Những lỗi giao tiếp cơ bản khiến sếp và đồng nghiệp lắc đầu

Giao tiếp chính là chiếc cầu nối giúp bạn rút ngắn khoảng cách với lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp khác trong công ty. Tuy nhiên, giao tiếp khéo léo nơi làm việc là cả một “bí kíp” không phải ai cũng “tu luyện” thành thạo. Hãy tránh ngay những lỗi cơ bản dưới đây khi giao tiếp chốn công sở khiến sếp phát hỏa và gây bất hòa với đồng nghiệp.

Không quan tâm đến cảm nhận của mọi người

Đây sẽ là điểm trừ rất lớn về bạn trong mắt lãnh đạo và đồng nghiệp nếu như bạn luôn tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm hoặc khăng khăng làm điều mình thích mà không bận tâm mọi người xung quanh đang nghĩ gì. Dẫu biết, công sở là nơi việc ai nấy làm, nhưng bạn cũng đừng quên đây là môi trường tập thể, một hành vi nhỏ của bạn dù tốt hay xấu cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mọi người.

Những hành vi giao tiếp điển hình như cười nói thoải mái, thậm chí là ồn ào khi bạn trao đổi với đồng nghiệp khác hoặc nói chuyện điện thoại cá nhân trong giờ làm việc. Hay như trong các buổi họp đông người, bạn vô tình nhận xét thẳng thắn và có phần gây tổn thương đến một đồng nghiệp nào đó trong công ty.

Tất cả những hành vi trên dễ bị các lãnh đạo đánh giá là thiếu chuẩn mực, thể hiện tác phong ứng xử thiếu chuyên nghiệp. Điều này sẽ là rào cản trên con đường thăng tiến trong sự nghiệp của bạn.

Do đó, hãy cố gắng xây dựng thói quen tôn trọng giờ làm việc của mọi người trong công ty, thay vì nói chuyện qua điện thoại, bạn có thể dùng các phương thức khác như email, chat, hoặc nếu trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể đi ra ngoài trao đổi để không làm phiền đồng nghiệp đang làm việc.

Ngoài ra, bạn cũng cần đặt bản thân vào vị trí của các đồng nghiệp. Khi họ hoàn thành công việc tốt, hãy động viên và khích lệ họ. Khi họ mắc lỗi, bạn hãy bày tỏ sự cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ nếu có thể, thay vì chỉ trích họ trước đám đông. 

“Tổng đài 1088” của cả công ty

Bạn có muốn chia sẻ chuyện riêng tư của mình cho một đồng nghiệp thích “ngồi lê đôi mách” để rồi hôm sau từ sếp tổng đến chị tiếp tân đều biết bí mật của bạn?

Đừng biến bản thân trở thành “chiếc loa phát thanh” khiến cả sếp lẫn đồng nghiệp đều dè chừng bạn. “Tám chuyện” trong giờ nghỉ trưa hay thậm chí là giờ làm việc luôn là điều cấm kỵ ở công ty.

Các đồng nghiệp khác có thể thích nghe bạn “buôn dưa” nhưng nếu chính họ trở thành chủ đề của cuộc trò chuyện, bạn chắc chắn sẽ là đối tượng bị “ghim” ngay lập tức. Không chỉ vậy, nếu chẳng may "tai vách mạch rừng", đến tai sếp, bạn nhất định sẽ bị khiển trách và thậm chí là bị kiểm điểm vì gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ công ty.

Do đó, thay vì "tám xuyên lục địa" hoặc tụ họp với các đồng nghiệp để nói xấu hoặc bàn tán về một ai đó trong công sở, hãy dành thời gian này để nghỉ ngơi hoặc trau dồi những kiến thức bổ ích hơn cho bản thân. Hoặc nếu bạn muốn trò chuyện với đồng nghiệp, hãy thử tìm kiếm những chủ đề giải trí ngoài công sở, trao đổi về kinh nghiệm làm việc, sở thích,... việc kết nối sẽ tốt hơn nhưng không làm mất lòng bất kì một đồng nghiệp nào trong công ty.

Trang phục không phù hợp với môi trường làm việc

Cách ăn mặc cũng là một trong những chi tiết quan trọng quyết định việc giao tiếp nơi công sở của bạn có thành công hay không. Thông thường, các công ty sẽ có những quy định rõ ràng về đồng phục hoặc quy tắc ăn mặc khi đi làm.

Nhưng nếu trong trường hợp không có nguyên tắc cụ thể, bạn cũng đừng nên tùy tiện hay thoải mái quá mức trong việc chọn trang phục đi làm. Một chiếc váy tuy bắt mắt nhưng lại quá hở hang, một chiếc áo sơ mi tuy lịch sự nhưng không thẳng thớm và vạt áo không bỏ vào trong quần gọn gàng,...

