"Lão Kỳ" đa tài của Điện lực Đà Lạt

Tôi vẫn hay gọi đùa anh Võ Đắc Kỳ, công tác tại Tổ thu – ghi, Phòng Kinh doanh, Điện lực Đà Lạt (Công ty Điện lực Lâm Đồng) bằng cái tên thân mật: Lão Kỳ. Lão có sự lãng tử của một nghệ sỹ: Hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp và đặc biệt có khiếu ăn nói.

Anh Võ Đắc Kỳ, nhân viên Tổ thu – ghi, Phòng Kinh doanh, Điện lực Đà Lạt (ngoài cùng bên trái)

Chính các yếu tố đó đã làm nên một lão Kỳ khá đặc trưng. Lão trẻ hơn so với tuổi, gần 60 tuổi, hơn 35 năm công tác tại ngành Điện, thế mà làm công tác tuyên truyền tiết kiệm điện ở các trường học, các em học sinh tíu tit gọi lão bằng... anh.

Mà công nhận lão trẻ thật. Lão hiếm khi giận ai và bị ai giận. Hình như lão nhìn cuộc đời này toàn bằng màu hồng, nên khi nào lão cũng vui vẻ. Lão vui - lão cười nên lão trẻ - đó là giải thích của lão về “cái sự trẻ”.

Lão là một “tên đòi nợ” - nói như ngôn ngữ của lão - cực kỳ có nghề. Nhớ "thời EVN Telecom", bao nhiêu người, bao nhiêu doanh nghiệp “rơi" vào tay lão đều phải trả nợ, không thiếu một đồng. Lão tâm sự “mỗi nhà, mỗi kiểu đòi nợ khác nhau”. Lão kể: Có doanh nghiệp nợ gần 100 triệu tiền điện thoại, đòi kiểu gì cũng không trả, lão vác chiếu, ngồi trước cổng doanh nghiệp gần 2 ngày trời. Hỏi lão ngồi làm gì, lão chỉ cười khà: Ngồi đọc báo. Thấy quá chướng tai, gai mắt, ông giám đốc doanh nghiệp nọ đành gọi lão lên trả nợ.

Có khách hàng nọ cứ hẹn hoài, hẹn mãi ngày trả nợ tiền điện. Hôm ấy, lão tới nhà thấy cây ghita trên tường nhà, lão mượn, "làm" liền hai bài hát. Không ngờ thấy lão hát hay quá, “chủ nợ” yêu cầu lão hát thêm 3 bài nữa. Sau khi trả nợ xong, chủ nhà còn thưởng nóng cho lão thêm 2 triệu nữa.

Lão kể, có lần tới đòi nợ của một anh "có chức có quyền" ở một công ty nọ. Không biết đòi bằng cách nào, lão hỏi chủ nhà: "Cái bằng cử nhân của anh là bằng thật hay giả đó?”. Chủ nhà lớn tiếng nói ngay: “Bằng thật chứ sao lại bằng giả được”. Lão Kỳ vặn lại ngay: “Tôi nghĩ hiếm có ai tốt nghiệp cử nhân bằng thật mà lại không trả nợ tiền điện bao giờ”. Chủ nhà nghe thế, chột dạ, vội trả ngay.

Một lần khác khi đi thu ở vùng đồng bào dân tộc, chỉ có mỗi nhà anh này đến 5 - 7 lần mà chẳng thu được. Hôm ấy, lão quyết chờ cho được chủ nhà để đòi nợ mới thôi. Gần trưa mới gặp được chủ nhà. Bước vào nhà, trước mắt lão là người vợ nằm thoi thoi chờ chết vì bệnh nan y, còn ông chồng thì cũng dặt dẹo không kém. Vậy là, bao nhiêu tiền trong túi lão dốc hết cho anh này. Trưa hôm ấy, lão bụng đói ra về.

Mà sao lão Kỳ lại có nhiều tài đến thế. Lão đóng kịch thì hay tuyệt. Lần ấy, Công ty tham gia tuyên truyền, tổ chức hội thi về Luật Bảo hiểm xã hội, lão được giao vai ông bán vé số. Lão tự hóa trang thành ông bán vé số giống đến nỗi khi lão xuất hiện ở hội trường, mấy bác bảo vệ sửng sốt, lo lắng vì sự lơ đễnh của mình. Thế mới thấy lão thành công như thế nào. Đến giờ, lão đang nắm trong tay hơn 20 vai diễn, từ Giải I Hội thi tuyên truyền Sử dụng điện an toàn năm 2000; Giải II Hội thi tuyên truyền Phòng cháy chữa cháy năm 2012, và đặc biệt là vai diễn xuất sắc nhất Hội thi tuyên truyền luật bảo hiểm xã hội năm 2009, 2013. Ở vai diễn nào lão cũng thành công và để lại những dấu ấn, tình cảm đặc biệt cho khán giả.

Phải nói Lão Kỳ vẽ đẹp. Vẽ như nghề tay trái kiếm sống của lão. Hầu hết các phòng trà, khách sạn ở thành phố Đà Lạt đều do lão vẽ. Bức tranh với kích thước lớn nhất (3 x 5m) mà Lão từng vẽ về Thung lũng tình yêu hiện đang được đặt tại Văn phòng Công ty TMHH Thung lũng tình yêu - Đà Lạt.

Hỏi lão sao không theo nghề vẽ, lão cười khì: “Nghề Điện có cái thú vị riêng, mỗi tháng, mỗi khách hàng… đều giúp mình khám phá bản thân cũng như khám phá những điều xung quanh... Tất cả những điều ấy thổi cho mình một luồng sinh khí mới".

 


  • 08/05/2014 08:31
  • Hồ Ngọc Thiên Phương
  • 1499


Gửi nhận xét