1. Tôi không thể
Câu nói này không khác gì bạn đang ám chỉ “Tôi bỏ cuộc”. Dù muốn hay không, đó cũng không nên là câu bạn dành để nói với ông chủ hay người quản lý của mình. Vậy làm thế nào để bạn nói lên tình trạng thực sự mà không bị mất điểm?
Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, có rất nhiều điều không thể. Và trên thực tế, nhà quản lý hay khách hàng của bạn chỉ tìm kiếm cách tốt nhất để giải quyết vấn đề; dù cho cách đó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, bạn hãy đưa ra bất cứ giải pháp nào có thể; thay vì nói “Tôi không thể”. Khi đó, bạn sẽ là người giải quyết vấn đề và trở thành một “người hùng” trong mắt sếp cũng như khách hàng của bạn.
2. Tôi luôn làm như vậy
Đây thực sự là một câu nói phổ biến khiến bạn “mất điểm” trầm trọng trong mắt ông chủ hay khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn ngại tìm tòi cái mới và chỉ có thể làm những việc mà bạn đã quen làm.
Hãy nhớ rằng, để thành công, bạn không thể là “nô lệ” của những thói quen. Bạn phải làm quen với mọi tình huống, tìm ra phương án giải quyết chúng theo cách đơn giản và quen thuộc nhất.
3. Tôi chỉ cần một phút thôi
Chúng ta thường cho rằng, một phút không hề có giá trị nên hay hứa bừa “Tôi sẽ chỉ mất một phút thôi”, “Việc này chắc chỉ tốn một phút thôi”… Tuy nhiên, một phút sẽ trôi qua rất nhanh chóng mà bạn chưa kịp làm gì cả.
Câu nói trên đồng nghĩa với việc bạn đang dùng lời hứa để biện minh. Một phút có thể không quá lớn và không gây ra những hậu quả nghiêm trọng; nhưng nó sẽ làm cho bạn chủ quan và đánh mất nỗ lực của bản thân. Dù cho bạn có thể làm bất cứ việc gì nhanh chóng, đừng bao giờ nói “Tôi chỉ cần một phút thôi”.
4. Đó không phải lỗi của tôi
Không có một nhà quản lý hay khách hàng nào muốn làm việc với một nhân viên chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Mặc dù có thể vấn đề phát sinh không phải lỗi trực tiếp do bạn mà do hoàn cảnh khách quan hoặc yếu tố thời gian, bạn cũng đừng phủi tay và nói “Đó không phải lỗi của tôi”.
Hơn ai hết, bạn là người chịu trách nhiệm chính cho việc đó. Đầu tiên bạn cần nhận trách nhiệm về mình là đã không hoàn thành công việc. Sau đó bạn có thể trình bày lý do dẫn đến vấn đề này và phương án khắc phục hậu quả. Chắc chắn ông chủ và khách hàng của bạn sẽ không lấy làm phiền lòng với một nhân viên biết thừa nhận sai lầm và tìm cách khắc phục.
5. Đó không phải là công việc của tôi
Xã hội luôn có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Và đương nhiên trong một tổ chức cũng vậy. Bạn được tuyển vào vị trí marketing thì bạn không thể ngồi lọc hồ sơ, giấy tờ như nhân viên hành chính hay kế toán. Bởi bạn còn “núi việc” phải hoàn thành.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hãy linh động. Thay vì nói rằng “Đó không phải công việc của tôi’, bạn hãy thử xem xét vấn đề xem liệu việc đó có nằm trong khả năng của bạn không. Nếu bạn có thời gian và có thể làm được, đừng ngần ngại giúp đỡ đồng nghiệp hoặc “ghi điểm” với chính khách hàng của bạn.
6. Điều đó thật không công bằng
Tỷ phú giàu nhất thế giới – Bill Gates từng nói “Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”. Trong cuộc sống sẽ có đôi lúc bạn phải chấp nhận sự bất công để tìm đến công bằng. Hay nói một cách đơn giản, bạn phải tự tìm cách giải quyết vấn đề cho bản thân mình.
Bạn đánh mất một hợp đồng béo bở vào tay một người “kém cỏi hơn mình”. Điều này có thể khiến bạn bị tổn thương và thấy bất công. Nhưng đó là cuộc sống! Thay vì phàn nàn, hãy tự đặt câu hỏi xem tại sao khách hàng lại không ký hợp đồng với bạn, tại sao bạn không được tăng lương, tại sao bạn không được đề bạt vào vị trí đó… Không bao giờ từ bỏ, bạn sẽ không bao giờ mất đi điều gì!
7. Tôi không cần sự giúp đỡ
Sẽ luôn là điều rất tuyệt khi bạn được làm việc một mình và hưởng thành quả do chính bản thân mình làm ra. Nhưng kinh doanh là một vòng tròn mà ở đó, bạn luôn cần sự giúp đỡ từ những người khác. Đừng quá để cao khả năng của bản thân bởi thực tế đã chứng minh làm việc nhóm cũng sẽ đem lại hiệu quả rất cao.
Khi bạn làm việc và kết hợp ăn ý với những thành viên khác trong nhóm, bạn cũng đã có tố chất của một nhà lãnh đạo giỏi. Là một nhân viên, bạn khó có thể thàn công nếu chỉ thích “đánh lẻ” và “tự lực cánh sinh”.