Nếu thời gian có quay trở lại, vẫn xin làm lính đường dây

Nhìn những công nhân trẻ của Đội đường dây miền Tây (thuộc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc) chăm chú lắng nghe, luyện tập thực hành, tôi như thấy lại hình ảnh của mình 10 năm về trước: Cũng lóc cóc theo các chú, các anh trong đội đường dây đi kiểm tra tuyến, sửa chữa, thay sứ, thay dây,… Vất vả nhưng đong đầy kỷ niệm.

 

Những công nhân mới vào nghề đang được huấn luyện tại Chi nhánh Miền Tây (Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc)

Vào những đêm mưa gió, sấm sét gây sự cố đường dây 110 kV, Đội đường dây phải huy động quân đi kiểm tra trong đêm. Khi ấy, tôi còn chưa kịp thông thuộc đường đi trên tuyến, Mọi người bước chân thoăn thoắt khẩn trương. Tôi dò dẫm theo sau, lần mò từng bước, đi hết được đoạn kiểm tra thì tôi cũng vồ được đầy “giỏ ếch”. Quần áo ướt hết, tôi phải trút bỏ dần, đến độ chỉ còn mỗi cái quần cộc trên người. Lúc đứng trước hiên nhà để đợi xe của Đội đón, gặp mấy chị đi chợ sớm chỉ trỏ cười khúc khích vì không hiểu mấy anh làm gì giờ này mà...? Thật là ngượng quá!

Những buổi đi kiểm tra định kỳ đêm hoặc khi có sự cố, sợ nhất là gặp phải rắn và vắt, đặc biệt là loại rắn xanh (rắn lục), rắn khô mục, rắn sầu ve (màu xanh) cực độc. Nghe các chú các anh nói, loại này về ban đêm rất tinh nhanh. Chúng thường ẩn mình trên lá cây xanh và những cành cây khô mục, bị cắn một nhát thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Ngô Quang Trung - Giám đốc Chi nhánh miền Tây (Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc) kể, trước đây khi anh còn là công nhân đường dây, đi kiểm tra định kỳ đường dây Uông Bí - Hoành Bồ, vào khu vực lòng Hồ Yên Lập (thuộc địa phận phường Đại Yên, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Hồi đó, khu vực này còn rậm rạp, nhiều cây cối và bông lau. Đang đi, bỗng anh nghe thấy tiếng phì phì ngay cạnh. Biết ngay là chạm trán hổ mang rồi nên anh đứng im lặng thật lâu trong tư thế chân co, chân duỗi (vì đang bước nghe tiếng rắn phì nên chững lại ngay tắp lự). Đến lúc mỏi chân quá, không biết làm thế nào, anh đánh liều dồn hết sức tung mình nhảy thật xa, ba chân bốn cẳng thục mạng xuống chân bờ hồ. Về sau này, anh Trung mới biết rắn hổ mang chúa chỉ tấn công đến cùng khi mà mình đánh bắt nó.

Ngày đó, nhìn các anh thay sứ, đặc biệt là sứ néo, nằm dài trên chuỗi sứ để móc cóc, rồi ra ngồi trên võng để thay sứ trông thật chuyên nghiệp. Tôi ước gì cũng có ngày mình làm được như vậy. Tôi chăm chỉ theo phụ, học hỏi, học từ cách buộc dây thừng làm sao cho dễ cởi nhưng khó tuột, học tên các dụng cụ, phụ kiện như: Cóc đớp, chốt bi, củ tỏi, đầu khỉ, mang cá, khoá NKK,… những cái tên mà nếu không phải là người trong nghề sẽ khó có thể hiểu được.

Ngày tôi được làm công việc mà tôi hằng mong đợi cũng đến. Chú Nguyễn Phồn Kền - Đội trưởng cho tôi thực hiện thay sứ đỡ. Lần đầu trèo cột cũng khá run. Được các anh trong đội nhắc nhở hướng dẫn, tôi hoàn thành bài “kiểm tra" đầu tiên khá suôn sẻ. Rồi tôi được phụ thay sứ néo (ngồi trong xà vừa quan sát vừa học chứ chưa được ra sứ), việc “ở ngoài” chỉ dành cho những công nhân chuyên nghiệp có tay nghề.

Thế rồi, vào một ngày đẹp trời (trong suy nghĩ của tôi là như vậy), vẫn như mọi khi tôi chỉ được phân công làm thợ phụ, khi lên trên cột tôi đã mạnh dạn xin được “ra ngoài” và nhận được cái gật đầu của chú tổ trưởng. Thế là tôi được ra thay sứ néo. Hết sức tĩnh tâm, tôi cẩn trọng trong từng động tác và các thao tác an toàn nằm trên sứ lắp cóc (mặc dù chuỗi sứ khá to, dài nhưng khi lần đầu tiên bạn nằm bò trên nó cách mặt đất 30 m thì sẽ cảm thấy nó chỉ bằng 1 sợi chỉ mỏng manh). Với sự phụ giúp của anh thợ chính ngồi trong xà, tôi đã thay được hoàn thiện chuỗi sứ néo. Lúc ấy, tôi thấy vui quá đỗi và cảm giác mình “lớn hẳn lên’’, như người vừa chinh phục được đỉnh Everest vậy. Sau này đã quen và biết việc, tôi cảm thấy tự tin và bản lĩnh hơn.

Những ngày tháng với bao kỷ niệm, nhiều lúc ngồi lại uống chén trà sum vầy, cùng kể cho nhau nghe câu chuyện cũ thấy thật ấm lòng. Làm công nhân đường dây cũng giống như người “chiến sĩ”, công việc bất kể ngày đêm, trong mưa dông, sấm sét, bão bùng, khi có sự cố trên lưới thì đều sẵn sàng “ra quân”. Nhưng bù lại, cũng thật nhiều niềm vui.

Nếu được quay lại những ngày tháng đã qua, xin vẫn được làm công nhân quản lý vận hành đường dây.

 


  • 28/02/2014 10:00
  • Đỗ Duy Trinh
  • 1520


Gửi nhận xét