Lowell Wood - người đã “phá kỷ lục” của Thomas Edison về số bằng phát minh, sáng chế. Ảnh: Internet
|
Vượt qua Edison
Chiếc xe Toyota 4Runner màu nâu đời 1996, đậu bên ngoài tòa nhà văn phòng của Lowell Wood tại Bellevue, Washington. Nó đã chạy trên 300.000 dặm. Ở hàng ghế sau, hàng lô lốc những túi chứa đủ thứ đồ lỉnh kỉnh được để khá bừa bộn.
Thót bụng ngồi vào sau vô lăng, Wood lấy gậy dọn bớt giấy tờ, túi đồ ở hàng ghế trước để lấy chỗ ngồi cho khách. “Nó gần như là chiếc xe chỉ dành cho 1 người thôi” - Lowell Wood nói khi tôi (phóng viên Bloomberg) đi nhờ về khách sạn.
Trong xe có mùi giống như thức ăn của thú cưng. Wood vặn chìa khóa và loay hoay mất nửa phút mới có thể nổ máy. Khi chúng tôi lên đường, tôi hỏi liệu tất cả những thứ nhồi nhét trong xe có phải là do sở thích của ông không. “Không, tôi không có thời gian dọn dẹp chúng”, Wood nói. Ông đã mất quá nhiều thời gian cho việc... phát minh ra giải pháp cho các vấn đề của thế giới.
Ý tưởng - những ý tưởng thực sự lớn, cứ “bắn phá” tâm trí của ông. “Nó giống như những cơn mưa rừng. Cứ vào mỗi buổi chiều, chúng lại đến.”
Vào tuổi 74, ông hiện đang là nhà phát minh tầm cỡ nhất thế giới, làm việc cho Intellectual Ventures (IV), một công ty nghiên cứu công nghệ và bằng sáng chế, trong khoảng một thập kỷ qua.
Ông được trả tiền để suy nghĩ và phối hợp với các nhóm nhà khoa học quốc tế để phát triển các sản phẩm như mũ bảo hiểm chống chấn động, hệ thống bảo quản thuốc, lò phản ứng hạt nhân hiệu suất cao... Tóm lại lĩnh vực nghiên cứu của ông là bất cứ thứ gì có thể giải quyết các nhu cầu cấp bách của con người.
Ông là một nhà thiên văn học, một nhà sinh vật (tự học) và một chuyên gia máy tính. Vài tháng trước, ông trở thành người có nhiều phát minh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Nhà bác học Thomas Alva Edison có bằng sáng chế cuối cùng của mình vào ngày 16/5/1933. Phát minh thú vị nhất của Edison là hiện tượng điện phân. Năm 1869, Edison được cấp những bằng sáng chế đột phá trong lĩnh vực truyền thông, phim ảnh, ánh sáng, và phân phối điện. Đến cuối sự nghiệp của mình, ông trở thành người nổi tiếng thế giới với 1.084 bằng sáng chế, là người Mỹ có nhiều bằng sáng chế nhất trong lịch sử.
Kỷ lục này được giữ vững cho tới ngày 7/7/2015, sau khi khi Lowell Wood nhận được bằng sáng chế mới nhất cho “hệ thống hỗ trợ y tế”. Đây là thiết bị có thể kết hợp các dụng cụ y tế với khả năng truyền dữ liệu, hình ảnh video, cho phép bệnh nhân có thể rời bệnh viện, sử dụng máy ở nhà mà bác sĩ vẫn theo dõi được tình trạng sức khỏe của họ. Đây cũng là bằng sáng chế thứ 1.085 của ông.
Đáng chú ý, Wood có hơn 3.000 sáng chế khác đang chờ Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ xem xét. Ông có khả năng sẽ vẫn giữ vững vị trí số 1 là người nhiều ý tưởng nhất nước Mỹ trong nhiều năm tới.
Công việc của Wood tại Công ty IV gồm các dự án như máy cạo râu chạy laser, lò vi ba có thể tùy chỉnh công suất cho từng cá thể trên đĩa, để thịt, rau, tinh bột có thể ra khỏi lò với cùng nhiệt độ. Ông cũng đang nghiên cứu máy sấy quần áo, hệ thống tự động chống va đụng cho xe hơi, và thiết bị bảo quản vaccin.
