Mong ước của các chị là chăm lo cho con cái được học hành - Ảnh: Xuân Tiến.
|
“So găng” với bê tông, sắt thép
Công trường Thủy điện Lai Châu những ngày tháng 3/2014 hanh heo trong cái nắng gay gắt khó chịu. . Giữa dòng xe, máy thi công ầm ầm ngược xuôi… tôi bắt gặp chị Trần Thị Hồng Nhung (34 tuổi), công nhân Chi nhánh Sông Đà 7.5 (Công ty Cổ phần Sông Đà 7). “Quê tôi ở Thái Nguyên, cả hai vợ chồng làm ở Nhà máy Thủy điện Sơn La từ năm 2005. Năm 2011, vợ chồng tôi lại lên Thủy điện Lai Châu”- đưa bàn tay lau nhưng giọt mồ hôi trên trán, chị Nhung chia sẻ.
Chị Nhung cho biết thêm, phụ nữ làm việc trên công trường thường được “ưu tiên,” hơn, phần lớn chị em chỉ làm một ngày 8 tiếng thôi, không tăng ca, tăng kíp vì ở đây khi trời nắng thì như nứt núi mà mưa thì mòn cả đá, đường sá đi lại khó khăn, khắc nghiệt hơn ở Thủy điện Sơn La. Niềm an ủi lớn nhất đối với các chị em trên công trường chính là được Lãnh đạo đơn vị bố trí những công việc vừa sức hơn, không phải làm những công việc nặng nhọc như ghép cốp pha, khuân vác sắt thép... “Nhiều năm ngược xuôi các công trường với những công việc được giao như dọn nền, bảo dưỡng cốp pha, đục xờm bê tông, xả ben khi đổ bê tông sàn… chị em chúng tôi đều đã quen. Xa gia đình nhưng bù lại công việc ổn định đã tạo điều kiện cho các con ở quê học hành, vì vậy mấy chị em trong đội bảo ban nhau cố gắng làm việc thật tốt”, chị Nhung thổ lộ.
Ông Mai Đức Chính – Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đối với các lao động nữ trên công trường Thủy điện Lai Châu, chúng tôi nhắc nhở các đơn vị sử dụng lao động phải bố trí công việc phù hợp với chị em, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chị em. Chúng tôi không nhận được bất cứ kiến nghị nào của chị em phụ nữ làm việc trên công trường phản ánh về tình trạng lao động vất vả hay quá sức.
Ông Vũ Tiến Lăng – Trưởng Ban - Đại điện Công đoàn Tổng công ty Sông Đà tại Công trình Thủy điện Lai Châu: Trên công trường có khoảng 400 lao động nữ được bố trí những công việc phụ trợ, vừa sức. Hầu hết các chị em lao động trên công trường đều có chồng cũng làm việc tại đây. Chúng tôi bố trí cho họ một phòng riêng, tiện sinh hoạt, quyền lợi của tất cả các chị em ở đây đều được đảm bảo.
Ông Phạm Hồng Phương – Phó giám đốc Ban QLDA Thủy điện Lai Châu: Chị em phụ nữ lao động trên công trường chủ yếu là từ các đơn vị thuộc Tổng công ty Sông Đà. Với vai trò là chủ đầu tư, chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý lao động trên công trường phải đặc biệt quan tâm đến chị em phụ nữ nhất là trong các dịp 8/3, 20/10 để động viên, khuyến khích chị em yên tâm làm việc, đóng góp công sức cho công trường.
|
Chị Bùi Thị Vinh (39 tuổi) quê ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa cũng lặn lội lên Lai Châu xa xôi. Tay thoăn thoắt đục xờm bê tông, chị cho biết: Đối với nam giới, công việc này là bình thường, nhưng đối với phụ nữ thì cũng vất vả đôi chút. Hồi đầu chưa quen việc, tay bị sưng tấy lên, những vết chai sần của bàn tay ngày càng dầy lên, nhưng đến nay thì quen rồi. Đứng trên đỉnh đập đang dần hoàn thiện, chị Nguyễn Thị Tươi (37 tuổi, quê huyện Hưng Hà, Thái Bình), công nhân Chi nhánh Sông Đà 9.08 (Công ty Cổ phần Sông Đà 9) đảm trách việc phun sương vào thân đập sau khi đổ bê tông. Khi được hỏi “phận gái” làm trên công trường có gặp khó khăn không, chị cười: “Cũng là công việc chung thôi mà. Kể thì cũng vất vả, phải trèo cao, tiếp xúc nhiều với bê tông, sắt thép, lại phải sống xa gia đình… Điều quan trọng nhất là phải có sức khoẻ, nam nữ đều thế cả, công việc không phân biệt ai hết. Từng gắn bó với Thuỷ điện Sơn La, càng làm việc tôi càng thấy yêu nghề nhiều hơn chứ không thấy vất vả nữa”.
Hướng đến tương lai phía trước
Khi được hỏi lý do tại sao các chị không lựa chọn công việc ở quê, nhẹ nhàng hơn mà lại ở gần gia đình, có điều kiện chăm sóc con cái, chị Tươi thật thà chia sẻ: Trước hết là cũng vì cuộc sống mưu sinh, không chỉ cho mình mà còn cho con. Ngoài ra chị cũng thấy yêu quý công việc này, chị tự hào đã góp phần nhỏ bé cho dòng điện tương lai của Tổ quốc. Là một người sinh ra lớn lên ở nông thôn, chị thấu hiểu cảnh thiếu điện của người nông dân...
Chị Trần Thị Hoa (38 tuổi) ở Nam Định theo chồng lên công trường Thủy điện Lai Châu từ năm 2011 thì chia sẻ: “Cả 2 cháu nhà tôi tuy phải xa bố mẹ nhưng các cháu ý thức việc học lắm, nên năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mình thiệt thòi trước kia không được học hành rồi thì nay mình phải hi sinh cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Tương lai của mình chính là con cái mà”.
Chia tay đại công trường đầy nắng và gió ấy, hình ảnh những người phụ nữ tảo tần sẵn sàng hi sinh tất cả vì gia đình, vì tương lai con em mình đã để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng. Bất giác, một ngày nào đó nếu không có họ thì những công trường thủy điện sẽ buồn biết bao.