Theo điện lên rừng (kỳ 4)

Chúng tôi đến Công ty Điện lực Sơn La, ấn tượng bởi một khuôn viên đẹp ngay trung tâm thành phố, kiến trúc hình vòng cung dưới những tán cau vua cao vút. Mọi thứ đều ngăn nắp và sạch bóng từ tầng một đến tầng lầu, từ sân để xe đến cầu thang, hành lang. Mặc dù đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều sự đổi thay về bộ mặt các công sở, nhưng chúng tôi thực sự bất ngờ bởi phong cách làm việc và sự ngăn nắp của các phòng ban chuyên môn ở đây.

Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Phạm Văn Long (người đứng bên phải) và nhà văn Đặng Ái

Chánh văn phòng Đào Quyết Thắng rỉ tai tôi với vẻ đầy tự tin: “Nếu nhà báo cần bất cứ tài liệu gì sẽ được đáp ứng ngay, không quá 10 giây”. Nhà văn Đặng Ái nhận xét nhỏ: “Tớ cứ nghĩ là đang tham quan một văn phòng làm việc của công ty bên Nhật”.

Phó giám đốc Phạm Văn Long tiếp chúng tôi trên căn phòng làm việc ở tầng 2. Tôi gặp ông lần này là lần thứ hai, nhưng làm việc với nhau thì lần đầu, bởi lần trước cách đây khoảng một năm, trong cuộc giao lưu văn nghệ giữa cánh nhà báo chúng tôi và Công ty Điện lực Sơn La.

Ở Sơn La, việc thực hiện nhiệm vụ đưa điện lưới quốc gia đến các xã vùng sâu vùng xa được thực hiện có vẻ bài bản hơn. Tỉnh thành lập hẳn một ban chỉ đạo mà trưởng ban là một phó chủ tịch tỉnh, phó ban là giám đốc Sở Công Thương và giám đốc công ty điện lực, cùng các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Cách tổ chức như thế đã biến mục tiêu chiến lược “đưa điện lưới quốc gia đến các xã vùng sâu vùng xa” không chỉ của Nhà nước, của EVN mà là của toàn dân. Vì thế, ở Sơn La, chỉ với dự án các đường dây trung thế trở lên mới phải đền bù khi giải phóng mặt bằng, còn lại đều do người dân tự nguyện đóng góp.

Hiện Công ty Điện lực Sơn La đang quản lý 3.150 km đường dây trung thế, 3.140 km đường dây hạ thế, 1.300 máy biến áp phân phối, cùng với 198.600 khách hàng sử dụng điện. Một con số khá ấn tượng khiến tôi phải ghi ngay vào sổ tay là tỷ lệ tổn thất điện ở Sơn La thấp đến bất ngờ, kế hoạch năm 2013 định ra 6,5% thì thực hiện chỉ có 6,45%. Với nhà văn Đặng Ái, con số này chắc không để lại dấu ấn gì mấy, nhưng với tôi, một nhà báo kinh tế lăn lộn mấy chục năm cùng sự thăng trầm của nền kinh tế đất nước, kể cả lúc tưởng chừng đến giới hạn tận cùng của sự đói nghèo, mới thấy con số phần trăm khô khan kia quý giá như thế nào.

Xin nhắc lại rằng, hiện nay, tỷ lệ tổn thất điện của cả nước là 8,8%. Nay, nếu cả nước phấn đấu giảm xuống còn 6,5% như ở Sơn La, nếu tiết kiệm được ngần ấy thì theo nhận xét của một chuyên gia năng lượng, chúng ta đỡ phải xây thêm một nhà máy điện hạt nhân với một khoản đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Những con số ấy ở một đất nước còn quá nghèo khó này, quý lắm! Có lẽ EVN cần nghiên cứu kỹ những bí quyết để giảm tỷ lệ tổn thất này mà Sơn La là địa chỉ đáng quan tâm.

Phó giám đốc Long dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng ban, rồi sang kho nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế. Chỗ nào cũng ngăn nắp và sạch sẽ. Nhà văn Đặng Ái hỏi Phó giám đốc Long: “Các anh làm cách nào mà một kho hàng lỉnh kỉnh trăm thứ bà rằn thế này mà lại giống như bày hàng ở siêu thị vậy?” Phó giám đốc Long tủm tỉm cười: “Nhờ cái anh 5S đấy!”.

Thì ra, Công ty Điện lực Sơn La đang áp dụng một phương pháp quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế gồm 5 chữ S đứng đầu. Một là, Sàng lọc (Seiri - Sorting out): Sàng lọc những cái không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng. Hai là, Sắp xếp (Seiton - Storage): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và đúng chỗ của nó để tiện sử dụng khi cần. Ba là, Sạch sẽ (Seiso - Shining the workplace): Vệ sinh, quét dọn, lau chùi mọi thứ gây bẩn tại nơi làm việc. Bốn là, Săn sóc (Seiletsu - Setting standards): Đặt ra các tiêu chuẩn cho 3S nói trên và thực hiện liên tục. Năm là, Sẵn sàng (Shitsuke - Sticking to the rule): Tạo thói quen tự giác, duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc để mọi thứ luôn sẵn sàng cho sản xuất.

Thảo nào mà nhà văn Đặng Ái lại có cảm giác như đi tham quan một văn phòng làm việc ở bên nước Nhật. Mà hình như cũng nhờ “cái anh 5S” này mà tỷ lệ tổn hao điện ở Sơn La có phần thấp hơn nơi khác chăng?

