Theo điện lên rừng (kỳ 3)

Từ Lai Châu đi Sơn La có 2 con đường. Nếu đi qua Điện Biên mất khoảng 400 cây số, còn nếu đi tắt qua Than Uyên, đường hơi xấu một chút nhưng chỉ hơn 200 cây số. Phó giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu - Hoàng Quang Trung khuyên chúng tôi "nên đi con đường này, các bác sẽ được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên ban tặng cho vùng Tây Bắc của Tổ quốc, được thấy tận mắt công trình Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trên sông Nậm Mu lớn chỉ sau Thủy điện Lai Châu, được qua cầu Pá Uôn, cây cầu cao nhất Đông Nam Á".

Cầu Pá Uôn - “lời tri ân quý giá nhất”  đối với bà con bản địa

Sơn La đối với chúng tôi không lạ lẫm lắm bởi một phần do gần Hà Nội hơn, có cao nguyên Mộc Châu giàu có, với nhiều sản vật nổi tiếng, phần nữa có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vừa khánh thành cách đây hơn một năm.

Ngẫm ra mới thấy một điều lạ là nguồn tài nguyên lớn nhất của tỉnh Sơn La lại là từ... nước mưa. Theo con số thống kê, tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh Sơn La hàng năm vào khoảng 19 tỷ m3 chủ yếu từ nguồn nước mưa tích trữ vào hai hệ thống sông chính: Một là sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có lưu vực thuộc tỉnh Sơn La khoảng 9.844 km2, đoạn chảy qua Sơn La dài 250 km; hai là sông Mã bắt nguồn từ Điện Biên và Tuần Giáo, đoạn chảy qua Sơn La dài 93 km, có diện tích lưu vực 3.978 km2.

Trong "mỏ nước" 19 tỷ m3 ấy, dung tích hồ chứa của Thủy điện Sơn La mới chỉ có 9,26 tỷ m3, vậy mà đã sản xuất ra được trên 10 tỷ kWh điện mỗi năm, tạo ra doanh thu khoảng 15 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách của cả tỉnh Sơn La năm 2013 cũng chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngồi trên xe rỗi việc, tôi lẩn thẩn tính, cứ 1 tỷ đồng mua được 30 cây vàng, 1.000 tỷ đồng được 30.000 cây, vậy 15 nghìn tỷ đồng kia có thể quy ra thành ngót 450.000 cây vàng. Nếu tính ra 1 tấn vàng có 26.000 cây sẽ bằng khoảng 18 tấn. Thế thì đúng ra phải gọi đây là "mỏ vàng" chứ không phải "mỏ nước" nữa.

Trên xe, nhà văn Đặng Ái lặng lẽ ngắm cảnh rừng núi trùng trùng điệp điệp. Ông vốn ít nói, trong chuyến đi xa này, có lẽ vì mệt, ông lại càng ít nói hơn. Gọi ông là nhà văn chứ thực ra tôi cũng không khẳng định được ông là “nhà” gì. Ông vừa cho xuất bản 5 tập sách dày cộp, tiểu thuyết có, truyện dài, truyện ngắn có, thơ có, rồi kịch bản phim, kịch bản sân khấu cũng có. Nếu ai đã một lần nghe bài hát “Hoa sim biên giới” sẽ hy vọng hiểu được một góc nào đó trong tâm hồn ông: “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa. Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…”. Đấy là thơ của ông, được em trai ông là nhạc sĩ Minh Quang phổ nhạc. Giờ ông đang lang thang trên vùng biên cương Tây Bắc này, liệu màu tím của hoa sim kia có khiến ông đang nhớ đến ai, hay ai đang chờ mong ông?

Bỗng nhà văn Đặng Ái nói như reo lên: “Đây rồi, nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc đây rồi!”. Thì ra, ở giữa nơi núi rừng trùng điệp này bỗng hiện ra một vùng đất bằng phẳng với những thửa ruộng màu mỡ nối tiếp nhau. Ông giải thích, từ xa xưa, các bậc già làng ở vùng Tây Bắc đã có câu truyền khẩu rằng “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” với ngụ ý xếp hạng các vựa lúa hiếm hoi trên vùng cao này. Đứng đầu là cánh đồng Mường Thanh ở Điện Biên, rồi đến Mường Lò ở Yên Bái, thứ ba là cánh đồng Mường Than của Lai Châu đang trải rộng trước mắt chúng tôi, cuối cùng là cánh đồng Mường Tấc ở Sơn La.

Nghe nhà văn Đặng Ái nói vậy tôi mới thấy hình như ông còn là nhà văn hóa nữa. Chẳng thế mà ông đã từng được ngồi “cái ghế” Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa hai khóa liền.

Khi đến địa phận xã Mường Kim, huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, công trình Thuỷ điện Bản Chát có công suất thiết kế 220 MW sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Đây là một trong hai công trình trong bậc thang thuỷ điện trên dòng sông Nậm Mu. Nghe nói phía dưới bậc thang xa kia nữa bên địa phận tỉnh Sơn La là Nhà máy thủy điện Huội Quảng đang thi công có công suất 520 MW. Chiếc xe đi vòng vèo theo các triền núi một lúc lâu rồi cũng leo lên được đến đỉnh đập.

