Đêm hôm đó, chúng tôi quây quần bên ấm trà nóng ở nhà trưởng bản Vi Văn Tái. Người nhà trưởng bản bàn tán rôm rả về nơi ở mới, họ bảo không muốn rời xa mảnh đất chôn rau cắt rốn này. Người Thái sống ở Tà Bán từ thuở nào, không ai biết rõ. Chỉ nhớ rằng, khi sinh ra, họ đã thấy con suối Tà Bán róc rách chảy đêm ngày. Đời này qua đời khác, người già truyền lại cho lớp trẻ cách làm nương rẫy, đánh cá ở suối Tà Bán và suối Quanh. Cuộc sống của họ, bao đời nay, đơn giản như thế.
5 giờ sáng hôm sau, từ nhà văn hóa ở trung tâm Bản, tiếng trống báo họp vang lên gióng giả. Rất nhanh sau đó, từng đoàn người từ trong… rừng lũ lượt kéo đến, đứng chật cứng cả nhà văn hóa. Có những người ở mãi Quán Nhục, Xì Bà và Tà Bục đã có mặt từ rất sớm vì nhận được thông báo từ trước. Khuôn mặt họ lộ vẻ bồn chồn, lo lắng.
Đúng 7 giờ sáng, cuộc họp bắt đầu. Sau khi nghe cán bộ trình bày, giới thiệu về các khu tái định cư và khung chính sách, nét mặt dân bản giãn hẳn ra. Hầu hết, bà con đều vui vì sẽ có điện, có trường học cho lũ trẻ, thậm chí việc chở cây luồng đi bán (nguồn sống của dân bản – PV) cũng dễ dàng hơn vì được mở đường lớn… Những điều lâu nay chỉ là mơ ước của họ đang đến rất gần.
Gia đình ông Lò Khăm Thanh - Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn có tới 50 ha rừng luồng, nhiều nhất bản Tà Bán. Ông Thanh bảo, nếu xây dựng Thủy điện Trung Sơn thì quá nửa rừng của ông sẽ chìm trong lòng hồ thủy điện, nhưng vì lợi ích lâu dài cho chính người dân Tà Bán, ông ủng hộ xây dựng thủy điện.
Sáng hôm đó, có một số hộ bận đi làm nương hoặc ở xa quá chưa đến dự họp được, chúng tôi quyết định phải tìm gặp bằng được bà con. 13 giờ, trời đổ mưa nhưng kế hoạch không hoãn. Anh em chúng tôi đi bộ theo lối mòn quanh co triền núi, xuyên qua những rừng luồng bạt ngàn. Khung cảnh nên thơ thật dễ khiến những tâm hồn lãng mạn phải “lạc nhịp” – tôi thầm nghĩ. Khoảng 30 phút sau, tôi đã nhìn thấy đỉnh Phà Khao. Dọc bên đường, những nương lúa, nương ngô của dân bản đã hiện ra trước mắt.
Người dẫn đường ngoảnh lại nhắc các cán bộ chuẩn bị leo dốc. Tôi tự nhủ, đã leo từ nãy giờ rồi còn gì. Ai ngờ, càng đi càng không thấy đỉnh Phà Khao đâu nữa. Những ý nghĩ bay bổng trong tôi đã… biến mất, chỉ còn lại cảm giác mệt chưa từng thấy. Sau cơn mưa, trời bắt đầu xả nắng chói chang càng làm cho chúng tôi mệt hơn, miệng mũi tranh nhau thở, mồ hôi vã ra như tắm, lại còn phải “đấu tranh” với đàn muỗi nhiều như trấu. Đi mãi, vậy mà vẫn chưa đến Phà Khao.
Thành viên đoàn công tác ghi lại ý nguyện của bà con trên đỉnh Phà Khao
|
Quyết tâm gặp bà con nên anh em cứ động viên nhau, bặm miệng, nhích từng bước chậm chạp. Tôi hỏi người dẫn đường tại sao người Thái lại đặt tên đỉnh núi này là Phà Khao? Anh cười tủm tỉm, Phà trong tiếng Thái có nghĩa là núi, Khao nghĩa là trắng mắt, vậy có thể hiểu là leo lên đỉnh núi này thì mệt mỏi đến trắng cả mắt ra.
