Những người giữ điện giữa đại ngàn Trường Sơn

Giữa đại ngàn Trường Sơn, màu áo cam của những cán bộ, nhân viên Đội quản lý điện A Ngo (thuộc Công ty Điện lực Quảng Trị) đã tô điểm thêm vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây...

Những người thợ điện đang nấu bữa cơm trưa

Từ cầu treo Đakrông (quốc lộ 9) đến cửa khẩu La Lay là khởi thủy của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa phận Quảng Trị. Trên những cung đường gấp khúc cheo leo bên triền núi và vực sâu, những người thợ điện đã phải gùi cõng từng bao ximăng lên đồi cao, đào bới từng khối đá khổng lồ để cắm xuống cây trụ điện, rồi lại oằn lưng kéo từng km đường dây mang dòng điện thắp sáng cho 7 xã khó khăn nhất của huyện Đakrông.

Đưa được điện về vất vả gian lao là vậy, nhưng khi đã có điện thắp sáng bản làng, đem được ánh sáng văn minh đến từng hộ gia đình dân tộc thiểu số rồi, thì công tác quản lý, vận hành cũng không kém phần khó khăn.

Trong chuyến công tác này, tôi được đi cùng đoàn công tác của Công ty Điện lực Quảng Trị đến Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo (thuộc Điện lực Đakrông). Đội được thành lập nhằm "cài cắm" một tổ quản lý lưới điện, kinh doanh điện năng và trực tiếp sửa chữa các sự cố lưới điện ở 5 xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện.

Đội được thành lập đã hơn 15 năm, hiện nay đang quản lý trên 90 km đường dây 35 kV, 130 km đường dây hạ thế và 52 trạm biến áp với tổng số khách hàng sử dụng điện là 1.800 hộ dân.

Hiện nay, Đội gồm có 5 cán bộ, nhân viên đều là người Kinh được điều động lên công tác. Hôm chúng tôi đến, đội trưởng Lê Mậu Thanh đang nghỉ phép, tôi chỉ gặp được hai cán bộ còn rất trẻ là Lê Văn Long và Phan Văn Tùng. Tại ngôi nhà làm việc, cũng là nơi ăn, ở của mấy anh em trong đội còn quá đơn sơ. Ngôi nhà rộng chừng 30 m2 được chia đôi, một bên đặt bàn làm việc, còn bên kia kê 2 chiếc giường tầng.

Qua tìm hiểu, tôi được biết cuộc sống và công việc của những cán bộ, nhân viên thuộc Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là do địa bàn quản lý quá rộng, đi ghi chỉ số công tơ đến nhà dân xa nhất là 25 km đường rừng, như ở các thôn A Liêng (Tà Rụt), Húc Nghì 2 (Húc Nghì). Đặc biệt, thôn A Liêng có 1 trạm biến áp 31,5 kVA, cấp điện cho 40 khách hàng, hay như ở thôn A Đăng (Tà Rụt) là những nơi vừa xa vừa khó khăn về giao thông. Anh Tùng tâm sự: "Về mùa mưa, anh em cũng rất ngại qua suối, vì lỡ qua bên đó rồi nếu mưa là nước suối dâng cao, chảy xiết lắm, không thể về được. Có những lúc vì công việc gấp gáp nên chúng tôi phải phối hợp với nhau bằng cách cột quần áo, vật tư thiết bị vào người rồi đu theo sợi dây thừng qua dòng nước lũ...".

Những khó khăn nữa của người thợ điện ở đây phải đối mặt hằng ngày chính là chuyện vượt núi cao đi kiểm tra dây điện. Đi bộ hàng chục km đường rừng không phải là chuyện gì to tát của thợ điện nơi này. Anh Long cho biết: "Có khi đi hàng chục cây số chỉ để thay 1 bóng đèn cháy, nhưng vì người dân đặt niềm tin ở thợ điện, chỉ thợ điện đến sửa mới an tâm, nên anh em xác định là phải luôn tận tình phục vụ...".

Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành và sửa chữa lưới điện cho các xã nằm dọc đường Hồ Chí Minh, từ cầu treo Đak rông đến cửa khẩu La Hay, Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo còn có nhiệm vụ chốt chỉ số công tơ tại cửa khẩu La Hay bán điện cho một số địa phương của nước bạn Lào theo đường dây 35 kV với sản lượng điện khoảng 150 nghìn kWh/tháng.

Dứt câu chuyện thì đã đến giờ các anh nấu cơm trưa. Ở đây, họ tự mình nấu ăn, giặt giũ, trồng rau. Nguồn nước có nhiễm đá vôi nên chỉ dùng để tắm, còn nước ăn uống phải chở từ thị trấn Đakrông vào. Bữa cơm của người thợ điện giữa đại ngàn Trường Sơn đạm bạc, chỉ có rau trong vườn nhà và chút thực phẩm tươi. Vượt qua mọi khó khăn thường trực, họ vẫn luôn lạc quan và luôn tận tâm với công việc của mình.


  • 25/02/2014 12:01
  • Tổng hợp theo Bản tin EVN CPC số Xuân 2014
  • 1365


Gửi nhận xét