Quyên góp quỹ bảo vệ di sản văn hóa ở các vùng có xung đột, khủng bố

Buổi quyên góp quỹ bảo vệ các di sản văn hóa thế giới tại các vùng xung đột vũ trang và "thánh địa" của khủng bố do Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trì vừa diễn ra tại Bảo tàng Louvre, thủ đô Paris (Pháp) ngày 20/3/2017. 75,5 triệu USD là tổng số tiền đã được quyên góp tại buổi lễ.

Đền Palmyra’s Arch of Triumph ở Syria cũng bị ISIS phá hủy tháng 10-2015 và dọn sạch các cổ vật - Nguồn ảnh: Báo điện tử Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi quyên góp, Tổng thống Pháp  Francois Hollande nhấn mạnh, tại một số nơi như Bamiyan (Afghanistan), Palmyra (Iraq), Timbuktu (Mali), những kẻ cuồng tín đã cướp bóc, phá hủy và buôn lậu các di sản văn hóa, sát hại người dân. Quỹ này sẽ giúp ngăn chặn việc hủy hoại các khu vực lịch sử tại những vùng xung đột, chống buôn bán trái phép đồ cổ và giúp khôi phục những di tích bị phá hủy.

Bảy nước, trong đó có Pháp, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và một nhà từ thiện người Mỹ đã cam kết đóng góp cho nguồn quỹ trên. Trong đó, Pháp cam kết đóng góp 30 triệu USD, Saudi Arabia với 20 triệu USD, UAE với 15 triệu USD và nhà từ thiện Tom Kaplan người Mỹ cam kết đóng góp 1 triệu USD.

Liên minh quốc tế bảo vệ di sản ở các khu vực xung đột (ALIPH), có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), đã đặt ra mục tiêu quyên góp được 100 triệu USD vào năm 2019 để bảo vệ các di sản. Khoảng 40 nước đã cam kết ủng hộ sáng kiến này tại một hội nghị diễn ra tại Abu Dhabi hồi tháng 12/2016.

Sáng kiến  “Bảo vệ di sản văn hóa - Một hành động cấp bách vì nhân loại” đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy và Jordan trình bày tại Liên hợp quốc, với sự tham gia của Giám đốc UNESCO, đại diện Interpol và LHQ Văn phòng Chống ma túy và tội phạm (UNODC), cùng nhiều vị Bộ trưởng đến từ các nước thành viên. Sáng kiến này là một dự án mở cho tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc, các tổ chức và các đối tác quốc tế có nhu cầu tham gia lực lượng hỗ trợ cho việc bảo vệ các di sản văn hóa tránh khỏi sự hủy diệt hoặc buôn bán bất hợp pháp.

Hiện nay, các cuộc tấn công khủng bố, phá hủy di sản văn hóa của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cũng như việc buôn lậu và mua bán của các đối tượng văn hóa đã gia tăng đến mức đáng lo ngại. Những hoạt động này không chỉ tạo ra thu nhập cho các nhóm khủng bố mà còn được sử dụng như là một chiến thuật của chiến tranh khủng bố. Sau khi chiếm thành phố cổ Palmyra hồi tháng 5/2015, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phá hủy và cướp bóc các ngôi đền được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trong khi đó, các di sản tại Bamiyan và Timbuktu cũng đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan phá hủy.


  • 21/03/2017 10:12
  • Tin: Thanh Huyền
  • 2253