Chúng tôi ngỏ ý với Phó giám đốc Long muốn đến một xã vùng cao nào đấy mà điện đã góp phần quyết định, khiến đời sống của bà con các dân tộc thoát được đói nghèo. Theo gợi ý của ông, chúng tôi lên xã Tân Lập, một xã vùng cao thuộc huyện Mộc Châu. "Hoa tiêu" cho chuyến đi lên Tân Lập là Phó phòng xây dựng cơ bản - Hà Bạch Dương và đội trưởng Nguyễn Phong Thái. Từ thị xã Mộc Châu len lỏi theo những con đường dốc quanh co, qua những vườn mận ngút tầm mắt đang nhú nụ, qua những ruộng hoa cải trắng bạt ngàn, đi khoảng hơn hai chục cây số, chúng tôi tới văn phòng UBND xã Tân Lập. Trời rất lạnh. Đội trưởng Thái cho biết: "Tân Lập ở độ cao hơn thị xã 200m nên rét hơn. Tối hôm qua xấp xỉ 0 độ".

Thật may mắn và bất ngờ, người tiếp chúng tôi lại là ông Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, người chúng tôi đã biết tiếng và ngưỡng mộ từ lâu qua các thông tin báo chí, đó là Anh hùng lao động Hà Ngọc Quý. Kể cả với cương vị chủ tịch hay bí thư, ông nổi tiếng là người đã nói là làm, đã làm là làm bằng được và mang chính sự nghiệp của mình, của cải gia đình mình thử nghiệm trước, có hiệu quả mắt nhìn thấy, tay sờ thấy thì sau đó hướng dẫn bà con các dân tộc làm theo. Khi thấy giống ngô cũ chỉ cho thu hoạch 1,5 tấn/ha, ông theo giới thiệu của bạn bè, về xuôi mang giống ngô lai lên trồng thử. Sau khi thành công, thu hoạch 8 - 9 tấn/ha, ông hướng dẫn cho bà con trồng. Từ chỗ thiếu đói 5 - 6 tháng một năm, bà con đã dư thừa lương thực bán ra thị trường. Rồi đến cây chè, khi thị trường Đông Âu sụp đổ, cây chè ở Tân Lập chẳng ai thèm nhòm ngó. Bí thư Hà Ngọc Quý đi tìm giống mới, bỏ 100% vốn ra xây dựng xưởng chế biến chè, sản xuất chè Ô Long xuất khẩu sang Đài Loan... Bí thư đi đến đâu, cái đói, cái nghèo "chạy mất dép" đến đấy. Chẳng thế, nhà văn Đặng Ái khi rời khỏi Tân Lập đã nhận xét về ông rằng: "Đây mới là một đảng viên thật, một bí thư duy vật 100%".

Tôi chỉ vào chiếc bóng điện và hỏi Bí thư Hà Ngọc Quý: "Điện có giúp bà con xóa đói giảm nghèo không?". Vị bí thư người Thái trả lời rất hồn nhiên: "Nhiều lắm chớ! Không có điện làm sao sấy ngô nhiều mà bán. Cả chè nữa, không có điện, nhà máy chè không chạy được đâu!".

Rồi theo ông kể, bà con các dân tộc trong xã sống chủ yếu nhờ cây ngô và cây chè. Ngô thì thu hoạch dồn dập trong 3 tháng 9, 10 và 11. Những tháng ấy ở Tân Lập, mưa nhiều, nắng ít, sao phơi kịp. Ngô bị thối, bị mọc mầm, xuống mã, bị kém phẩm chất, bán không ai mua. Cả xã hiện có 12 lò sấy ngô, 3 nhà máy chè, rồi nhiều máy chế biến dong giềng, không có điện thì "bà con lại nghèo ngay thôi mà".

Bí thư Quý cho biết, hiện thu nhập bình quân đầu người của Tân Lập khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm, hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng khá phổ biến. Tuy nhiên, trong số hơn 1.000 hộ của Tân Lập vẫn còn 240 hộ nghèo. Tôi hỏi tại sao còn nhiều hộ nghèo thế, ông trầm ngâm: "Có hộ thiếu lao động, có hộ thiếu vốn, có hộ không năng động, không tích cực. Có hộ nghèo vì dính đến nghiện ngập. Hộ nào dính nghiện là nghèo ngay thôi!".

Rồi ông đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy chế biến chè Ô Long xuất sang Đài Loan mà ông có 34% cổ phần, sau đấy ông mời về nhà ông, một khuôn viên trang trại rộng mênh mông giữa đồi núi chập trùng, để uống thứ trà quý phái nổi tiếng ấy... Ông tâm sự: "Mình nghĩ mình là đảng viên, mình phải đi trước, làm trước. Muốn bà con thoát nghèo thì mình phải thoát nghèo trước. Ban đầu là làm giàu cho nhà mình, rồi vận động bà con cả xã làm theo, vậy thôi. Bà con giàu thì xã giàu, huyện, tỉnh cũng bớt nghèo và đất nước cũng sẽ giàu thêm".

Chuyến đi "Theo điện lên rừng" đã giúp tôi có thêm nhiều thông tin, hiểu hơn những con người của ngành Điện trên vùng đất Tây Bắc, phát hiện ra những triết lý mới mẻ, đời thường nhưng sâu sắc.

 


  • 20/02/2014 05:00
  • Tổng hợp theo nangluongvietnam.vn
  • 1374


Gửi nhận xét