Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết sau hai tuần khai quật khu đất chuẩn bị khởi công nhà trưng bày gần tháp cổ Vĩnh Hưng, nhiều cổ vật quý đã được phát hiện, như: Hai di vật bằng đá, một di vật bằng đồng độc bản nằm ở độ sâu gần 2 m. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm thấy một sàn gạch rộng khoảng 25 m2.
Tháp Vĩnh Hưng được xem là tháp cổ nhất miền Tây.
|
Tháp Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc cổ duy nhất còn được bảo tồn ở miền Tây, do một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911. Tháp được xếp vào danh mục các di tích kiến trúc mang số hiệu 902 được nhà cầm quyền Nam kỳ xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ.
Từ năm 1911 đến 1959, những nhà khảo cổ Pháp tìm đến khảo sát tháp Vĩnh Hưng đã phát hiện rất nhiều hiện vật mà chủ yếu là vật thờ cúng. Một trong những tấm bia tìm thấy ở trong chùa cạnh tháp có khắc chữ Phạn ghi rõ tên vua Yacovan Man cùng với tháng Karhila năm 814 (năm 892 sau Công nguyên).
Qua nhiều cuộc hội thảo, các nhà khảo cổ nhận định tháp Vĩnh Hưng không phải là di tích đơn lập hay đơn độc mà cùng với nó còn có các di tích thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều nơi trong vùng Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các di tích ấy đã trở thành phế tích, ghi lại dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã tồn tại từ cách nay nhiều thế kỷ, chỉ có tháp Vĩnh Hưng còn bảo tồn được khá nguyên vẹn.
Lần khai quật gần nhất cách đây 9 năm phát hiện những cổ vật liên quan đến Phật giáo và những di vật thường tìm thấy trong những phế tích kiến trúc ở Óc Eo.
Đợt khai quật lần này sẽ kéo dài hai tuần nữa để tìm những cổ vật quý có thể còn đang “ngủ vùi” dưới lòng đất. Sau đó ngành văn hóa Bạc Liêu sẽ tổ chức hội thảo khoa học, tiếp tục phục chế cổ vật quý đã phát hiện để mang ra trưng bày.