Hoàng Ngọc Chung: Sáng tạo không giới hạn

Hoàng Ngọc Chung - Phó giám đốc Điện lực Thăng Bình (Công ty Điện lực Quảng Nam) là một trong những người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong Công ty. Những kiến thức nền tảng của một kỹ sư hệ thống điện cùng sự chịu khó tìm tòi học hỏi đã giúp anh giải quyết được những bất hợp lý trong công việc hằng ngày bằng nhiều giải pháp hữu ích.

Anh Hoàng Ngọc Chung

Nhiều sáng kiến của Hoàng Ngọc Chung đã mang lại giá trị ứng dụng thực tế cao.

Điển hình là năm 2009, thấy toàn bộ các xà néo cuối được thiết kế có tấm áp sứ để lắp sứ đỡ cho dây lèo pha giữa vòng qua đầu cột, khoảng cách từ đỉnh sứ đến đỉnh cột ngắn, nhỏ hơn hoặc bằng 250 mm, khi chim đậu vào đỉnh cột hay đỉnh sứ đều dẫn đến phóng điện từ sứ qua cột gây ngắn mạch một pha (lưới 22 kV) hoặc chạm đất 1 pha (lưới 15 kV trung tính cách đất) gây sự cố, mất điện, Chung đưa ra giải pháp mới. Đó là “Nâng sứ đỡ dây lèo pha giữa xà néo cuối để tránh phóng điện tại đầu cột khi có chim đậu, giảm sự cố trên lưới điện”.

Giải pháp được thực hiện bằng cách sử dụng 1 ti sứ khác (loại tận dụng) hàn nối vào ti sứ có sẵn thay cho ti sứ của sứ đứng tại vị trí đỡ dây lèo pha giữa, chiều cao từ vị trí dây lèo trên đỉnh sứ đến đầu trụ 400 mm, giảm thiểu hiện tượng phóng điện khi chim đậu vào đỉnh cột hay đỉnh sứ. Kết quả là giảm sự cố, nâng cao chất lượng cung cấp điện, mang lại giá trị làm lợi 14,2 triệu đồng.

Năm 2010, theo dõi thấy cụm công nghiệp (CCN) Hà Lam - Chợ Được nhận điện từ nguồn cung cấp duy nhất từ xuất tuyến 478-E152. Nếu công tác hoặc sự cố trên đường dây này thì CCN mất điện hoàn toàn. Ngược lại, toàn bộ cánh đông khu vực huyện Thăng Bình nhận điện từ xuất tuyến 474-E152 qua máy cắt Bình Hiệp, trong trường hợp công tác hoặc sự cố trên đường trục 474-E152 thì toàn bộ cánh đông sẽ mất điện. Chung đề xuất phương án lắp dao cách ly phân đoạn để chuyển tải qua lại giữa 2 xuất tuyến này. Giải pháp có hiệu quả, bởi nó mang lại độ tin cậy và chất lượng cấp điện cho khách hàng trong khu vực.

Năm 2011, anh và các đồng nghiệp thực hiện 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là “Chế tạo thiết bị đọc chỉ số công tơ bằng camera và màn hình”. Giải pháp này ra đời xuất phát từ thực tế khó khăn của anh em công nhân khi đi ghi chỉ số công tơ. Trước đây, mỗi khi đọc chỉ số phải có 2 người, mang theo thang tre hoặc trèo trụ vất vả, tốn công sức. Từ khi áp dụng sáng kiến, hiệu quả và năng suất tăng gấp 7 - 8 lần. Giải pháp này có giá trị làm lợi hơn 44 triệu đồng.

Giải pháp tiếp theo xuất phát từ việc tiếp nhận hàng chục nghìn công tơ của dự án ODA, kèm theo hộp công tơ sản xuất đại trà để lắp 1 công tơ 1 pha lên loại xà LT - 1pha và xà LT - 1pha - 2. Nếu để hộp công tơ như cũ mà bắc lên trụ thì vừa khó khăn, vừa lãng phí. Vì vậy, Chung cùng đồng nghiệp cải tiến bằng cách khoan 2 lỗ và lắp giá đai thép lên thùng 1 công tơ composit, dùng bu lông để cố định bách lắp đai thép vào thùng và dùng đai thép để lắp công tơ lên trụ thay vì lên xà. Giải pháp này cũng làm lợi cho đơn vị hàng chục triệu đồng.

Vừa qua, Công ty Điện lực Quảng Nam gửi 5 sáng kiến tham gia dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ V (2012 - 2013), trong số này chỉ có giải pháp “Chế tạo bộ đọc chỉ số công tơ bằng camera và màn hình” của Hoàng Ngọc Chung đạt giải Nhất, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Không chỉ giỏi chuyên môn, Hoàng Ngọc Chung còn rất năng động, quan hệ tốt với địa phương nên tạo được sự tin tưởng, đồng thuận từ phía khách hàng và sự ủng hộ của địa phương.

Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Điện lực Thăng Bình cho biết: “Ở mọi vị trí công tác, Chung đều có ý tưởng hay, giải pháp tốt. Hơn thế nữa, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Điện lực Thăng Bình, song song với việc cải tiến nội dung, phương thức hoạt động, Chung còn là hạt nhân tạo dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong đơn vị; động viên, cổ vũ CBVCV tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn Công ty và địa phương phát động, nhất là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật".


  • 24/12/2013 02:58
  • Phương Lan
  • 1554


Gửi nhận xét