Những chi tiết bất cẩn như thế trong cách ăn mặc sẽ khiến đồng nghiệp, các sếp hay thậm chí là khách hàng cảm thấy thiếu thiện cảm với bạn. Cách tốt nhất để khắc phục là bạn nên có một tủ đồ công sở dành riêng cho bản thân mình.

Mỗi buổi sáng nên dành một khoảng thời gian ngắn để chọn cho mình bộ đồ phù hợp, kiểm tra cẩn thận và nên mặc thử trước gương để xem trang phục có thật sự phù hợp để mặc đến công ty hay không. Nếu cần, bạn có thể tham khảo các bí quyết lựa chọn trang phục công sở trên các tạp chí thời trang, mạng Internet để phối đồ đẹp mắt hơn mà vẫn đảm bảo lịch sự, chín chắn.

Người ngoài cuộc trong tất cả mọi việc

Bạn thường có xu hướng quan niệm rằng đến công ty là để hoàn thành tốt việc của mình, không cần bận tâm đến bất kỳ một ai khác. Mỗi ngày bạn chỉ khư khư dán mắt vào màn hình suốt 8 tiếng đồng hồ và chỉ mở lời với các đồng nghiệp khác khi thật sự cần thiết.

Điều này có thể giúp năng suất làm việc của bạn cao hơn nhưng lại không giúp ích gì cho việc xây dựng tinh thần tập thể trong môi trường công sở. Đặc biệt là khi bạn muốn tiến lên vị trí lãnh đạo. Quen biết rộng rãi và làm việc ăn ý với các đồng nghiệp sẽ là hậu thuẫn vững chắc giúp bạn tiến thân nhanh chóng. 

Do đó, đừng chỉ làm mỗi nhiệm vụ của bản thân mình. Khi rảnh rỗi, bạn hãy thử chủ động đề nghị giúp đỡ các đồng nghiệp hoặc lãnh đạo đang bận rộn những việc lặt vặt, trong khả năng của mình. Trong các giờ giải lao, hãy dành thời gian để trao đổi thêm với các đồng nghiệp những vấn đề bạn quan tâm để học hỏi thêm từ họ.

Những cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn trong môi trường làm việc căng thẳng, giúp bạn kết nối với tập thể dễ dàng hơn, bạn không còn cảm giác lạc lõng như một người ngoài cuộc.

Không có chính kiến 

Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống này? Khi bạn biết thừa 100% rằng sếp đang phát biểu một nhận định sai hoàn toàn, nhưng lại ngại phật ý sếp nên không dám đứng lên phản đối.

Hay như trong buổi thảo luận nhóm, bạn có một ý tưởng trong đầu, nhưng lại lo bị bác bỏ nên không dám bày tỏ. Hoặc thậm chí, khi các đồng nghiệp đang cần nghe quan điểm của bạn thì bạn lại tỏ vẻ đồng ý với tất cả chỉ vì không muốn mất lòng một ai?

Đừng để bản thân thành một “chú vẹt biết nói” trong công ty. Có thể bạn cho rằng đây là giải pháp giao tiếp an toàn nhưng thực chất, nó lại là “con dao hai lưỡi” rất nguy hiểm, khiến sếp và các đồng nghiệp không xem trọng ý kiến của bạn.

Hãy tỏ ra bạn là một người giao tiếp thông minh và khéo léo. Bạn có thể lắng nghe ý kiến từ các đồng nghiệp và trình bày lập trường của bản thân. Hãy khen hoặc nhận xét về một ai đó đúng lúc và đúng chỗ.

Đừng công khai phản bác quan điểm của sếp một cách trực tiếp trước tập thể. Thay vào đó, hãy khéo léo gửi email hoặc vào phòng riêng trao đổi cụ thể hơn với sếp, trình bày cách nghĩ của bạn và tham khảo ý kiến từ sếp. Sếp sẽ đánh giá cao sự tinh tế của bạn, khi biết cách giữ gìn hình ảnh lãnh đạo trước đám đông. 

Trong trò chuyện thông thường, bạn có thể mềm mỏng với đồng nghiệp nhưng khi bàn đến công việc, hãy thể hiện sự quyết đoán của mình. Nếu quan điểm của bạn là sai, cũng đừng tỏ ra cứng đầu và cố chấp mà hãy học cách lắng nghe, thừa nhận sai lầm để giúp bản thân ngày một phát triển hơn.

Chốn công sở giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều kiểu đồng nghiệp, nhiều tính cách khác nhau. Đặc biệt, dưới nền tảng tri thức được xây dựng vững chắc, các yêu cầu về giao tiếp trong môi trường này lại càng khắt khe hơn. Do đó, hãy bắt đầu rèn luyện và xây dựng văn hóa giao tiếp nơi công sở ngay từ bây giờ để tránh mắc phải những lỗi căn bản trên, khiến bạn mất điểm trong mắt sếp và đồng nghiệp.


  • 16/10/2018 05:08
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 2698