Sứ mệnh – biến tầm nhìn thành hiện thực

Có một câu nói nổi tiếng được cho là của văn hào Bớc-na Sô rằng: “Có một số khi nhìn thấy điều gì đó xảy ra, họ liền tự hỏi tại sao chúng lại như vậy, và có một số rất ít người cố tưởng tượng ra điều không xảy ra và tự hỏi tại sao nó lại không như vậy.” Những người làm nên được những điều kỳ diệu, lớn lao nằm trong số những người ít ỏi này.

Vậy còn những người khác thì sao? Với cái nhìn thờ ơ, họ giống như một người đang đi bên lề cuộc sống. Thiếu ước mơ, cuộc sống chắc sẽ rất tẻ nhạt. Nhưng có lẽ cuộc sống của những người chỉ biết ước mơ mà không làm gì để biến chúng thành hiện thực cũng không tươi đẹp hơn. Mơ mộng hão huyền dẫn đến tham vọng, và chính điều đó làm cho cuộc sống của họ trở nên bất hạnh. Để cuộc sống đối với con người có ý nghĩa, mỗi người không chỉ biết ước mơ, mà còn phải biết biến ước mơ thành hiện thực.

ảnh minh họaảnh minh họa

Chúng ta vẫn thường nhắc đến từ “sứ mệnh” (hay sứ mạng) với một ý nghĩa to tát, lớn lao. Có lẽ vì thế, nhiều người ngại sử dụng từ này trong cuộc sống đời thường. Thực chất, khi nói đến từ “sứ mệnh”, chúng ta đang nói đến một gánh nặng trách nhiệm tinh thần tự trao để làm cho hành động và cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Nếu hiểu theo cách đó, mỗi người chúng ta khi sinh ra đều đã được trao một sứ mệnh đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Vậy sứ mệnh của bạn là gì? Để biến ước mơ của mình thành hiện thực, bạn phải xác định mình sẽ làm gì, như thế nào và tại sao lại như vậy, điều mình làm có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân, gia đình, xã hội. Giá trị của bạn được xác định bởi chính những thứ đó. Ước mơ có thể giống nhau, nhưng cách thức làm cho ước mơ trở thành hiện thực lại có thể khác nhau. Và chính những thứ đó cũng sẽ tạo nên phong cách của bạn khi bạn thể hiện.

Đối với tổ chức cũng tương tự như vậy. Sứ mệnh của tổ chức là cách thức tổ chức mong muốn các thành viên tổ chức biến tầm nhìn (ước mơ) của tổ chức thành hiện thực. Để hiện thực hoá tầm nhìn, một tổ chức cần trả lời những câu hỏi sau: (1) Họ tồn tại là để phục vụ ai?; (2) Về điều gì?; (3) Bằng cách nào?;  (4) Họ tạo nên giá trị cho bản thân mình, cho tổ chức và cho xã hội bằng cái gì? Sứ mệnh của tổ chức là tầm nhìn được cụ thể hoá thành 4 câu hỏi này. Cách thức chúng ta trả lời 4 câu hỏi trên trong thực tế sẽ cho biết chúng ta LÀ AI – giá trị và bản sắc của tổ chức.

Để những tuyên bố về sứ mệnh của chúng ta không bị coi là “viển vông”, “hão huyền”, “duy ý trí”, chúng phải được biên soạn sao cho (a) có thể sử dụng làm cơ sở cho việc lập kế hoạch/phương án thực hiện, (b) có thể sử dụng làm căn cứ để đánh giá quá trình thực hiện, và, vì thế, (c) có thể được thể hiện thông qua hệ thống các chỉ tiêu, chỉ báo định tính hay định lượng hợp lý. Đó chính là 3 điều kiện cần thiết để đảm bảo tính xác đáng của tuyên bố về sứ mệnh.

Đến đây, điều cuối cùng cần suy xét là, làm thế nào để bạn có thể lồng được ước mơ của mình vào tầm nhìn của tổ chức, và bằng cách nào bạn có thể vừa thực hiện ước mơ của mình và vừa đóng góp vào việc hoàn thành sứ mệnh của tổ chức. Đây chính là mấu chốt để bạn có được một chỗ đứng vững chắc trong tổ chức, và đó cũng là cách thức để tổ chức có thể tựa vững chắc trên đôi vai của bạn.

Với mục tiêu xây dựng niềm tin, sự tín nhiệm bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, sự trung thực và tinh thần trách nhiệm, EVN cam kết với mọi đối tác sẽ luôn đảm bảo chất lượng là mục tiêu hàng đầu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.


  • 16/08/2011 11:32
  • Nguyễn Mạnh Quân
  • 5341


Gửi nhận xét