Nổi bật trong số những tác phẩm dự thi là bài viết của em Nguyễn Linh Diệp – con anh Nguyễn Hoài Linh và chị Hoàng Thúy Hường công tác tại Công ty Điện lực Hoài Đức, đạt giải Nhất cuộc thi với bài viết về “Người hùng ánh sáng”, đặc biệt nhân vật trong bài không ai khác chính là bố của em.
“Người hùng ánh sáng” trong mắt trẻ thơ - Ảnh: Hoa Việt Cường
|
Đọc bài của Nguyễn Linh Diệp, có rất nhiều chi tiết xúc động: “Bố vẫn hỏi tôi rằng tôi có buồn không khi các bạn nhỏ giống tôi phải đón Giao thừa trong đêm tối, vậy là tôi lại ngoan ngoãn ngồi đợi bố về. Có lúc bố hứa sẽ cùng tôi đón năm mới, nhưng rồi bố không về kịp. Tôi giận lắm, cũng khóc rất nhiều, nhưng lại càng thương bố nhiều hơn, thương những người công nhân ngày đêm vất vả. Tất cả công nhân ngành Điện đều như vậy, gia đình của họ đều phải chịu thiệt thòi, bản thân họ cũng vậy, nhưng lại chưa một lần than thở, phàn nàn”.
Trong bài dự thi, Diệp có kể về kỷ niệm những ngày Tết của gia đình bố mẹ đều làm ngành Điện như gia đình của Diệp. Khi không khí Tết lan tỏa lên khắp các gia đình trên cả nước thì bố của Diệp là anh Nguyễn Hoàng Linh lại nhận nhiệm vụ công tác đảm bảo điện những ngày Tết. Công việc tưởng chừng bớt vất vả hơn nếu như không có sự cố điện vào đúng đêm 30 Tết. Diệp có kể chi tiết rằng ngày hôm đó em cũng tâm trạng như bạn bè cùng trang lứa, muốn quây quần bên mâm cơm tất niên cùng gia đình, được bố mẹ đưa đi chúc Tết, nhưng em đã phải đón Tết vắng bố và cảm thấy buồn tủi. Tuy nhiên, bố của Diệp nói đó là công việc và là trách nhiệm của người thợ điện và hỏi Diệp rằng bé có buồn không khi các bạn nhỏ giống Diệp phải đón Giao thừa trong đêm tối? Khi nghe câu hỏi này của bố, dường như, Diệp cảm thấy mình phải mạnh mẽ hơn, thay vì buồn tủi em đã thay đổi và ngoan ngoãn đợi bố về quây quần với gia đình. Cũng từ đó, Diệp vừa thông cảm hơn cho bố, vừa cảm thấy tự hào hơn về nghề nghiệp của bố mẹ và những người đồng nghiệp của bố mẹ. Đó là công việc của người thợ điện Thủ đô “Chuyên nghiệp – văn minh – hiệu quả”, cần cù chăm chỉ, âm thầm cống hiến để mang đến nguồn điện kịp thời, liên tục cho người dân.
Từ khi chứng kiến những ca trực đảm bảo điện của bố vào đêm Giao thừa, một cô bé mới 15 tuổi vẫn còn trẻ con và có những cảm xúc ích kỷ đúng với lứa tuổi đã hoàn toàn thay đổi. Diệp yêu thương bố mẹ nhiều hơn, thông cảm với công việc của bố và đặc biệt hơn, em cảm thấy tự hào về sự nỗ lực và tâm huyết của bố dành cho công việc và cho người dân.
Qua bài viết về “Người hùng ánh sáng”, em Diệp muốn mọi người hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của người thợ điện, họ xứng đáng với danh hiệu “Người hùng ánh sáng”. Điều quan trọng hơn cả là Diệp đã nhận thấy sự quan trọng của điện đối với đời sống xã hội từ nhà máy sản xuất, các cơ quan, bệnh viện, trường học… bất kể nơi đâu cũng cần có điện để vận hành cuộc sống. Diệp mong muốn mọi người hiểu rằng để đem lại nguồn điện, những người công nhân ngành Điện phải đổ mồ hôi công sức, có khi cả máu và tính mạng, họ xứng đáng nhận được sự khâm phục, kính mến và trân trọng của mọi người.
Thời điểm hiện tại, hòa cùng xu hướng phát triển trên thế giới, ngành Điện cũng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, việc áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ giúp cho công việc của những người thợ điện trở nên thuận tiện hơn và không phải trực tiếp thực hiện nhiều thao tác ngoài lưới điện như trước kia. Điều này khiến cho Diệp cảm thấy rất vui vì không chỉ bố mẹ mình mà cả các cô chú ngành Điện cũng cảm thấy an tâm hơn khi thực hiện trách nhiệm mang lại nguồn điện ổn định và liên tục cho người dân Thủ đô.
Cuộc thi nhận được sự tham gia đông đảo của các em nhỏ với các bài viết đa dạng về người thợ điện, trong đó những người công nhân ngành Điện là bố mẹ của các em cũng là nguồn cảm hứng để các em hiểu hơn và hoàn thành tác phẩm dự thi của mình. Với phần lớn con em của CBCNV ngành Điện, người thợ điện đều được trân trọng như “Người hùng ánh sáng” - không chỉ trong công việc mà còn là những “người hùng” khi trở về nhà, mang niềm vui và hạnh phúc cho gia đình.