Người thầy không đứng lớp

Ở Công ty Điện lực Đắk Lắk, có một người chưa từng đứng trên bục giảng, nhưng anh được nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên Công ty tôn vinh làm thầy. Đó là anh Trần Kỳ Sơn.

Anh Trần Kỳ Sơn – nguyên Giám đốc PC Đắk Lắk

Năm 1981, tốt nghiệp kỹ sư điện, anh về nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật Sở Điện lực Đắk Lắk và chỉ sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm phó trưởng phòng.

Tuy là một cán bộ kỹ thuật, một cán bộ quản lý, nhưng thời gian chủ yếu của anh là ở hiện trường. Lúc thì anh có mặt ở một tổ máy diesel bị sự cố do thiết bị đã quá cũ kỹ mà phải gồng mình vận hành liên tục với công suất cao, quần áo, tay chân dính đầy dầu mỡ như nhiều công nhân sửa chữa máy khác.

Khi thì anh lặn lội khắp ngõ phố và vùng lân cận thị xã Buôn Ma Thuột để tìm hiểu kết cấu lưới điện (khoảng thời gian này, lưới điện chưa vươn được đến các huyện, chỉ có một vài trung tâm huyện có nguồn diesel phát độc lập). Anh cũng quần áo bảo hộ lao động, cũng mũ cứng và cũng mồ hôi nhễ nhại như nhiều thợ đường dây khác.

Chính sự chịu khó thâm nhập thực tế của anh đã trở thành tấm gương cuốn hút lực lượng cán bộ kỹ thuật trẻ, tạo hình ảnh về một cán bộ quản lý cấp phòng năng động, sâu sát công việc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết chuyên môn với thực tiễn sản xuất. Qua đó anh đã có lứa học trò thứ nhất - những kỹ sư cơ điện đầu tiên của PC Đắk Lắk và những công nhân có nhiều kinh nghiệm đã bắt đầu chiêm nghiệm được thế nào là ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Sau khi Thủy điện Đrây H’Linh (3 x 4 MW) được khởi công xây dựng vào năm 1987, anh được phân công làm trưởng ban chuẩn bị sản xuất của nhà máy. Những “trái gió trở trời”, những “bệnh tật” của các tổ máy Đrây H’Linh trong giai đoàn đầu vận hành (1989 - 1995) đã được “chẩn bệnh” đúng và đã được “chữa trị” kịp thời là nhờ khoảng thời gian lăn xả tìm hiểu thực tế đến từng “chân tơ kẻ tóc” thiết bị của anh và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật làm công tác chuẩn bị sản xuất trước đó. Sự tận tâm hết lòng vì công việc, không quản ngại khó nhọc của anh đã cuốn hút, đã kéo "đoàn tàu" đi đúng hướng. Lứa học trò thứ hai của anh được củng cố thêm kiến thức và trưởng thành từ thực tiễn đã tổ chức tiếp nhận và quản lý vận hành nhà máy một cách vững vàng, tin cậy đến ngày hôm nay.

Ghi nhận thành tích, sự cống hiến của anh, cấp trên đã tin tưởng bổ nhiệm anh làm phó giám đốc, rồi giám đốc Điện lực Đắk Lắk (nay là Công ty Điện lực Đắk Lắk). Khi giữ trọng trách cao, anh vẫn luôn sâu sát trong công việc, luôn tìm hiểu thực tế kỹ lưỡng trước khi quyết định một vấn đề, một chủ trương cho hoạt động của đơn vị. Trong giai đoạn này, lứa học trò thứ ba của thầy Sơn chính là các trưởng phòng, phó trưởng phòng, chi nhánh trưởng, các cán bộ kỹ thuật... đã học được ở anh rất nhiều điều về cách giải quyết công việc, về phương pháp quản lý và cả đối nhân xử thế.

Suốt cuộc đời làm việc, cống hiến, anh chưa hề đứng trên bục giảng, chưa có một tiết dạy nào tại các lớp đào tạo hay bồi dưỡng nâng bậc thợ cho công nhân, nhưng chính tác phong làm việc, nhân cách sống và sự bảo ban, nhiệt tình truyền đạt những kinh nghiệm trong thực tiễn công việc của anh cho lớp thế hệ kế cận đã thu phục được rất nhiều người. Mặc dù giờ anh đã nghỉ hưu, nhưng trong lòng họ, Trần Kỳ Sơn luôn là một người thầy đáng kính.


  • 27/11/2013 10:13
  • Minh Nguyên
  • 1527


Gửi nhận xét