Tai họa bất ngờ…
Chúng tôi theo chân đoàn công tác của Công đoàn Công ty Điện lực Yên Bái đến thăm gia đình anh Dương Hoài Sơn tại tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hiện nay, anh chị và 2 con đang sống tạm ở nhà cha mẹ của anh Sơn. Tai họa đã ập đến khi vợ chồng anh còn chưa kịp cất cho mình một mái nhà riêng. Đến nay sau 8 năm anh phải nằm liệt giường, giấc mơ về ngôi nhà ngày càng trở nên xa vời.
Đã gần 3.000 ngày trôi qua, nhưng chị Phạm Thị Thu, vợ anh Sơn, vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại tai nạn kinh hoàng đã xảy ra với chồng mình. Chị nhớ đó là ngày 8/3/2004. Người vợ hiền thảo ấy đã chết lặng cả người khi nhận được hung tin: Chồng chị bị ngã từ độ cao hơn 14m trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Hồi đó, anh Sơn công tác ở Chi nhánh điện Mù Căng Chải, xa nhà đến hơn 100 cây số. Tất cả những gì chị Thu còn có thể suy nghĩ được là chỉ cần anh giữ được tính mạng thì bao nhiêu gian nan, cực khổ chị cũng cam lòng.
Tai họa bất ngờ đổ xuống khiến người đàn ông cao lớn, vạm vỡ là thế bỗng chốc trở nên yếu ớt hơn cả đứa trẻ. Gần 8 năm nay, cuộc sống của anh chỉ tồn tại trong căn phòng nhỏ chừng 4m2 và chiếc giường đơn này. Anh cũng chẳng thể tự điều khiển cơ thể mình. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày của anh đều cần một tay chị lo toan. Đồng nghiệp từ công ty xuống thăm, anh Sơn khóc. Chị Thu cũng vội vàng quay đi để lau nhanh những giọt nước mắt cũng đang lăn dài,…
8 năm nay, mọi việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày của anh Sơn đều cần chị Thu lo liệu...
|
… đẩy gánh nặng lên vai người vợ hiền
Cha mẹ của anh Sơn đều đã bước sang độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, nay ốm mai đau, nên mọi việc trong gia đình chủ yếu đều do một tay chị Thu lo liệu. Trước đây, anh là trụ cột của gia đình với đồng lương của người công nhân vận hành, nay anh không còn khả năng lao động, các con thì đang tuổi ăn tuổi học, vì thế hoàn cảnh gia đình vốn đã không khá giả gì lại càng khó khăn hơn.
Sau khi anh gặp nạn, chị Thu được Công ty Điên lực Yên Bái bố trí vào làm nhân viên phụ kho của Điện lực Yên Bình. Dù là lao động chân tay, nhưng chị cũng đã có một nguồn thu nhập ổn định (dẫu còn ít ỏi) để có tiền chạy chữa cho chồng và cho con đi học.
Hàng ngày, chị cứ tất bật như con thoi. Tranh thủ lúc nghỉ giữa ca, giữa buổi, chị chạy về lo cơm nước cho cả gia đình và chăm sóc anh nên bản thân cũng chẳng mấy khi có thời giờ nghỉ ngơi. Mẹ anh Sơn, bà Nguyễn Thị Liên, hết lời khen ngợi người con dâu hiếu thảo: “Con trai tôi số phận không may, nhưng có được một người vợ chung thủy, tận tụy với chồng con như chị Thu nên chúng tôi cũng được an lòng”.
Thời gian gần đây, sức khỏe của anh Sơn đang xấu đi. Mẹ anh Sơn vừa khóc vừa cho biết, mấy hôm nay anh phải truyền đạm vì không ăn uống được, sự sống cứ cầm cự, lay lắt, được ngày nào hay ngày đó.
Chi phí điều trị của anh cũng rất tốn kém. Cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là cả gia đình lại “tổng động viên” lương hưu của ông bà, lương tháng của vợ,… để đưa anh đi chữa. Thế nhưng tất cả vẫn chỉ như muối bỏ bể. Chị Thu cho biết vừa rồi cũng mới đưa anh đi bó thuốc nam, thuốc lá, mỗi lần hết cả chục triệu, nhưng cũng không thấy tình trạng của anh được cải thiện hơn.
Nguồn an ủi của gia đình hiện nay là cậu con trai đầu của anh chị, sau khi học xong trung cấp nghề cũng đã được Công ty tạo điều kiện vào làm việc ở Điện lực Nghĩa Lộ. Còn cậu thứ hai mới đang học cấp 2 cũng rất ngoan và chăm học.
Khi anh bị tai nạn, Công ty và đơn vị đã tạo mọi điều kiện đưa anh xuống các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Quân y 103, Xanh-pôn, Việt Đức,… thăm khám và chữa trị. Mẹ anh Sơn cho biết, gia đình chỉ còn một nguyện vọng cuối cùng là đưa anh sang Trung Quốc với mong mỏi sự phát triển của y học ở nước bạn có thể mang đến cho anh một niềm hy vọng mới. Thế nhưng với đồng lương của chị Thu, nguyện vọng ấy thật khó trở thành hiện thực nếu không có sự chung tay sẻ chia, đóng góp của bạn đọc, đồng nghiệp và cộng đồng.
Mọi sự trợ giúp xin gửi về:
Chị Phạm Thị Thu
Tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Số điện thoại: 0972 572 174 |