Những sai lầm dễ mắc phải nơi công sở

Nếu đang làm việc nơi công sở, chắc chắn bạn đã và sẽ mắc phải ít nhất một trong những sai lầm sau đây. Hãy ngừng lại nếu bạn không muốn công việc bị ảnh hưởng.

Nói chuyện phiếm trong giờ làm việc

Tham gia cùng đồng nghiệp trong những cuộc nói chuyện về những thứ "chẳng ra đâu" sẽ không đem lại cho bạn lợi ích gì, chưa kể bạn còn mất thời gian và không tập trung vào công việc.

Tất nhiên, bạn vẫn có thể trò chuyện cùng đồng nghiệp vào giờ nghỉ hoặc thỉnh thoảng đùa vui đôi ba lời, nhưng đừng quá đà. Những câu chuyện phiếm cũng "có cánh" để bay. Khi cùng nhau nói xấu một ai đó, các bạn là đồng minh, nhưng khi quay về bàn làm việc, bạn sẽ không biết điều gì có thể xảy ra từ những cuộc nói chuyện này.

Đi làm muộn thường xuyên

Nếu bạn thường xuyên đi làm muộn, dù bạn có là người làm việc chăm chỉ nhất, thường xuyên làm thêm giờ nhất, mọi người cũng sẽ giữ ấn tượng không tốt về bạn. Dù bạn có năng lực và làm việc tốt, việc thường xuyên đi làm muộn sẽ dần khiến mọi nỗ lực của bạn suy yếu. Danh tiếng và cách mọi người nhận xét về thái độ làm việc của bạn sẽ ảnh hưởng quan trọng đối với sự thăng tiến trong công việc.

Ăn uống quá đà trong các bữa tiệc

Những lời nói, hành động không hay bạn lỡ thốt ra khi không tự chủ được chính là một trong những sai lầm nơi công sở mà bạn nên hết sức cẩn thận, bởi, lời nói ra không thể nào lấy lại được, và những lời nói đó rồi sẽ được lan truyền khắp nơi.

Bất kể văn phòng của bạn thân thiện và thoải mái ra sao, đừng cư xử như bạn đang trong kì nghỉ hay ở các bữa tiệc với bạn bè. Những bữa tiệc nơi công sở là dịp để mọi người thoải mái và tìm hiểu nhau nhiều hơn. Ngoài công việc, nhưng bạn nên đảm bảo sự tỉnh táo của bản thân. Mọi chuyện sẽ thực sự tệ nếu bạn thức dậy vào buổi sáng sau bữa tiệc với đồng nghiệp và hối hận vì những hành động, lời nói không hay đã trót làm.

Dễ tức giận

Tức giận do bất đồng quan điểm, do mâu thuẫn hay do căng thẳng đều không mang lại ích lợi gì trong công việc. Nó sẽ làm giảm sự tự chủ, tính khách quan trong công việc của bạn. Hãy học cách chuyển những bực tức sang hành động, điều đó sẽ có lợi cho công việc hơn. Hơn nữa, dưới con mắt của sếp, bạn sẽ được đánh giá là một nhân viên có phong cách làm việc chuyên nghiệp và đức tính của người biết lãnh đạo.

Lười nhác

Có thể bạn nghĩ rằng không ai quan tâm đến những gì bạn đang làm ở nơi làm việc. Nhưng thực tế, nhiều người để ý bạn hơn đấy. Bạn đến công ty để làm việc, vì vậy hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội, đọc báo hay các việc cá nhân khác. Điều sếp của bạn quan tâm là hiệu quả công việc chứ không phải khả năng cập nhật tin tức báo chí nhanh nhạy của bạn.

Hứa hẹn quá nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu

Thật dễ dàng để trở thành một người làm việc quá sức, đặc biệt khi bắt đầu công việc mới, và điều này thường trở thành một sai lầm rất lớn. Phấn đấu vì công việc chắc chắn là điều tốt, nhưng khi bắt đầu, bạn đừng quá hứa hẹn hoặc thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn mà bạn không thể kiểm soát được. Thổi phồng năng lực bản thân sẽ khiến bạn đánh mất niềm tin mà người khác dành cho mình. Đừng nhận quá nhiều việc với những hứa hẹn mà chính bạn cũng không biết mình có làm được hay không. Hãy tập nói "không" khi cần thiết.

Bạn phàn nàn quá nhiều về công việc bạn đang làm

Bạn chán nản vì chỉ làm một việc lặp đi lặp lại hoặc cảm thấy mình đang quá tải và không được trả công xứng đáng? Đem sự chán nản đó làm đề tài để bàn tán trên mạng xã hội hay kể với đồng nghiệp, bạn có đang làm những việc như vậy không? Nếu có, bạn đang từng bước kết thúc cơ hội làm việc của mình đấy. Thay vì phàn nàn, hãy ngồi lại và vạch ra những điều khiến bạn không hứng thú với công việc và tìm cách cải thiện nó. Nói chuyện một cách chân thành với cấp trên để được giao những công việc phù hợp hơn cũng là một cách hay.

Bạn không biết cách đặt câu hỏi

Khi nhận một công việc mới hay được thăng chức lên một vai trò mới, bạn sẽ không biết tất cả mọi thứ ngay từ đầu. Cách tốt nhất là đặt câu hỏi khi cần thiết. Trước khi đặt câu hỏi, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những gì bạn đang băn khoăn và tự đi tìm câu trả lời. Nếu vẫn không tìm được câu trả lời, hãy tìm sự trợ giúp của đồng nghiệp và cấp trên. Cấp trên hay đồng nghiệp của bạn sẽ không chê cười đâu, ngược lại, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang thực hiện công việc của mình một cách nghiêm túc. Các câu hỏi chính là chìa khóa để đi đến thành công.


  • 12/01/2018 10:55
  • Nguồn: nguoilaodong.vn
  • 1570