Đọc sách là bí quyết
Wood kể, ông lớn lên ở miền Nam California và có thành tích học tập không tốt ở thời phổ thông. Ông thường trượt hoặc là người đạt điểm thấp nhất trong các kỳ thi. Tình hình chỉ cải thiện với sự lặp lại và nỗ lực mãnh liệt sau đó. Ông bỏ qua một vài lớp và theo học Đại học California ở Los Angeles (UCLA) ở tuổi 16. Người có điểm số tồi tệ nhất vào kỳ thi đầu tiên một lần nữa chính là Wood.
Wood đã có bằng hóa học và toán học từ UCLA, sau đó là bằng tiến sĩ vật lý thiên văn. Vào năm 1972, ông đã được nhận vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, nơi ông được bảo trợ bởi Edward Teller, nhà vật lý lý thuyết và cha đẻ của bom hydrogen.
Wood làm nhiều dự án khác nhau, từ tàu vũ trụ đến việc sử dụng tia gamma để đánh dấu ẩn trên vật thể, sau đó là dự án Star Wars, tên gọi chính thức là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược. Wood đã thúc đẩy một nhóm các nhà khoa học xây dựng một hệ thống vũ khí có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo liên lục địa bay vào ban đêm.
Năm 2006, sau bốn thập kỷ làm việc cho chính phủ, Wood nghỉ hưu để trở thành nhà phát minh toàn thời gian. Ông gặp Nathan Myhrvold, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành IV, cựu Giám đốc kỹ thuật tại Microsoft. Hai người đã kết bạn và Myhrvold mời Wood tham gia IV. Myhrvold cũng giới thiệu Wood cho Bill Gates. Giờ đây, họ thường xuyên gặp gỡ để cùng trao đổi và suy nghĩ công việc.
Wood là người “giải câu đố” cho nhiều dự án nhân đạo của Gates. “Bất cứ khi nào có một câu hỏi khoa học tôi cần phải hiểu rõ hơn, thì Wood là người đầu tiên tôi tìm đến”, Gates nói. “Nếu anh không biết câu trả lời, mà hiếm khi xảy ra, tôi chắc chắn anh ta có thể tìm ra nó”.
Wood lý giải về khả năng của mình là do ông đọc nhiều, rất nhiều. Thói quen này có từ 50 năm trước. “Tôi đi nghe bài giảng của Linus Pauling khi còn là sinh viên. Sau đó tôi đợi đến khi mọi người về hết mới lên thực lòng hỏi ông, làm sao có thể có nhiều ý tưởng tuyệt vời đến vậy. Pauling đáp: “Không có gì cả, bạn chỉ cần đọc và nhớ những gì đã đọc”.
Rất nhiều ý tưởng tốt nhất của Wood được đưa ra trong những buổi gặp hàng tháng tại Công ty IV, nơi Wood, Myhrvold, Gates, và những người khác tụ tập trong một căn phòng và “động não” nhiều giờ. Luật sư cùng các trợ lý của họ ngồi ở xa và ghi chép.
Một trong những dự án mà IV hợp tác với Quỹ từ thiện Gates Foundation là trong cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm: Làm sao bảo quản vaccin. Vaccin sẽ trở nên không hiệu quả trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là vấn đề lớn trong vận chuyển dược phẩm ở các khu vực kém phát triển. Wood và Myhrvold chế tạo ra một thiết bị có khả năng duy trì nhiệt độ ổn định trong một tháng hoặc hơn so với chỉ vài ngày mà những dụng cụ làm lạnh vaccin hiện hành có thể làm.
“Khoảng một phần ba các loại vaccin ở các nước đang phát triển có vấn đề, bởi vì chúng được lưu trữ ở nhiệt độ sai”, Wood nói. “Thách thức là làm sao vận chuyển vaccin tới các túp lều tồi tệ nhất ở châu Phi, Bangladesh hay vùng nông thôn Pakistan...”.
Ông cho biết: “Bill Gates và tôi chia sẻ quan điểm chung rằng vaccin là phát minh gần gũi nhất với những kỳ diệu từ công nghệ con người. Chỉ cần chích ngừa hoặc uống thuốc, bạn có thể miễn dịch một bệnh nào đó mãi mãi”.
Nathan Myhrvold nhận xét: “Ít nhất một nửa hoạt động của ông, có thể nhiều hơn, là để giúp đỡ những người ít may mắn nhất trên trái đất”.