Người thợ già nghỉ hưu nhưng không... nghỉ việc

Mặc dù đã có quyết định nghỉ hưu nhưng ông Lý Văn Vòng vẫn đều đặn sáng đi, tối về từ Thành phố Việt Trì xuống huyện Bình Xuyên để trợ giúp kỹ thuật cho đồng nghiệp ở Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc.

Ông Vòng hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ trẻ

Khi được hỏi ông có tuổi rồi, đường xá đi lại vất vả, đã được nghỉ hưu sao không ở nhà vui tuổi già, ông cười và bảo: "Nhớ nghề, nhớ anh em đồng nghiệp và những công việc mà hàng ngày mình đã từng làm lắm...”.

Lý Văn Vòng sinh năm 1953, quê gốc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sau 3 năm học công nhân kỹ thuật điện tử, ông về công tác tại Sở Điện lực Vĩnh Phú. Đến năm 1992, ông chuyển về làm công nhân quản lý vận hành trạm điện 110 kV Vĩnh Yên, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc.

Ông chia sẻ: “Ngày còn làm ở Nhà máy Điện Việt Trì, tôi đã phải tự mình nghiên cứu, vẽ lại những mạch điện của Nhà máy. Không có giấy, phải dùng gạch vẽ lên nền, vẽ mãi đến khi thuộc lòng, không cần nhìn vào bản vẽ nữa”.

Sự cần cù và tinh thần ham học hỏi đã đưa ông trở thành thợ quản lý vận hành giỏi của Nhà máy điện Việt Trì. Ông còn được lãnh đạo phân công tiếp nhận và hướng dẫn nghiệp vụ đào tạo cho công nhân mới vào nghề. Nhận nhiệm vụ này, ông trăn trở lắm bởi mình quen làm thợ, làm thầy liệu có được không. Ông chủ động nghiên cứu, tìm phương pháp, xây dựng kế hoạch cụ thể, xây dựng đề cương sát với thực tế để hướng dẫn cho công nhân trẻ nhanh chóng nắm bắt công việc. Nhiều người "qua tay" ông đào tạo, giờ đã trưởng thành có những vị trí quan trọng trong ngành.

Là công nhân trực chính quản lý vận hành trạm điện 110 kV Vĩnh Yên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Vòng đã có nhiều sáng kiến, cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc, kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết của thiết bị trong quá trình vận hành. Ông trực tiếp tham gia rà soát và khắc phục, đấu nối lại mạch nhị thứ của trạm Vĩnh Yên do bản vẽ nhị thứ bị mờ hoặc mất mát sau nhiều lần sửa chữa; sửa chữa hư hỏng các tủ nạp; thiết kế và lắp mạch báo tín hiệu chạm đất thanh cái trung thế cho 4 trạm trực thuộc.

Ông Vòng cho biết: “Mạch điều khiển rất phức tạp, bao gồm các thiết bị, rơle mạch có vai trò quan trọng trong trạm vận hành, đảm bảo an toàn cho các thiết bị. Một số thiết bị trong trạm sau một thời gian vận hành đã cũ nát, sơ đồ các bản vẽ đã mờ, mất nét, cần phải hiểu rõ nguyên lý, cấu trúc và vẽ lại. Khi có sự cố xảy ra, từ hệ thống mạch này, những người công nhân vận hành có thể nhanh chóng tìm ra chỗ hỏng hóc, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, theo nguyên lý, đối với mỗi trạm điện nếu như không có bộ báo tín hiệu, khi lưới điện 35 kV có sự cố chạm đất, không kịp thời sửa chữa, để lâu dài sẽ gây hư hỏng thiết bị. Với những kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, tôi đã thiết kế và lắp mạch báo tín hiệu chạm đất thanh cái trung thế cho các trạm còn thiếu. Mặt khác, muốn cho bộ chạm đất hoạt động chính xác, tôi đã cải tiến, lắp thêm một biến áp hai dây cuốn loại nhỏ, tạo nguồn điện áp thứ cấp phù hợp từ 100 – 320 V đưa vào rơ - le".

Nói về người cựu công nhân Lý Văn Vòng, ông Nguyễn Hữu Thiên, Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc cho biết: "Ông Vòng là người có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Mặc dù có đăng ký và chưa được các cấp công nhận sáng kiến nhưng những cải tiến kỹ thuật của ông đã phát huy rất tốt trong việc quản lý, vận hành các trạm điện 110 kV. Công ty hiện vẫn đang áp dụng những cải tiến này và luôn cần những người thợ có tay nghề cao như thế”.


  • 04/12/2013 02:12
  • Tổng hợp theo vinhphuc.gov.vn
  • 1484


Gửi nhận xét