Sau gần 3 tiếng đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đến đích. Quên hết mệt nhọc, tôi sung sướng tận hưởng cảm giác đứng giữa bầu trời lồng lộng, mây phủ bao quanh. Phía tây là đỉnh Pha Luông hùng vĩ, phía nam là đất Piềng Poong bị con sông Mã cắt ngang một dải kéo dài. Xa xa, bản Tà Bán rồi Xì Bà, Tà Bục lúc ẩn lúc hiện dưới lớp mây mờ bồng bềnh. Thế nhưng trên đây không một bóng người. Cái chòi canh dựng tạm trên nương cũng tiêu điều, hoang vắng. Lẽ nào, chúng tôi đã uổng công?
Anh em lo lắng tiến về phía bên kia sườn dốc. Có bóng người lúc ẩn lúc hiện trong nương lúa. Mọi người lao nhanh về phía đó. Thật bất ngờ, không phải “một vài” mà rất nhiều người già và trẻ em. Hóa ra, các gia đình ở lại trên nương, mang theo cả con nhỏ, những đứa lớn đã đi học được nghỉ hè cũng đi theo để giúp bố mẹ.
Lũ trẻ thấy người lạ liền xúm lại ngắm nghía, đưa tay vuốt vuốt cái logo EVN trên áo chúng tôi. Sau một hồi trò chuyện, biết chúng tôi là cán bộ của Ban QLDA Thuỷ điện Trung Sơn lên nương gặp bà con để tìm hiểu nguyện vọng của người dân khi di dân tái định cư, bà con chỉ nói: “Nghe bảo Nhà nước sẽ xây dựng 1 cái thuỷ điện ở Co Me lâu rồi mà chưa thấy, đã mấy năm nay bà con mong lắm”. Chúng tôi xúc động đến nghẹn lời khi nghe những lời chia sẻ đó.
Phà Khao là một trong những đỉnh núi cao nhất của xã Trung Sơn (Quan Hóa), giáp ranh của 2 tỉnh Thanh Hóa và Sơn La. Đứng trên đỉnh Phà Khao có thể nhìn thấy được bản Tà Bán, Tà Bục, Xì Bà và một phần dòng sông Mã. Người Tà Bán có câu nói: “Đến bản Tà Bán, chưa lên Phà Khao và chưa ăn măng rừng Pôi thì chưa biết vẻ đẹp của Tà Bán”. |
Khi chúng tôi hỏi bà con có biết khi xây dựng thuỷ điện thì không được ở đất Tà Bán nữa không? Mọi người đều biết là họ sẽ đến ở Co Tòng, Tá Mạ và Tà Bục. “Miễn sao Nhà nước xây trường học để các con được học hành, chứ người học cao nhất bây giờ chỉ hết lớp 3 thôi” - anh Lò Văn Cồng nói. Anh Cồng tâm sự: “Mong là khu tái định cư sẽ có trạm xá chữa bệnh cho người dân, ở đây thiếu thuốc lắm, cái lưng tôi bị đau mấy năm nay rồi mà không có thuốc chữa". Trò chuyện với bà con mới biết họ mong muốn được đổi thay cuộc sống đến mức nào.
Kết quả công tác khiến chúng tôi rất vui. Con đường trở về dẫu nhọc nhằn chẳng kém lúc đi nhưng sự mệt mỏi dường như bay biến mất. Khoảng 18 giờ, chúng tôi về đến bản. Người dân không tin là đoàn cán bộ vừa từ Phà Khao trở về. Chỉ đến khi xem những bức ảnh kỷ niệm chụp với bà con trên đỉnh núi thì mọi người mới tin đó là sự thật. Họ bảo, chưa từng có đoàn cán bộ nào lên tìm hiểu cuộc sống của họ trên nương như vậy cả.
Buổi tối hôm đó nhà trưởng bản đông vui hơn. Họ uống rượu và kể cho chúng tôi nghe những phong tục tập quán của người Thái, những câu chuyện vui kéo dài trong tiếng cười không dứt. Họ tin tưởng rằng, có Thủy điện Trung Sơn, giấc mơ về 1 ngôi trường khang trang, con đường lớn kéo dài từ cầu Co Me đến nơi ở, những ngôi nhà sàn kiên cố hơn,… sẽ không chỉ "nằm trong giấc mơ" của bà con nữa.