Tâm tư người thợ điện về "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"

Năm nay, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, thể hiện sự tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi bữa ăn gia đình. Những bữa cơm ấy mang ý nghĩa sum vầy, gắn kết thương yêu. Đối với những người thợ điện thường xuyên phải làm việc xa nhà, thì khoảnh khắc được quây quần cùng gia đình bên mâm cơm lại càng đáng trân trọng.

“Anh đi anh nhớ… cơm nhà”

Anh Trần Quốc Hoàn (Kỹ sư, Công ty Truyền tải điện 1) chia sẻ: “Có những chuyến công tác, đi xa nhà cả tháng trời, tôi thấy nhớ vô cùng cảm giác được sum vầy bên mâm cơm gia đình, điều này thật sự ý nghĩa đối với “lính truyền tải” hay “đánh trận” xa nhà như chúng tôi".

Đặc thù công việc của những người thợ truyền tải khiến họ phải quen với những bữa ăn “cơm hàng cháo chợ”. Lúc công việc vào giai đoạn cao điểm, ai cũng dồn sức lo làm, đâu còn tâm trí lo ăn ngon, vậy nên việc “nạp năng lượng” vì thế cũng “tặc lưỡi” cho qua bữa. Bao nhiêu ngày đi công tác là bấy nhiêu ngày, những người thợ điện “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, tăng cường làm việc”.

Anh Phạm Giang (Công nhân Nhà máy Thủy điện Suối Vàng, Công ty Điện lực Lâm Đồng) tâm sự về những khoảnh khắc quý giá khi anh và gia đình được sum vầy bên mâm cơm. Gia đình anh ở cách xa nhà máy cả tiếng di chuyển. Thêm vào đó, làm việc ca kíp cũng khiến anh rất khó có mặt ở nhà đúng giờ ăn. Thật khó để cả nhà đợi nhau cùng dùng bữa! Anh cười, nói như phân bua: “Tôi không đi công tác xa, không lang thang nhậu nhẹt sau giờ làm, không mê mải theo thú vui riêng, thế nhưng cơm nhà vẫn cứ “bữa đực, bữa cái”. Đó là điều tôi thấy áy náy với vợ con, mà chưa thể khắc phục được”.

Guồng quay công việc khiến những người làm điện đôi khi phải “fast-food hóa” bữa ăn của mình. Khoan nói đến chuyện thức ăn ngon - dở hay vấn đề dinh dưỡng, chỉ riêng việc nhiều khi phải vắng mặt trong mỗi bữa ăn gia đầm ấm đã là một điều thiệt thòi lớn đối với họ.

Thân thương bữa cơm gia đình

Ảnh minh họa

Bữa cơm còn được ví như chiếc gương soi, phản ánh hạnh phúc gia đình. Nhìn vào không khí một bữa ăn, sẽ dễ dàng nhận thấy tình cảm các thành viên ra sao, sự kết nối, chia sẻ ở mức độ nào.

Sau mỗi chuyến công tác xa, hay sau mỗi ca trực căng thẳng, được về bên gia đình, thưởng thức những món ăn “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, đối với những người thợ điện như anh Hoàn, anh Giang, đó là những khoảnh khắc vô cùng quý giá. Các anh thấy được sự kính trọng, tôn yêu từ con cái qua lời mời đầu bữa, cảm nhận được sự yêu thương chăm sóc của vợ qua mỗi lần gắp thức ăn cho chồng... Bữa cơm cũng là dịp cả gia đình sẻ chia đôi câu chuyện nhỏ, để thêm cảm thông về công việc vất vả, hay hiểu hơn về băn khoăn của con trẻ trong chuyện trường lớp, học hành.

Anh Giang chia sẻ: “Trước đây, ngày tôi còn bé, thường được cha mẹ chỉ dạy về việc “học ăn, học nói”. Bây giờ, trong gia đình nhỏ của mình, tôi cũng truyền lại cho con những giá trị truyền thống, nhắc các con từ những việc nhỏ nhất như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Bất cứ khi nào cả gia đình vui vầy bên mâm cơm, tôi đều chủ động tạo không khí vui vẻ, như một cách để bù lại “thiếu sót” trong những bữa ăn tôi vắng mặt”.

Thế mới hay, bữa cơm gia đình đâu chỉ là mang ý nghĩa của việc ngồi cùng chung một mâm, ăn cùng chung món. Xoay quanh mâm cơm, là rất nhiều yêu thương kết nối, là những thông điệp mà mỗi người muốn gửi gắm, chia sẻ. Ấm bếp lửa, ấm mâm cơm... đó chính là khởi nguồn để xây dựng, vun đắp mỗi tổ ấm gia đình.


  • 20/06/2014 08:59
  • Minh Hạnh
  • 1470


Gửi nhận xét