Nhớ một thời như thế...

Ngày 1/4 năm nay, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) tròn 17 tuổi. Tuy Công ty không tổ chức lễ trọng, song đến ngày này, trong lòng mỗi cán bộ, công nhân viên chúng tôi lại rạo rực niềm vui, niềm tự hào. Riêng đối với tôi, ngày 1/4 còn là một ngày đáng nhớ, bởi đó là ngày tôi chính thức được nhận về Công ty. Trong giờ phút này, những kỷ niệm về những ngày đầu làm việc lại ùa về.

Tác giả bài viết, anh Tăng Phan Lương, người cán bộ gắn bó với Công ty Điện lực Quảng Nam từ những ngày đầu mới thành lập

Hồi ấy, nhiều thứ còn khó khăn bỡ ngỡ lắm! Khó khăn, nhưng chẳng ai bi quan mà tất cả cùng chung một niềm lạc quan ở tương lai tươi sáng. Theo suy nghĩ của tôi, khi chia tách Điện lực Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) để thành lập Điện lực Đà Nẵng và Điện lực Quảng Nam, tôi thấy phía Quảng Nam nhiệm vụ lớn mà cơ sở vật chất kỹ thuật thì thiếu và yếu, lưới điện, trạm biến áp chỉ bằng 1/5 phía Đà Nẵng, trong khi dân số gấp đôi, số hộ chưa có điện chiếm hơn một nửa.

Rất may, nhờ được Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) tích cực đầu tư, nên chẳng bao lâu sau nhà xưởng, các trang thiết bị phục vụ quản lý, điều hành đều đáp ứng kịp thời nhu cầu công tác, và ngày càng "tịnh tiến". Riêng nguồn và lưới điện do nhu cầu vốn lớn nên đầu tư theo lộ trình.

Đi đôi với việc phát triển lưới điện, bộ máy tổ chức của đơn vị cũng dần ổn định và phát triển, đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ được giao qua từng giai đoạn. Điều đáng nói là chất lượng tay nghề CBCNV, năng lực quản lý vận hành, và nhất là năng suất lao động, đời sống người lao động ngày một nâng cao.

Nhiều anh em làm có thâm niên đều nhớ, những ngày đầu ai cũng lo lắng, vì nghiệp vụ được đào tạo chủ yếu là điện, nhưng phải chuyển “tay lái” sang làm tổ chức, thi đua, tổng hợp, kinh doanh, kế hoạch, cung ứng vật tư…, nên ai cũng phải vừa làm vừa học.

Tôi còn nhớ ngày ấy, máy tính thì người có người không, có những người được trang bị máy thì chưa biết cách sử dụng. Vì thế chúng tôi vẫn thường phải viết báo cáo, soạn công văn, ghi chép dữ liệu trên giấy rồi nhờ đánh máy để lưu giữ chứ chưa thành thạo máy vi tính như bây giờ. Việc làm không xuể, tối về chong đèn làm thêm. Có nhiều báo cáo, công văn phải cặm cụi viết đi, viết lại mấy lần mà vẫn bị các “sếp” gạch đỏ, sửa sai toe toét như thôi thúc chúng tôi phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt công việc.

Tuy nhiên, mỗi ngày qua, dù trong thiếu thốn, gian khổ chúng tôi vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng, bởi lúc ấy chúng tôi có được một đội ngũ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, sáng tạo và một đội ngũ những người lao động có năng lực, đoàn kết, có tinh thần kỷ luật tốt.

Là người được đào tạo bài bản về kinh tế, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng làm kinh doanh thì phải tính đến hiệu quả. Một công ty phải làm ra lợi nhuận thì mới phát triển, còn lỗ thì ắt phải phá sản. Và đã là công ty kinh doanh thì không thể lấy thước đo hiệu quả chính trị, nhân văn, xã hội để tính toán đầu tư. Tuy nhiên, từ lúc về làm trong ngành Điện, tôi nhận thức ra không phải như vậy.

Một lần, tôi được giao nhiệm vụ đi lấy tin, tuyên truyền buổi lễ tổ chức đóng điện tại xã Trà Kót (thuộc huyện Bắc Trà My ngày nay). Lúc ấy, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, tôi ngẩn người ra vì việc bỏ vốn đầu tư kéo điện cho Trà Kót phải mất 150 năm mới thu hồi được vốn, dù thu về toàn bộ tiền bán điện, không tính đến chi phí lao động, quản lý, khấu hao,... Tôi đã viết một bài báo tựa đề “Cần có cơ chế cho kinh doanh, phục vụ điện miền núi”.

Tôi đặt câu hỏi: Ngành Điện và địa phương đã bỏ ra một lượng tiền quá lớn để đưa điện về miền núi, thì vài chục năm sau, các công trình này cũng sẽ hư hỏng, không biết lấy tiền đâu ra mà thay thế? Nếu tính lỗ thì nhan nhản khắp nơi trên địa bàn Quảng Nam, nhiều công trình đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng mỗi năm chỉ bán được vài trăm nghìn kWh điện. Và nếu dùng toàn bộ số tiền bán điện để trang trải thì cũng chỉ trả được lãi vay ngân hàng. Cho đến tận bây giờ, việc kinh doanh điện miền núi vẫn còn nhiều áp lực, nếu không có được bước chuyển về cơ chế, chính sách.

Trước đây, khi có ai đó muốn mở công ty, xí nghiệp để làm ăn thì người ta nghĩ ngay đến việc ở địa bàn ấy đã có điện chưa, việc cung cấp điện có thuận lợi không? Bây giờ thì khác rồi, bởi dòng điện đã trải rộng khắp nơi, khi có nhu cầu chỉ cần “a lô” là có điện. Với chủ trương cấp điện đến "chân hàng rào" của các nhà đầu tư, ngành Điện đã thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội của tỉnh, đã và đang khẳng định được uy tín, thương hiệu EVN.

Phong cách phục vụ của CBCNV ngành Điện cũng đã đổi khác rất nhiều so với trước. Mọi hành vi lạm dụng tính chất “độc quyền về mặt nhà nước” để vòi vĩnh, sách nhiễu trong công việc của bất kỳ nhân viên nào đều bị loại trừ ra khỏi guồng máy đang vận hành theo hướng khoa học, văn minh, hiện đại, lấy khách hàng làm trọng tâm của sự phát triển. Ngày nay, đi đâu cũng được nghe người dân bày tỏ niềm vui, vì chất lượng điện khá tốt, số giờ cắt điện giảm rất nhiều so với những năm trước, những người làm điện ai cũng thấy vui và tự hào.

Bước vào những ngày tháng tư lịch sử, chuẩn bị đón sinh nhật 17 năm của Công ty, trong lòng tôi niềm xúc động dâng trào, cũng bởi vì tôi đang bước vào cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, sắp đến tuổi nghỉ hưu, đồng nghiệp từ những ngày đầu khởi nghiệp đã vơi dần, nhiều người đã trở thành cụ ông, cụ bà sum vầy cùng con cháu...


  • 26/03/2014 11:04
  • Tăng Phan Lương
  • 1548


Gửi nhận xét