Theo điện lên rừng (kỳ 2)

Nhân chuyến đi "theo điện lên rừng" vùng Tây Bắc xa xôi này mà tôi có thêm nhiều thông tin và kiến thức về lĩnh vực năng lượng nói chung và điện năng nói riêng. Trong lòng thầm cảm ơn những nhà phát minh ra điện năng đã đem lại hạnh phúc cho loài người, mà bản thân các nhà phát minh ấy chắc cũng không thể tưởng tượng nổi.

Công nhân Điện lực Tân Uyên (Lai Châu)

Phó giám đốc Tao Văn Pắn cho biết: Lai Châu hiện mới chỉ có 2 nhà máy thủy điện "nho nhỏ", với tổng công suất 31,5 MW hòa vào lưới 110 kV, và 5 nhà máy có tổng công suất 30,4 MW hòa vào lưới 35 kV. Phần lớn lượng điện tiêu thụ còn lại được lấy từ Điện Biên hoặc từ Lào Cai.

Khi tôi bày tỏ mong muốn đến một nơi đang thi công đưa điện vào bản, ông đắn đo một lúc rồi nói: "Chỗ gần thì có điện hết rồi, chỗ xa thì sợ các nhà báo không có thời gian". Nhưng rồi có lẽ nhìn thấy gương mặt buồn thiu của tôi nên ông gọi ngay Phó phòng Xây dựng cơ bản -  Đỗ Văn Toàn lên, lục tìm trong tất cả các điện lực huyện xem chỗ nào đang thi công, nhưng đừng xa quá. Cuối cùng, ông quyết định đi cùng chúng tôi về Tân Uyên, cách thị xã Lai Châu chừng 60km về phía đông nam.

Một trong những ấn tượng của tôi trong chuyến đi này là đường sá liên tỉnh, liên huyện ở Lai Châu được trải nhựa khá rộng rãi và phẳng lỳ, kể cả con đường xuyên từ Lào Cai sang cũng vậy, đường đi Phong Thổ và giờ này đi Tân Uyên cũng thế, không hề thấy có ổ gà.

Trên đường đi, tôi hỏi phó giám đốc Pắn: “Này, bí quyết nào mà chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Công ty Điện lực Lai Châu đã giảm tỷ lệ tổn thất điện từ 9,9% xuống còn 7,4%?”. Ông nháy mắt một cách hóm hỉnh rồi nói nhỏ: “Nhà báo đừng lộ thông tin này ra nhá, không khéo người Nhật lại sang đây học mất bí quyết này đấy!”.

Nếu ai từng biết nỗ lực của toàn ngành Điện trong việc hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng mỗi năm mới thấy con số ấy quý giá như thế nào. Phó giám đốc Pắn cho biết, nguyên nhân nằm ở chỗ cấp điện cho việc thi công Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Ông cho biết, trạm biến áp 110 kV nằm ngay ở trung tâm công trường. Đường dây dẫn xa nhất không quá 2 cây số, hầu như không có tổn thất điện. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của “vị thượng đế khổng lồ” này trong năm 2013 chiếm khoảng 30% sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh nên tỷ lệ tổn thất điện của toàn tỉnh giảm xuống là điều dễ hiểu.

Rời con đường nhựa khoảng hơn chục phút thì ô tô không đi tiếp được nữa bởi con đường nhỏ vào bản đang được đổ đất nền mở rộng thêm. Chiếc xe máy của đội trưởng thi công Nguyễn Văn Toàn lấm như trâu đầm chở tôi ngồi đằng sau trồi lên sụp xuống trên con đường đang làm dở. Do xe không có chỗ để chân nên chẳng khác gì phi ngựa không bàn đạp khiến cái hệ xương sống “U60” của tôi đau nhói. May mà đoạn đường ngắn.

