Những bữa cơm ăn vội…

Nghề điện có nhiều gian nan vất vả, nhất là thợ đường dây. Chỉ cần quan sát bữa cơm “ăn vội” của họ cũng có thể phần nào thấy được sự tất bật, vất vả của những người làm điện. Đó có thể chỉ là bữa ăn trên cột điện bỏng rát giữa lưng trời, hay đơn giản là bữa tối ăn vội lúc nửa đêm khi lưng áo đã ướt đầm mồ hôi.

Ăn cơm trên độ cao 50m

Với thợ điện, ăn vội không phải là câu chuyện hiếm hoi. Anh Nguyễn Văn Giang - Phó Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa tâm sự: “Năm 2019, đợt tổng sửa chữa đường dây khu vực Xuân Mai, Chương Mỹ - Hà Nội kéo dài hơn 1 tháng, Công ty Truyền tải điện 1 phải huy động hàng chục đội đường dây về hỗ trợ thi công. Trong những “chiến dịch lớn”, thời gian cắt điện hàng ngày thường từ 4h sáng đến 16h chiều, công nhân thường phải dậy lúc 3h, ăn sáng và chuẩn bị đồ ăn nhanh cho buổi trưa, sau đó làm việc liên tục từ 4h sáng cho đến 16h chiều. Thời gian ăn trưa rất khẩn trương, nhiều khi phải dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống, lên tận đỉnh cột cao vài chục mét, anh em thợ ngồi tại đó, ăn thật nhanh, sau đó tiếp tục công việc”. Công việc vất vả là thế, nhưng anh Giang vẫn hóm hỉnh: “Ấy thế nhưng mấy ai được hưởng cái cảm giác ăn cơm trên đỉnh cột, giữa trời gió vù vù như chúng tôi đâu, nếu thử một lần sẽ thấy thú vị lắm”.

Anh Trần Hồng Cường - Đội trưởng Đội đường dây Xuân Mai, Truyền tải điện Hòa Bình lại nhớ về những bữa cơm với rau rừng trên tuyến. “Năm 2014, khi sửa chữa đường dây 220 kV nằm trên đèo Thung Khe (huyện Mai Châu, Hòa Bình), để đến được chân cột điện, chúng tôi phải đi bộ  hơn 1 giờ đồng hồ, sau đó trèo lên cột điện cao hơn 40 mét. Hôm ấy mưa rừng lớn, bị kẹt trên tuyến, anh em phải đốt lửa, ngủ võng, ăn mỳ sống với rau tầm bóp, lạc tiên - hai loại rau rừng quen thuộc của người dân nơi đây. Chính vì thế, hành trang của mỗi người khi đi kiểm tra tuyến luôn phải có lương thực, thuốc chống vắt, cảm, đau bụng, bạt cao su,... để dựng lều nghỉ qua đêm trong rừng.

Những bữa ăn trưa trên tuyến là chuyện thường nhật của lính Truyền tải điện Mục Sơn, Truyền tải điện Thanh Hóa

Hình ảnh người thợ điện đang vui vẻ “thưởng thức” hộp cơm trưa trên trụ điện tại khu vực xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được đăng tải trên mạng xã hội trở thành “clip hot”, thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Anh Nguyễn Phúc Nhật - nhân viên Đội quản lý vận hành đường dây và TBA, Điện lực Nghi Xuân, Công ty Điện lực Hà Tĩnh - nhân vật chính trong clip cho biết: "Hôm ấy, nhóm của anh Nhật cùng gần 40 nhân viên Điện lực tại Nghi Xuân đang  sửa chữa và thay sứ mới, tăng cường cung lèo… từ xã Xuân Phố đến xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân). Chiều cao cột điện gần 20 mét, mỗi lần leo lên, leo xuống, mất khoảng gần 30 phút. Chính vì vậy, nhóm anh đã gọi cơm hộp và dùng dây làm ròng rọc kéo lên và ăn cơm trên cột điện. "Để sửa chữa, chúng tôi tạm thời phải cắt điện của dân, phải tranh thủ ăn để nhanh sớm cấp điện trở lại cho dân”, anh Nhật cho biết thêm. 
 
“Anh đi anh nhớ…cơm nhà”

“Ba ngày rồi, chưa ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa!”, anh Trần Đức Quang, Đội trưởng Đội quản lý điện số 7, Công ty Điện lực Long Biên chia sẻ. Trong thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng đột biến, rất dễ xảy ra các sự cố điện, nhất là khi các gia đình sum họp, quây quần bên nhau vào bữa cơm thường là lúc cao điểm về sử dụng điện. Vì vậy, bữa cơm đúng giờ của thợ điện trở thành xa xỉ lắm... Anh Quang cười, nói như phân bua: “Tôi không đi công tác xa, không lang thang nhậu nhẹt sau giờ làm, không mê mải theo thú vui riêng, thế nhưng cơm nhà vẫn cứ “bữa đực, bữa cái”. Đó là điều tôi thấy áy náy với vợ con, mà chưa thể khắc phục được”.

Guồng quay công việc đôi khi còn khiến những người thợ điện phải “fast-food hóa” bữa ăn của mình. Khoan nói đến chuyện thức ăn ngon - dở hay vấn đề dinh dưỡng, chỉ riêng việc phải vắng mặt trong mỗi bữa ăn gia đầm ấm đã là một điều thiệt thòi lớn đối với họ. “Nhất là khi sự cố thường không báo trước. Những ngày mùa hè nắng nóng có nhiều sự cố hơn các mùa khác trong năm” - Kỹ sư Đỗ Anh Tú, Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực quận Bắc Từ Liêm - người đã gắn bó với nghề được 22 năm chia sẻ và bổ sung: “Có hôm bảy giờ sáng, sau ca đêm vất vả, hai thợ điện trực ca đi ăn sáng. Mới bước vào quán, đã nhìn thấy những ánh mắt không mấy thiện cảm: “Thợ điện giờ này mới đi ăn sáng... sướng thật!” Cái nhìn về thợ điện nhiều khi không được cảm thông như vậy. Liệu có ai biết, họ đã vất vả thức trắng đêm trực điện cho mọi nhà?

Công việc của thợ điện mùa nắng nóng là vậy, điện thoại luôn phải thường trực 24/24, nhận được thông báo là lên đường, đến bữa có khi chỉ kịp nhai vội chiếc bánh mì, xuất cơm hộp hay gói lương khô, tranh thủ xử lý sự cố, sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. Khi ấy, sự quan tâm đơn giản từ khách hàng có khi chỉ là một cốc nước mát mang ra tận chân cột điện, sẵn sàng cho thợ điện mượn đồ đạc, vật dụng phục vụ cho công việc, hoặc trông coi tài sản cho anh em cũng là nguồn động viên tinh thần, giúp những người thợ điện quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, hết mình phục vụ tận tâm, chu đáo cho mọi khách hàng sử dụng điện với câu nói "nằm lòng": Cố lên… cố lên... chút nữa nhé! 


  • 15/07/2020 10:52
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 995