Khi còn ở phía dưới chân đập, công trình Thủy điện Bản Chát tựa như bức tường thành khổng lồ với những khối bê tông sừng sững. Nhưng khi từ trên cao nhìn xuống lại thấy, sau đoạn sông Nậm Mu hiền hòa đầy ắp nước là một bờ ngăn hiền lành, nhẫn nại, gồng mình chặn giữ một nguồn năng lượng quý giá.

Chưa hết, nghe nói sắp tới, qua những con đập tương tự như thế này ở Hòa Bình, Thác Bà…, EVN sẽ xả khoảng 5 tỷ m3 nước tại các hồ thủy điện để cấp nước cho bà con nông dân đồng bằng Bắc Bộ làm vụ đông, một mùa vụ đem lại việc làm và thu nhập của hàng triệu gia đình. Về mặt này, lợi ích của thủy điện lại không thể đo đếm được bằng tiền.

Có thể nhận xét rằng, ở vùng núi rừng như vô tận này, chỉ cần ngước mắt lên, quay người một vòng là sẽ thấy dấu ấn của EVN. Không gần thì xa là những cây cột điện cao thế xuyên núi, xuyên rừng ở các cấp điện áp 110 kV, rồi 35 kV. Phổ biến hơn, dày đặc hơn là đường dây hạ thế 22 kV, rồi 0,4 kV. Ở các thị tứ, các bản làng ven đường hầu hết đã được dùng điện lưới quốc gia.

Đầu tư thì như thế, dân cư lại thưa thớt, thật khó có một lời khuyên nên quản trị kinh doanh điện ở đây theo mô hình nào để sinh lời? Tôi chợt nhớ đến câu nói của Phó giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu - Tao Văn Pắn: “Nói là kinh doanh chứ chúng tôi làm sao kinh doanh được. Mỗi năm, Tổng công ty Điện lực miền Bắc phải bù lỗ cho chúng tôi trên dưới 50 tỷ đồng đấy. Chẳng rộng rãi được như các tỉnh dưới xuôi đâu”. Thôi thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, biết làm sao được!

Khi còn cách thị xã Sơn La khoảng 70 km, bác tài tên là Quân thông báo: “Sắp đến cầu Pá Uôn rồi đấy! Hồi khánh thành năm 2010, nó được mệnh danh cao nhất Đông Nam Á, với chiều cao của trụ cầu ngót 100 mét. Đến giờ chẳng biết còn nhất hay không”. Nhà văn Đặng Ái nói như an ủi: “Thì trên đời có cái gì nhất mãi được đâu”.

Một cây cầu đúc bằng xi măng cốt thép cong như cánh cung hiện ra nối dài trên con sông Đà tích no nước, rộng mênh mông, hai đầu cắm vào hai lưng núi. Cầu nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Theo kể lại, hồi chưa có công trình thủy điện, để đến được trung tâm huyện Quỳnh Nhai và các bản làng người Thái nằm dọc dòng sông Đà này chỉ có mỗi con đường độc đạo và bắt buộc phải qua phà Pá Uôn, bến phà duy nhất nối Sơn La với huyện lỵ nghèo nằm cuối tỉnh. Đường nhỏ, bến nhỏ, phà nhỏ, lại có đúng một chiếc nên bà con đi lại rất vất vả.

Cầu Pá Uôn dài 1.273 mét, gồm 2 mố và 11 trụ, rộng 9 mét, được xây dựng với những yêu cầu về kỹ thuật rất cao, phải chịu được động đất cấp 8, cấp 9, đồng thời phải đảm bảo độ “thông thuyền” theo tiêu chuẩn cấp 1, tức rộng 80m, cao 10m để tàu, thuyền có thể qua lại. Trụ cầu tính từ mặt đất lên mặt dưới đáy cầu là 98m, cầu cao đến 105m, nhịp cầu dài 130m (dài nhất cho đến bấy giờ)… là những thách thức không nhỏ đối với cả chủ đầu tư, thiết kế và thi công.

Đến nay thì mọi thách thức với việc xây dựng cầu Pá Uôn đã qua đi bởi nỗ lực của biết bao con người, chỉ còn lại một công trình xây dựng đẹp đẽ như một cung đàn vắt ngang qua vùng sông nước mênh mông, núi non hùng vĩ, đầy lãng mạn.

Nghe bác tài Quân nhận xét thì cây cầu chính là “lời tri ân quý giá nhất” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN có thể nhìn thấy, sờ thấy và tồn tại lâu bền đối với bà con các dân tộc ở đây khi phải di dời nhà cửa, dành đất cho công trình Thủy điện Sơn La. Sự mất mát, gian khổ của bà con đã được đền bù xứng đáng một phần nhờ cây cầu trị giá 740 tỷ đồng này.

(Còn nữa)


  • 18/02/2014 04:00
  • Tổng hợp theo nangluongvietnam.vn
  • 1599


Gửi nhận xét