Đội trưởng Toàn khoảng 27 - 28 tuổi, quê ở huyện Phú Xuyên thuộc “Hà Nội 2”, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Anh đã làm nghề được 4 năm, nơi thi công xa nhất là huyện Mường Tè. Hiện đội thi công của anh khoảng chục người đang dựng cột xi măng cốt thép chữ A đưa điện vào bản Nà Bâu, chẳng có máy móc gì hỗ trợ ngoài cái pa lăng xích trợ lực 3 chân. “Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa, công việc vất vả hơn nhiều”, Toàn bảo vậy.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện khắc phục sự cố cháy máy biến áp ở Vàng Ma Chải hồi tháng 6 vừa rồi. Lãnh đạo ngành Điện yêu cầu bằng mọi giá phải đưa được máy biến áp vào Vàng Ma Chải để thay thế, bảo đảm cấp điện cho người dân và bộ đội biên phòng. Đúng hôm đưa máy biến áp vào xã, trời mưa tầm tã từ sáng tới tối. Đoạn đường từ Dào San vào Vàng Ma Chải dài khoảng 25 cây số. Đoạn đường từ điểm ô tô có thể tập kết được lên đến điểm đặt trạm biến áp xã khoảng 5 cây số. Ngày nắng đi bộ lên đã vất vả, ngày mưa đi bộ lên còn khó khăn hơn nhiều. Cái máy nặng hơn 800 kg, nếu không quyết tâm làm cùng với thiết bị hỗ trợ thì sẽ không thể đưa máy vào được.

Hôm đó, đồn biên phòng huy động 40 chiến sỹ, cùng vài chục thanh niên của xã và 10 cán bộ ngành Điện tìm mọi cách mở núi đưa máy biến áp về xã. Từng ấy người phải dùng cả pa lăng kéo máy biến áp nhích từng chút một. Đến tối mịt, họ mới kéo được máy biến áp về trạm. Sau bữa đó, nhiều người ốm nằm nhà mấy ngày trời…

Nhìn những gương mặt sạm đen vì nắng gió trong đội thi công của Nguyễn Văn Toàn, tôi thầm nghĩ: “Họ là những người như thế đấy!”.

Các anh ở Điện lực Tân Uyên cho biết: Tính đến cuối năm 2013, huyện Tân Uyên có 9/10 xã đang dùng điện của lưới điện quốc gia, số hộ có điện là 8.355/10.404 hộ, chiếm tỷ lệ 80,3%.

Có đi “mắt thấy tai nghe” thế này mới thấy con số phần trăm tăng lên ấy không hề khô khan, vô cảm, mà ở đó chứa đựng những trái tim ấm áp, những tấm lòng nhân hậu, những nghị lực phi thường, chứa đựng biết bao công sức và tiền bạc, biết bao nỗ lực và mang lại niềm vui hạnh phúc cho biết bao con người…

Sáng hôm sau, để bõ công cho một chuyến đi xa, tôi và nhà văn Đặng Ái quyết định đi Sơn La. Chúng tôi sang Công ty Điện lực Lai Châu với mục đích gặp giám đốc Cao Ngọc Lạc chào và cảm ơn, nhưng thật tiếc, ông lại bận. Hôm trước sang thì ông đang đi công cán ở huyện Mường Tè, còn hôm nay lại bận họp bàn về vấn đề lương, thưởng cuối năm, toàn những việc không dứt ra được.

Chúng tôi bèn ghé thăm phó giám đốc Hoàng Quang Trung, cấp “phó” trẻ nhất Công ty, nghe nói là trẻ nhất nhì trong tất cả các “phó” của điện lực cấp tỉnh, thành, sinh năm 1978. Sau khi thông tin lại chuyến đi và cảm ơn sự tiếp đón chân tình của anh em các điện lực huyện và tỉnh, chúng tôi thông báo là sẽ tiếp tục cuộc hành trình đi Sơn La ngay bây giờ. Phó giám đốc Trung hỏi: “Các bác đi bằng gì?”. “Thì chúng tôi lên đây bằng gì nay xuôi bằng thứ ấy”. Anh nghiêm mặt: “Không được, Điện lực Lai Châu không thể để các bác đi như thế được”.

Thế rồi chỉ một loáng sau, chiếc xe 4 chỗ ngon lành đã đợi chúng tôi ở dưới cổng cùng một cán bộ trẻ của Công ty có trách nhiệm “bàn giao nguyên đai nguyên kiện các nhà báo, nhà văn cho Điện lực Sơn La”. Nhà văn Đặng Ái tủm tỉm: “Ờ, đi xe này chắc là đỡ đau lưng hơn xe khách”. Và cuộc hành trình mới của chúng tôi lại bắt đầu…

(Còn nữa)


  • 17/02/2014 03:00
  • Tổng hợp theo nangluongvietnam.vn
  • 1392


Gửi nhận xét