Thợ điện vùng cao và câu chuyện "3 cùng"

Cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc là “bí quyết” giúp những người thợ điện vùng cao có thể trụ vững và hoàn thành nhiệm vụ được giao tại những địa bàn đặc biệt khó khăn. Vậy nên mới có những kỷ niệm suốt đời không quên của một số anh em nhân viên điện lực trẻ lần đầu lên vùng cao “cắm bản”, chưa hiểu được phong tục tập quán địa phương...

Công nhân điện lực Võ Nhai (Thái Nguyên) mang điện đến bản vùng cao Nà Canh - Nguồn ảnh: Tạp chí Điện lực

Từ Hà Giang...

Từng có nhiều chuyến đi thực tế theo chân các thợ điện lên các tỉnh biên giới phía Bắc, tôi mới hiểu rõ chuyện “3 cùng” của cán bộ nhân viên ngành Điện. Vui có, buồn có. Thậm chí là có cả tình huống “éo le”. Nhưng đọng lại, vẫn là tình cảm chan hòa, mộc mạc giữa đồng bào với “cán bộ điện” – những người vừa làm chuyên môn vừa làm dân vận rất giỏi.

Mèo Vạc – một trong 4 huyện vùng cao của Hà Giang, nơi bốn bề là núi đá tai mèo, quanh năm có mây trắng phủ kín những “cổng trời” lạnh giá, cũng là nơi mà đời sống của những người làm điện còn rất nhiều khó khăn. Các dự án cấp điện cho đồng bào vùng cao nơi đây chính là nỗ lực lớn của ngành Điện nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà nước giao phó.

Trong câu chuyện với anh em ở Điện lực Mèo Vạc thì anh em ở đây đã quen với khó khăn, vất vả, kể cả chuyện đi bộ nửa ngày trời trong giá rét, băng đèo lội suối, vào từng nhà dân để thu tiền điện là chuyện bình thường. Nhưng chịu khó là chưa đủ, mà còn phải biết “3 cùng” nếu muốn được đồng bào quý, đồng bào thương. Có quý, có thương thì thợ điện mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ... “Nghĩa là, nếu đến nhà đúng bữa thì cùng ăn, cùng uống rượu ngô. Đêm hôm tối tăm, gặp mưa rừng… thì cùng ngủ. Thậm chí, phải nói cùng tiếng dân tộc, vì trên thực tế, rất nhiều bà con không biết nói tiếng Kinh" - anh Nguyễn Ngọc Tuân - nhân viên Điện lực Mèo Vạc chia sẻ.

Bởi vậy, mới có chuyện một số anh em trẻ người Kinh từ các vùng đồng bằng lên Hà Giang làm việc, được "cắm bản" vào các Điện lực Đồng Văn, Mèo Vạc... đã bật khóc khi lần đầu đi thu tiền điện. Anh Tuân kể, có một nhân viên trẻ lần đầu vào bản người Mông, không biết uống rượu ngô, lại không hiểu phong tục tập quán của đồng bào nên đã bị đuổi về, vì chủ nhà cho là "cán bộ điện coi thường nhà tao quá"... Nhưng khi đã thân quen, hiểu được suy nghĩ của đồng bào, anh em làm điện lại được đồng bào yêu quý gọi bằng danh từ chung là "cán bộ điện". Rồi khi quả trứng, lúc bắp ngô... đồng bào người Dao, Mông yêu quý dúi vào túi "cán bộ điện" cũng là chuyện bình thường. Với những người làm điện trên cao nguyên đá xa xôi Hà Giang, thì có lẽ chuyện "3 cùng" đã trở thành 1 phần công việc, là những yếu tố không thể thiếu để anh em hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Bế Minh Tuấn - Bí thư Chi bộ bản Nà Canh, xã Phương Dao (Thái Nguyên):

“Cán bộ điện” mang ánh sáng lên bản làng, bà con Nà Canh vui lắm. Trước kia phải thắp đèn dầu, từ nay được dùng điện rồi, gia đình mình cũng sẽ cố gắng kiếm tiền để mua ti vi, nồi cơm điện…  Gia đình mình cũng như bà con ở đây biết ơn “Cán bộ điện” và Nhà nước rất nhiều. Vì thế nếu giúp được việc gì, mọi người đều vui vẻ giúp, còn nấu hộ một vài bữa cơm thì có sá gì...

Xuôi Thái Nguyên…

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, lũ quét thường xuyên ập đến bất ngờ... Nhiều bản làng thậm chí sau một trận lũ quét là bị cô lập cả tuần. Bởi vậy nên công việc của những người "cõng điện lên non" ở quê hương cách mạng xưa cũng hết sức gian nan... Cũng chính từ gian nan, chuyện "3 cùng" với đồng bào dân tộc đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người làm điện!

Chúng tôi đã có chuyến công tác lên bản Nà Canh (thuộc Xã Phương Giao - huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) vào đúng dịp Dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa của huyện mới hoàn thành. Anh em Điện lực Võ Nhai đang khẩn trương lắp công tơ và hoàn thiện một số công việc cuối cùng trước khi đóng điện chính thức. Không khí trong bản  nhộn nhịp, vui như mở hội. Con đường từ trung tâm xã vào bản rất  xa xôi và khó khăn, nhìn quanh nhìn quất cũng không thấy điểm họp chợ, hay hàng quán nào... Không biết anh em vận hành sẽ ăn uống thế nào, chúng tôi mang thắc mắc này hỏi anh Lê Văn Mạnh – Cán bộ Điện lực Võ Nhai, thì được anh cho biết: Bữa trưa, thậm chí là cả bữa tối nữa - nếu làm quá muộn mới xong, anh em sẽ ở lại ăn cùng bà con trong bản. Trước khi vào bản làm việc, mọi người đã nhờ bà con nấu hộ rồi. "15 nghìn đồng/suất, có cả cá, thịt, rau đấy nhé, vừa ngon vừa no, đảm bảo sức khỏe. Lại được ăn uống giao lưu với bà con dân tộc, vui lắm" - anh Mạnh kể với giọng hào hứng. Tôi chợt nghĩ, đúng là nếu không "ăn cùng" với đồng bào, có khi nhân viên Điện lực lại phải cơm đùm cơm nắm đi làm...

Nhiều và rất nhiều câu chuyện giản dị mà cũng rất cảm động. Chúng tôi đã được nghe anh em Điện lực Võ Nhai tâm sự chân tình trong chuyến công tác ấy. Từ chuyện ăn cùng, đến chuyện cùng thấu hiểu, sẻ chia... những nét chung, riêng trong văn hóa vùng miền, đặc thù công việc... giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng chiến khu xưa với những người làm điện, thực sự là những câu chuyện rất đẹp giữa đời thường.


  • 27/03/2014 10:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN
  • 2268


Gửi nhận xét