngành Điện cũng không ngoại lệ.
Giải thích cho tên gọi “Làng Điện lực”, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng nói: “Khi bắt đầu, chúng tôi nghĩ nhiều đến tên gọi, có người đề xuất là “Khu tập thể nhà ở công nhân ngành Điện” hoặc “Khu dân cư ngành Điện”… cuối cùng chúng tôi chọn gọi “Làng Điện lực” lấy ý nghĩa từ thành ngữ “tình làng nghĩa xóm”. Đó cũng là một lời nhắc nhở đối với tất cả anh em, “Làng Điện lực” được thành lập, kinh phí ban đầu trích từ quỹ phúc lợi, chính là tiền đóng góp của tất cả anh em trong Công ty, mọi người đồng lòng chịu thiệt khi ít đi du lịch, bớt ăn, bớt chơi để kinh phí cho công đoàn vay “lập làng, lập xóm”, cho nên khi đã sống trong “Làng”, anh chị em công nhân, người lao động luôn yêu thương nhau và gắn bó lâu dài với ngành Điện”.