Những "nốt lặng" trên cung đàn dòng điện

Được ví như "trục xương sống” của lưới điện phân phối, lưới điện 110kV đóng phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cũng như bảo đảm cung cấp điện cho phát triển, ổn định an ninh chính trị và đời sống người dân. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của những công nhân quản lý vận hành đang ngày đêm canh giữ Trạm biến áp và đường dây 110kV. Họ được ví như những "nốt lặng" trên cung đàn dòng điện...

Những người thợ đường dây 110kV   trên “khuông nhạc” lưới điện cao thế Hà Tĩnh

Anh Hoàng Trịnh Tùng (TBA 110kV Vũng Áng) cho biết: “Từ khi vào nghề chúng tôi được rèn kỹ năng “Nhìn-Nghe-Ngửi”, chỉ một tiếng động nhỏ, một mùi lạ phải để ý ngay các thiết bị mình quản lý vì chắc chúng đang... có vấn đề. Vào mùa hè hay quá tải, không chỉ 30 phút ghi lại thông số một lần mà còn phải liên tục theo dõi dòng, công suất, kiểm tra thiết bị có phát nhiệt không để có hướng xử lý kịp thời”.

Đối với người vận hành, hằng ngày được nghe tiếng “chạy” của các thiết bị trong trạm lẫn tiếng kêu đặc trưng của máy biến áp là bản nhạc dòng điện tuôn chảy hoàn hảo và êm ái nhất vì lúc này các thiết bị đang vận hành bình thường cung cấp điện ổn định.

Nhưng vất vả nhất vẫn là những ca trực sự cố. Vào hôm trời mưa lớn gây mất lưới 110kV, tiếng chuông còi inh ỏi. Nhiều khi lại ầm ỉ bởi chuông báo chạm đất kêu rú hay tiếng máy cắt nhảy rầm rầm… Tất cả các thiết bị “xáo trộn” nhiều âm thanh khác nhau, rất dễ làm người vận hành mất bình tĩnh và lúng túng trong cách xử lý tình huống. 

Bằng kinh nghiệm và quy trình được huấn luyện, họ vừa nhanh nhẹn xử lý sự cố vừa phải đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị. Dẫu là nửa đêm hay đang khi mưa lớn, để có kết luận chính xác, người vận hành phải đội mưa ra ngoài kiểm tra tình trạng thiết bị cũng như khai thác tốt rơle khắc phục lưới điện lại cho người dân.

Khác với đặc điểm tại trạm biến áp, đường dây 110kV nằm rải rác trên nhiều địa hình từ đồng bằng đến đồi núi, sông hồ. Anh Nguyễn Tuấn Anh (Công nhân QLVH đường dây 110kV Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhìn thấy cột điện phía trước nhưng muốn đến được có khi mất gần một giờ lội bộ, leo núi. Ngoài trang bị an toàn, dụng cụ làm việc còn phải cõng cả vật tư, thiết bị trên lưng nặng tới vài chục kg. Giữa hai cột sát nhau không thể đi dọc tuyến mà phải xuống chân núi đi đến cột kế tiếp. Có những khoảng vượt giữa hai vị trí cột cách nhau hàng cây số giữa hai vực sâu....”.

Làm nhiệm vụ quản lý, những người mang màu áo cam ấy, chẳng bao giờ muốn nghe bản nhạc “re re” hay “tanh tách” của đường dây bị phóng điện. Thế nên, dù địa hình khó khăn hiểm trở ra sao, họ đều phải thực hiện đều đặn kiểm tra định kỳ ngày đêm, đột xuất theo đúng quy định, rà soát khắc phục các tồn tại trên lưới 110kV.

Mỗi lần cắt điện, Tổ đường dây lại tranh thủ xử lý các khiếm khuyết có nguy cơ xẩy ra sự cố. Dưới ánh nắng gay gắt, người lính 110kV treo mình cheo leo trên cột điện để vệ sinh bảo dưỡng cũng như tăng cường lèo phụ bổ sung tại vị trí các cột… Họ như những nốt nhạc ngân trên “khuông nhạc” đường dây cao thế đảm bảo sự bình yên của dòng điện.

Cũng không ít lần tôi bắt gặp những người thợ điện ấy dầm mình xuống đồng ruộng hay sông hồ đưa dây lên cho đồng nghiệp kéo. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, họ “hóa thành” những nốt lặng trên cung đàn dòng điện 110kV. Người ướt sũng, lấm lem bùn đất trông họ không khác gì một nông dân thứ thiệt. Lau vội giọt mồ hôi, anh Tuấn Anh giải thích thêm: “Khi được giao nhiệm vụ, bản thân tôi luôn ý thức trách nhiệm trong công việc. Dù vất vả, nhưng tôi luôn cảm thấy vui vẻ vì đã mang trong mình sứ mệnh là thắp sáng những nẻo đường thôn quê, thành thị.”

Với tình yêu nghề và sự nhiệt huyết, những người QLVH trong Đội cao thế 110kV vẫn lặng thầm túc trực bên những Trạm bến áp và song hành với từng cung đường.

Tất cả mọi người cùng đồng lòng để "mạch máu" 110kV luôn tuôn chảy, góp một khúc nhạc cao thế vào bài ca hào hùng của ngành Điện./.


  • 15/10/2020 02:10
  • Hoàng Hồng Nhung
  • 796