Nguyễn Anh Tuấn (hàng đầu bên phải) được Trung ương đoàn tuyên dương tại Festival sáng tạo trẻ năm 2013
|
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Điện, năm 2006, Nguyễn Anh Tuấn về Công ty Điện lực Phú Yên công tác cho tới nay. Trong công tác chuyên môn, Nguyễn Anh Tuấn luôn tìm tòi nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất. Năm 2010, để giúp Phòng Điều độ nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, thuận tiện trong quản lý, truy xuất dữ liệu thông số và nhật ký vận hành hệ thống điện, phục vụ công tác tính toán chế độ vận hành hệ thống điện, Nguyễn Anh Tuấn đã viết phần mềm “Quản lý thông số và nhật ký vận hành hệ thống điện tỉnh Phú Yên”, sử dụng hệ cơ sở dữ liệu SQL Server 2000 cùng với Office 2003 và đã được Hội đồng sáng kiến Công ty Điện lực Phú Yên công nhận.
Năm 2011, nhằm giúp các đơn vị trực thuộc Công ty tiết kiệm nhân lực viết phiếu thao tác, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động, chương trình phần mềm lập phiếu thao tác do Nguyễn Anh Tuấn viết đã được đơn vị sử dụng cho đến nay. Trong 6 tháng đầu năm 2012, anh đã tham gia nghiên cứu viết chương trình “Tự học quy trình kỹ thuật an toàn điện” và được Hội đồng sáng kiến Công ty công nhận… Nổi bật nhất là giải pháp “Sử dụng rơle số SPAA 341C để thay thế tủ điều khiển máy cắt Recloser”, công trình do Nguyễn Anh Tuấn cùng 2 đồng nghiệp trong Công ty nghiên cứu.
Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng nghiên cứu này, Tuấn cho hay: “Hiện nay trên lưới điện tỉnh có rất nhiều chủng loại máy cắt Recloser như FXB, FORM 6, NULEC, ABB, TAVRIDA. Mỗi loại máy cắt có 1 tủ điều khiển khác nhau và hầu hết tủ điều khiển các máy cắt loại này không có thiết bị thay thế. Vì vậy khi có hỏng hóc xảy ra, đơn vị phải liên hệ với nhà sản xuất để sửa chữa hoặc mua mới, dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí cao. Từ đó, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu, tìm giải pháp để thay thế các tủ điều khiển bị hư với phương châm tiết kiệm tối đa kinh phí”.
Cuối năm 2011, máy cắt Recloser Nulec 27 kV của hãng Schnieder bảo vệ đường dây 22 kV thuộc xuất tuyến 472 trạm 110 kV Tuy Hòa 2 bị hỏng mainboard tủ điều khiển, nhưng máy cắt vẫn còn sử dụng được. Nếu mua tủ điều khiển mới phải tốn nhiều tiền và không làm chủ được công nghệ. Trong khi đó, các rơle số SPAA 341C của hãng ABB thu hồi từ trạm trung gian cấp điện cho Khu công nghiệp Hòa Hiệp (Đông Hòa) vẫn còn sử dụng được. Tuấn cùng 2 đồng nghiệp tìm cách nghiên cứu mạch đóng cắt của máy cắt, sơ đồ cáp kết nối giữa máy cắt với tủ điều khiển máy cắt Nulec 27 kV, đồng thời tìm hiểu nguyên lý làm việc của rơle số SPAA 341C của hãng ABB...
Sau khi nắm vững nguyên lý hoạt động của các loại máy này, nhóm của Tuấn đã thiết kế mạch điều khiển kết nối giữa rơle số SPAA 341C với máy cắt Nulec 27 kV để điều khiển máy cắt. Bên cạnh đó, nhóm còn chỉnh định thông số cho rơle số để tủ điều khiển hoạt động theo ý muốn của người sử dụng. Đến nay, tủ điều khiển này đã có đầy đủ các chức năng bảo vệ giống như các tủ điều khiển bảo vệ quá dòng hiện có trên thị trường. Ngoài ra, tủ còn tháo lắp dễ dàng, đặc biệt có thể thay thế cho một số tủ điều khiển của các loại máy cắt khác nhau hiện có trên lưới điện Phú Yên. Bên cạnh đó, các rơle số cũng có sẵn trên thị trường, nếu hỏng hóc thì dễ dàng thay thế và sửa chữa, không cần phải mua tủ điều khiển mới, kinh phí cao.
Những sáng tạo này của Nguyễn Anh Tuấn và đồng nghiệp còn được Công ty Điện lực Phú Yên đưa vào sử dụng để bảo vệ lưới điện 22 kV xuất tuyến 478S/trạm cắt Sông Cầu do Điện lực Sông Cầu quản lý vận hành. Hiện tại, sản phẩm đang vận hành tốt và làm lợi cho Công ty 80 triệu đồng.
“Nguyễn Anh Tuấn là một gương sáng về sáng tạo trẻ, luôn có nhiều cố gắng trong công tác để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đây là tấm gương sáng để các bạn trẻ và CBCNV trong công ty học tập, noi gương”, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết.
Vừa qua, Nguyễn Anh Tuấn đã được Trung ương đoàn tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VI - năm 2013 được tổ chức tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh).