Theo điện lên rừng (kỳ 1)

Ngay từ khi nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với nền văn minh năng lượng, đó là điện năng, nhưng sáu chục năm sau, kể cả ngót 40 năm làm báo, tôi vẫn khá lơ mơ về ngành Điện. Hôm mới đây, nghe nói Tổng công ty Điện lực miền Bắc đưa điện ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đầu tư hết 1.100 tỷ đồng để lo điện dùng cho gần 5.000 người dân ở đây, tôi giật mình cứ ngỡ nghe nhầm.

Nụ cười của thợ điện vùng núi Tây Bắc

Nếu theo tư duy của một nhà đầu tư đơn thuần thì chẳng có ai dám làm chuyện “phi kinh tế” ấy. Bởi có người phác tính rằng, thu tiền điện 300 năm sau vẫn chưa đủ hoàn vốn đầu tư. 

Tôi nói chuyện này với nhà văn Đặng Ái, ông gật gù: "Tớ cũng vài lần đi Lai Châu, từ hồi còn chưa tách tỉnh kia" và đồng ý đi cùng. Tôi nhìn ông thấy hơi ái ngại, vì nhà văn năm nay đã 67 tuổi, tóc đã lơ thơ, trong túi lúc nào cũng có một hộp chia làm nhiều ngăn, mỗi ngăn đầy ắp 4 - 5 loại thuốc uống định mức của mỗi ngày. Nay rủ ông đi đúng vào đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết phủ đầy vùng núi cao, ăn uống lại tùy nghi, nhỡ xảy ra chuyện gì thì mình gánh sao hết tội.

Nhưng hình như những hiểu biết về ngành Điện trong ông cũng lơ mơ như tôi, rồi những giá trị văn hóa đầy màu sắc của vùng Tây Bắc xa xôi quá hấp dẫn đã khiến ông quyết tâm cùng đi. Ông đề nghị: "Ta nên đi tàu hỏa lên Lào Cai, rồi lên ô tô đi khoảng 100 cây số nữa là đến Lai Châu. Còn nếu đi bằng ô tô lên thẳng đấy 400 - 500 cây số, cái lưng mình chịu không nổi". Và thế là chúng tôi quyết định đi theo cách ấy.

Cứ ngỡ là từ ngày tăng tốc đổi mới ngành đường sắt, tàu Hà Nội - Lào Cai sẽ đảm bảo giờ giấc, thế nhưng không phải. Chuyến tàu khởi hành 21h50 dự định sẽ đến Lào Cai vào 6h sáng hôm sau. Đêm tàu chạy xóc như ngựa lồng, thao thức đến 2 giờ sáng mới chợp mắt được một tý. Đang mơ màng, tôi chợt nghe tiếng nhà văn Đặng Ái gọi giật: "Dậy, dậy! Sáu rưỡi rồi, người ta xuống tàu hết rồi kia kìa!". Tôi choàng bật dậy, vội nhao ra cửa. Thấy một anh thanh niên đang ngồi co ro vì rét lạnh, liền hỏi: "Này anh bạn, đến Lào Cai chưa?". Cố mở to đôi mắt đỏ ngầu, anh ta lạnh lùng: "Còn xơi!". Hóa ra, tàu đang dừng ở ga Bảo Hà.

Đến 9 giờ sáng, con tàu mới lọ mọ đến được ga Lào Cai. Theo chuyến ô tô khách 24 chỗ mà chỉ có 6 - 7 người trên xe, chúng tôi len lỏi theo các triền núi đi về phía tây. Bác tài khoe với chúng tôi rằng mấy hôm trước, tuyết rơi trắng đường, phải có xe gạt tuyết ra hai bên đường mới đi được. Muốn sang Lai Châu phải qua Sa Pa, qua Cổng Trời, nơi được coi là đỉnh cao nhất của các con đường bộ Việt Nam. Ở đây, mọi người sẽ ngắm cảnh sắc kỳ vĩ của núi rừng Hoàng Liên đã được vinh danh là "Vườn di sản Asian Sa Pa".

Quả vậy, trên Cổng Trời, tuyết vẫn đang phủ trắng các ngọn núi. Hàng đống tuyết ngồn ngộn hai bên đường. Lại có ai đó lấy tuyết đắp thành những con vật ngộ nghĩnh. Chúng tôi đề nghị và bác tài đồng ý cho xe dừng lại mấy phút để chụp ảnh.

Do mục đích của chuyến đi là "theo điện lên rừng" nên phản xạ nghề nghiệp, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cây cột điện cao thế đứng lừng lững trên đỉnh núi với những đường dây nhỏ như sợi chỉ chui hút vào mầu xanh bạt ngàn, rồi phía xa kia lại là một cây cột tương tự đang lẩn vào trong mây. Sự ngạo nghễ giữa đất trời của những cây cột điện ấy trên mảnh đất có địa danh là Cổng Trời này đã khiến trong tôi trỗi dậy sự khâm phục những giọt mồ hôi đã tạo nên nó. Phải biết bao công sức, biết bao tiền bạc và lòng quả cảm mới có thể hình thành được những công trình dễ tạc vào tâm cảm con người như vậy. Tôi linh cảm chuyến đi này sẽ có nhiều khám phá về một lĩnh vực mà từ trước đến nay mình tiếp xúc nhiều với nó mà chẳng mấy khi hiểu về nó.

Chúng tôi quyết định chưa vào Công ty Điện lực Lai Châu vội mà ngược lên huyện Phong Thổ, nằm sát biên giới Trung Quốc. Giám đốc Điện lực Phong Thổ còn khá trẻ, sinh năm 1976, tên là Phạm Chiến Thắng. Anh cho biết đến nay, cả 18/18 xã của huyện đã có điện, 11.978/14.112 hộ đã được dùng điện lưới quốc gia, đưa tổng số hộ có điện từ 40% lên 85%. Con số này sẽ lên 92,2% vào năm 2015. Nếu biết rằng, từ huyện lỵ Phong Thổ đến xã xa nhất ngót nghét 100km thì mới thấy những con số ấy có ý nghĩa như thế nào.

Tôi ngỏ ý với Thắng rằng, anh em chúng tôi muốn đến một bản mới được cấp điện để chia sẻ với niềm vui của bà con. Thắng gợi ý: "Thế thì các anh có thể đến xã Ma Ly Pho giáp biên giới Việt - Trung, nhân thể ra tham quan cửa khẩu Ma Lù Thàng, mà chỉ cách đây có mấy chục cây số".

Theo các anh ở đây, muốn lên bản là phải xe gầm cao, máy khỏe và hệ thống an toàn phải tốt. Đi với chúng tôi có hai thợ điện trẻ là Nguyễn Văn Sỹ và Phạm Văn Đạt. Hai anh lỉnh kỉnh mang luôn theo đồ nghề để nếu chẳng may có sự cố gì là có thể "chiến đấu luôn". Nơi đến sẽ là bản Sòn Thầu 2, có 34 hộ bà con dân tộc Dao, nằm tít trên núi cao.

Rời con đường nhựa hướng ra cửa khẩu, xe bắt đầu bám theo con đường đất chỉ vừa hai bánh xe chạy ngược lên dốc, vừa đi vừa ấn còi bởi đường gấp khúc liên tục. Nguyễn Văn Sỹ rủ rỉ: "Các chú lên mùa này còn đi xe được, chứ vào mùa mưa, chỉ có đi bộ. Mỗi lần chúng cháu đi thu tiền điện rất vất vả. Có hộ chỉ năm, mười nghìn tiền điện một tháng, tiền điện thu được nhiều nơi không đủ trả lương nhân viên. Nhưng đấy là nhiệm vụ mà chú". Nhà văn Đặng Ái lẩm bẩm: "Thế mà gọi là kinh doanh được à?".

Rồi một bản với vài chục nóc nhà hiện ra giữa rừng núi lô nhô. Nhà của bà con người Dao khác với người Thái, không ở nhà sàn mà nằm sát đất, mái thấp. Chúng tôi vào luôn ngôi nhà đầu tiên, đó là nhà của bí thư bản có tên là Sàn Chỉn Lùng. Trong nhà, điện sáng trưng với nhiều đồ điện gia dụng như tivi, loa, nồi cơm điện... Ở gian bếp đang rực lửa một nồi rượu nấu dở, thơm lựng. Bản vừa được đóng điện lưới quốc gia hơn một tháng.

Qua câu chuyện, tôi mới thấy niềm hạnh phúc của bà con ở đây khi có lưới điện quốc gia về như thế nào. Tít dưới chân núi kia là một khe suối, đấy là nguồn năng lượng điện lâu nay của mấy chục hộ bà con nơi đây. Máy phát điện của mỗi hộ thì ngót 2 triệu một cái, mà chỉ dùng được khoảng một năm. Nước suối thì lúc nhiều lúc ít, theo vậy điện cũng phập phù lúc sáng lúc mờ, chỉ dùng để thắp sáng, chứ tivi là chịu chết. Lại còn chuyện hỏng hóc, trông coi cái "nhà máy điện" ấy mới nhiêu khê. Lũ về bất chợt là đi tong cả "nhà máy". Thậm chí, trâu, bò, lợn... có thể bê cả "nhà máy" đi vài chục mét.

Nay thì điện đã về đến tận nhà dân. Không chỉ như quy định của Luật Điện lực là ngành Điện sẽ đưa điện đến tận công tơ, mà ở đây, điện "đến tận tay người dân", có nghĩa là mỗi hộ dân sẽ được tài trợ một bảng điện gồm ổ cắm, công tắc và hai bóng điện 15W, loại bóng tiết kiệm điện. Theo bí thư bản Sàn Chỉn Lùng, tháng đầu tiên vừa rồi, nhà ông "tốn có hơn 50 nghìn tiền điện, tính ra cả năm hơn 600 nghìn, rẻ lắm! Lại xem tivi ổn định, rồi nấu cả cơm bằng nồi cơm điện nữa".

Thấy có khách lên bản, mấy người hàng xóm cũng sang chơi, trong đó có cả công an bản Lý Trịnh Cồ. Chủ nhà mang chai rượu nóng hổi vừa cất xong ra mời mọi người. Cầm ly rượu nóng hổi cùng tấm lòng ấm áp vốn có của bà con vùng cao mà cái rét dường như tiêu tan.

Nhân chuyện, tôi hỏi bà con ở bản có chuyện gì còn để trong cái bụng không, nay có nhà báo đến thăm, nếu có thì nhà báo nói giúp. Thấy vậy, công an viên Lý Trịnh Cồ liền nói "có một chuyện cái điện lực nói rồi mà không thấy làm".

Thì ra liên quan đến chuyện đền bù khi giải phóng mặt bằng để đưa điện lên bản. Mới đầu ai cũng nghĩ rằng diện tích làm một cột điện có đáng bao nhiêu một khi Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa. Ấy nhưng khi nói chuyện với bà con mới thấy trong mỗi dự án đầu tư, kể cả những dự án thuộc về phúc lợi xã hội, cũng phải rất rành mạch. Ở bản Sòn Thầu 2 này có nhiều hộ phải chặt cây cao su đang thời kỳ thu hoạch để nhường đất cho cái điện. Như gia đình của công an Cồ đây đã phải chặt 26 cây tất cả. "Cái cán bộ khi khảo sát nói cứ chặt đi cho cái điện nó vào bản rồi Nhà nước sẽ đền bù. Vậy đến nay, cái cây đã chặt được lâu lâu, cái điện đã vào ở đây hơn một tháng rồi mà người dân vẫn không thấy đền bù".

Cứ như theo bí thư bản Sàn Chỉn Lùng tính toán của nhà mình có hơn 500 cây cao su, năm nay mới 50 cây cho nhựa mà đã thu hoạch được hơn 10 triệu đồng. Như vậy mỗi cây cao su đem lại cho gia đình hơn 200 nghìn đồng. Tính ra, một gia đình có đến 26 cây bị chặt cũng là thiệt hại đáng kể của bà con. Tôi ghi lại chuyện này vào sổ tay và hứa sẽ hỏi cấp có thẩm quyền cho ra nhẽ "chưa" hay "không"? Sau đó, chúng tôi tạm biệt bà con để về Công ty Điện lực Lai Châu tìm hiểu thêm.

Ông phó giám đốc Công ty có cái tên khó viết nhưng dễ nhớ, Tao Văn Pắn, tuổi Nhâm Dần, dân tộc Thái. Ông kể rằng hồi năm 2003, khi Lai Châu tách thành hai tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu bây giờ, ông là phó giám đốc trẻ nhất nên đã xung phong xa gia đình để xây dựng thị xã Lai Châu mới. Nay ông lại là phó giám đốc lâu năm nhất, "già nhất" trong các "phó" hiện nay, được phân công phụ trách xây dựng cơ bản.

Nhìn gương mặt trẻ hơn tuổi, mái tóc hơi dài, nước da trắng mịn như da con gái, ngôn ngữ hóm hỉnh, tôi không nghĩ rằng ông lại phụ trách một mảng công việc toàn liên quan đến cột, kèo, xà, sứ, dây cáp... "khô không khốc". Qua cuộc nói chuyện với ông tôi mới thấy đúng là "gừng càng già càng cay", hỏi đâu nói đấy, cứ như một cuốn từ điển sống.

Thì ra, công cuộc đưa điện về nông thôn, về vùng sâu vùng xa ở Lai Châu lớn hơn những điều chúng tôi nhìn thấy rất nhiều. Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị - xã hội của Chính phủ giao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã thực hiện nhiều dự án đưa điện về nông thôn với tổng số vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng. Rồi dự án cấp điện cho các hộ thôn bản chưa có điện vừa được Nhà nước phê chuẩn, với số vốn đầu tư 415,7 tỷ đồng... Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Lai Châu năm 2011 - 2013 tăng gần 22% mỗi năm. Đến ngày 15/12/2013, Lai Châu đã có 95/108 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt 87,96%...

Nghe ông kể một hồi mà tôi ù hết cả tai vì con số tỷ này cứ nối tiếp với tỷ kia, phần trăm này đè lên phần trăm khác. Thấy vậy, ông liền kéo tôi ra chỗ bản đồ lưới điện Lai Châu ngay cạnh bàn làm việc của ông. Cả một tỉnh tận cùng vùng Tây Bắc của Tổ quốc rộng lớn được phủ kín những đường kẻ màu đỏ như những mạch máu của cơ thể, luồn lách qua tất cả những vùng rừng núi xa xôi. Tôi tìm lại cái bản Sòn Thầu 2 trên bản đồ mà tôi và nhà văn Đặng Ái đã đến mới thấy nó nhỏ bé làm sao? Chỉ một chấm bé vậy thôi mà ở đấy đang có ngót 200 con người đang tràn đầy hạnh phúc khi được "nhìn thấy cái điện của quốc gia".

Phó giám đốc Tao Văn Pắn chỉ vào một điểm tận cùng trên bản đồ, cách thị xã Lai Châu cỡ trên dưới 300 km về phía Tây Bắc và nói: "Hồi đầu năm nay, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Hoàng Quốc Vượng đã lên tận đây để đóng điện cho bà con đấy". Tôi thoáng nhìn đoạn đường lên bản Sòn Thầu 2 so với đoạn lên điểm tận cùng của huyện Mường Tè mà đã cảm thấy tức ngực.

Nhân tiện, tôi hỏi Phó giám đốc Tao Văn Pắn về việc 26 cây cao su của gia đình anh Lý Trịnh Cồ ở bản Sòn Thầu 2, hóa ra chuyện cũng đơn giản. Theo quy trình thực hiện dự án, từ khâu tuyên truyền vận động, đến khâu khảo sát, thống kê diện tích đất giải phóng mặt bằng và thiệt hại hoa lợi từ bản, lên xã, lên huyện, rồi lên Sở Tài chính, rồi sang Ban quản lý dự án để thực hiện chi trả đền bù mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhu cầu có điện sớm cho bà con dùng cũng khẩn thiết. Vì vậy, Điện lực Lai Châu thực hiện song song các bước đầu tư. Thống kê thiệt hại để đền bù được xác nhận ở bản, ở xã xong, các bên ký xong là thi công luôn.

Trăm sự là do điện đi nhanh hơn bước chân người nên việc đền bù “hơi bị chậm”, tức là “chưa” chứ không phải là “không” anh Cồ ạ.

Chuyện về một chuyến đi còn nhiều không thể kể hết trong một bài viết. Trong ngót 40 năm làm báo, tôi may mắn được đi hầu hết tất cả các tỉnh trong cả nước, vậy mà còn 2 tỉnh chưa một lần đặt chân tới, trong đó có Lai Châu. Và cũng bấy nhiêu năm, tôi cũng chưa lần nào tiếp cận sâu về ngành Điện như lần này. Đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn đối với tôi sau chuyến đi này.

(Còn nữa)


  • 12/02/2014 02:00
  • Tổng hợp theo nangluongvietnam.vn
  • 1372


Gửi nhận xét